Võ sư nổi danh nước Việt có hai học trò trở thành hoàng đế

Google News

Có tới 2 học trò xưng là hoàng đế và một người xưng vương, võ sư Trương Văn Hiến có lẽ là trường hợp “độc nhất vô nhị” của Việt Nam.

Trong số rất nhiều học trò tài năng của võ sư Trương Văn Hiến, hai người trở thành hoàng đế là Nguyễn Nhạc và Quang Trung - Nguyễn Huệ. Một học trò khác là Nguyễn Lữ cũng phong vương (Đông Định vương).
Thầy Trương Văn Hiến là người Hoan Châu (Nghệ An - Hà Tĩnh ngày nay). Ông là anh em thúc bá với Trương Văn Hạnh, đại thần thờ Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát.
Sau khi Nguyễn Phúc Khoát qua đời, quốc phó Trương Phúc Loan chuyên quyền, Trương Văn Hạnh tỏ ý phản đối nên bị Trương Phúc Loan bắt giết. Trương Văn Hiến phải bỏ vào Nam.
Theo sách Võ nhân Bình Định, Trương Văn Hiến, tuổi trẻ tài cao, tinh thông thao lược võ văn. Một hôm, trên đường vào Nam, ghé vào nghỉ chân tại ngôi chùa hẻo lánh, ông quen trụ trì hiệu Trí Viễn thiền sư, vốn là quan trả ấn về nương cửa Phật. Theo lời khuyên nhủ của thiền sư, Trương Văn Hiến vào Quy Nhơn, Bình Định lập nghiệp.
Sau khi ghé chân miền đất võ, ông thường xuyên giao du khắp nơi. Bấy giờ, ngoại thành Quy Nhơn có một bậc phú gia tên Phan Nghĩa. Tính đôn hậu, giao thiệp rộng rãi, bạn bè khắp nơi. Trong nhà, thực khách luôn có đến hàng chục người. Ông có nuôi một toán võ sĩ đi theo áp tải đội thuyền buôn. Đứng đầu là võ sư Đặng Quan, sức mạnh và võ công hơn người.
Một hôm, Đặng Quan cùng bộ hạ áp tải một số hàng quan trọng và bị cướp. Cầm đầu là tên Song Tiên, võ nghệ cao cường, hành tung bí hiểm.
Vo su noi danh nuoc Viet co hai hoc tro tro thanh hoang de
Tranh vẽ thầy Trương Văn Hiến. 
Trong trận chiến ngang sức ngang tài này, Đặng Quan trúng tên bắn lén, rơi xuống sông. Vùng vẫy trong dòng nước, Đặng Quan cố sức bơi vào bờ. Thấy võ sư lâm nạn, biết không đánh lại bọn cướp, những người đi theo bèn nhảy xuống sông tẩu thoát.
Đang lúc nguy nan, một trang hán tử xuất hiện, xông vào đánh dạt bọn cướp và dùng sào chống ghe cứu những người bị nước sông cuốn đi. Người đó là Trương Văn Hiến. Vì võ sư Đặng Quan bị thương, Trương Văn Hiến nhận lời tháp tùng bảo vệ hàng.
Ghé lại nhiều lần, sau khi quan sát địa lý, nhân văn, Trương Văn Hiến quyết định chọn vùng đất An Thái làm nơi lập nghiệp. Nhờ có sự giúp đỡ về tài chính của Phan Nghĩa, ông mở trường dạy học cả văn lẫn võ, gần như biệt lập với xóm làng. Nhân dân trong vùng đem con đến nhập học rất đông.
Thầy giáo Hiến khi nhận học trò điều kén lựa môn sinh theo hai tiêu chuẩn: Tư chất và đức tính. Tư chất phải thông minh, hiếu học, đức tính phải kiên trì và nhân ái. Học trò các huyện, tỉnh khác đều có người đến xin học. Văn thì chuyên binh thư đồ trận, võ học đủ thập bát ban.
Thầy Trương Văn Hiến từng nói với môn sinh: “Có võ mà không có văn thì thường hay cường bạo. Có văn mà không có võ thường nhu nhược. Văn võ phải nương nhau thì đạo làm người mới giữ được vững”. Học trò của thầy sau này hầu hết trở thành tướng lĩnh của nhà Tây Sơn.
Khi ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ đến xin thụ giáo, được thầy Hiến thu nhận ngay. Thêm nữa, ba người từng tập luyện võ nghệ có căn bản của họ Đinh.
Năm 1778, Nguyễn Nhạc xưng đế hiệu rồi rước thầy Trương Văn Hiến về Quy Nhơn làm quân sư. Nhờ có thầy bên cạnh, Nguyễn Nhạc xây dựng nhà Tây Sơn thêm vững chắc. Cũng chính quân sư Trương Văn Hiến đã đề xuất cùng Nguyễn Nhạc tiến quân vào chiếm Gia Định để củng cố sự nghiệp buổi ban đầu cho nhà Tây Sơn.
Về sau, ông lấy cớ già yếu hay đau ốm mà xin được về quê tịnh dưỡng tuổi già.
Ngoài ba anh em nhà Tây Sơn, thầy Trương Văn Hiến còn dạy nhiều người nổi tiếng. Về võ công, Đặng Văn Long ở Tuy Phước, Phan Văn Lân ở Bình Định là những nhân vật có tiếng.
Về văn, hai anh em ông Nguyễn Văn Huấn và Nguyễn Văn Danh người Bình Sơn - Quảng Nghĩa, làm quan triều Tây Sơn có soạn bộ sử nhà đề "Tây Sơn thư hùng ký".
Tuy quê gốc ở Nghệ An, thầy Trương Văn Hiến vẫn được nhân dân Bình Định coi như người con của quê hương đất võ, vì ông đã có công đào tạo nên những anh hùng của triều đại Tây Sơn.
Theo PV/Zing News