|
Nhiều tác phẩm hư cấu kể chuyện con người tìm kiếm môi trường sống mới ở hành tinh khác. Ảnh: Interstellar/IMDB.
|
Năm 1914, nhà thiên văn học và nhà tự nhiên học William Pickering đã quan sát Hỏa tinh và đưa ra một giả thuyết: hành tinh này là một thế giới có nước, có sự sống. Ông tin rằng Hỏa tinh được bao phủ bởi một mạng lưới kênh rạch và đầm lầy, liên tục bị bão và gió lớn vây quần. Như Sarah Stewart Johnson đã viết trong The Sirens of Mars: khi “thảm họa trên đất liền hiện ra lờ mờ dưới hình thức Thế chiến, Pickering dường như nương náu” trong giấc mơ về Hỏa tinh của mình.
Giống với Pickering, Deborah Willis cũng viết một cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh trên Sao Hỏa - nhưng là Sao Hỏa mà chúng ta biết bây giờ: một vùng đất khắc nghiệt nơi chưa nhà thám hiểm nào tìm thấy nước hay sự sống. Tuy nhiên, khi những thảm họa môi trường diễn ra xung quanh, chúng ta có thể đồng cảm với mong muốn của Pickering là tìm một nơi ẩn náu nguyên sơ.
Đây cũng là mong muốn của Amber, một nhân vật trong sách của Deborah Willis. Cô bị hành hạ bởi cảm giác bất lực khi gặp khủng hoảng khí hậu và khao khát được trốn đến một vườn địa đàng. Giống như Elon Musk, Amber muốn biến đổi địa hình hành tinh này, sử dụng công nghệ giúp Sao Hỏa tràn ngập sự sống.
Khi nói đến Hỏa tinh, chúng ta thấy những gì chúng ta muốn thấy: Pickering tin rằng nó là một khu vườn rộng lớn, hoang sơ, trong khi các nhà khoa học khác cùng thời với ông tin rằng nó là nơi cư trú của một nền văn minh Sao Hỏa thông minh. Và Hỏa tinh hiện ngụ trong tâm trí của các tỷ phú, những người khai thác Trái Đất cạn kiệt, đến mức họ dường như khiếp sợ hành tinh của chính họ và sợ cả đồng loại mình. Vũ trụ ngoài trái đất đã trở thành nơi ẩn náu mà giới đại gia thèm muốn.
Trong một bài đăng trên Lithub, Deborah Willis chia sẻ rằng giờ đây, bà nhận ra mình đã viết một cuốn tiểu thuyết chống lại tư duy hầm hố ấy nhưng đồng thời cũng níu vào tác phẩm mình viết như một nơi trú ẩn yên tĩnh, bình an.
Viết là một hình thức trị liệu
Ngay tại Alberta nơi Willis sống, sau hàng trăm vụ cháy rừng, chất lượng không khí được cho là tồi tệ bậc nhất. Khói ở khắp mọi nơi, không thể tránh khỏi, chúng thấm qua các vết nứt xung quanh cửa ra vào và cửa sổ - xâm nhập phổi ngay cả khi người ta nỗ lực bịt kín căn nhà của mình.
Ngay cả những người ở xa vùng cháy, nhìn thấy trời trong và xanh cũng không an toàn. Một nghiên cứu gần đây tại Stanford cho thấy rằng những người sống ở vùng lân cận phải chịu đến 60% tác động của khói và những người ngay rìa vùng cháy phải chịu đến 87% tác động ô nhiễm - con số gây bàng hoàng.
Tiểu thuyết của Deborah Willis. Ảnh: Norton.
Theo Deborah Willis, con người không thể thoát khỏi những gì họ đã gây ra, vì vậy họ phải đối mặt với nó. Chỉ khi đó, họ mới có thể cùng nhau tìm cách giảm thiểu tác hại.
Vậy nhưng tư duy bảo thủ của giới tỷ phú vẫn hiện diện ở khắp mọi nơi. Trong cuốn sách của mình, Deborah Willis lập luận rằng tư duy này dẫn đến cái chết cả về thể xác lẫn tâm hồn. Những gì chúng ta cần trong thời điểm khó khăn này không phải là nơi trú ẩn mới cho nhóm "tinh nhuệ" ít ỏi mà chúng ta cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Graham Greene từng nói “Viết là một hình thức trị liệu; đôi khi tôi tự hỏi làm thế nào mà tất cả những người không viết lách, không sáng tác hay vẽ tranh lại có thể xoay sở để thoát khỏi sự điên loạn, u sầu, hoảng loạn và sợ hãi hiện hữu trong một giai đoạn đời người".
Thực tế, hầu hết chúng ta phớt lờ nỗi kinh hoàng, đau buồn và tiếc nuối mà cuộc khủng hoảng khí hậu gây ra. Như vậy, liệu việc đọc và viết sách có phải là một hình thức trốn tránh khác không?
Deborah cho rằng viết lách là một nỗ lực đơn độc, tạo ra nơi ẩn náu riêng với một động cơ mơ hồ. Nhưng viết lách cũng cho thấy hy vọng, nỗ lực kết nối và sự giao tiếp. Nhờ viết lách, con người ta hiểu được chính mình, được là chính mình.
Theo Vũ Bân/Zing News