Trần Dụ Tông, vua thứ 7 của nhà Trần, người được đưa lên ngôi năm 1341 lúc mới có 6 tuổi. Vốn tên húy là Trần Hạo, ông là con thứ của Thượng hoàng Trần Minh Tông. Anh cả của ông là Trần Vượng được lập làm vua, tức vua Trần Hiến Tông, nhưng mất năm 22 tuổi. Người anh lớn khác là Cung Túc vương Trần Nguyên Dục do có thái độ ngông cuồng nên bị Thượng hoàng Minh Tông ghét, Trần Hạo mới được lập làm vua.
|
Ảnh minh họa, nguồn: LichNhuY. |
Trần Dụ Tông bị bệnh từ nhỏ, năm 4 tuổi, ông đi chơi Trung thu bị ngã xuống nước suýt chết đuối. May nhờ quan Ngự y người gốc Trung Quốc là Trâu Canh, vốn có cha là ngự y của Đại hãn Mông Cổ Hốt Tất Liệt cứu sống được nhưng dự đoán rằng hoàng tử lớn lên sẽ bị liệt dương.
Năm 1351, Dụ Tông đã làm vua, Ngự y Trâu Canh dâng phương thuốc nói rằng giết đứa bé con trai, lấy mật hòa với dương khởi thạch mà uống và... thông dâm với chị hay em ruột của mình thì sẽ chữa được liệt dương. Dụ Tông làm theo, thông dâm với chị ruột là Thiên Ninh Trưởng công chúa Ngọc Tha, quả nhiên công hiệu. Canh từ đấy được yêu quý hơn, được ngày đêm luôn ở trong hậu cung hầu hạ thuốc thang, nhân cơ hội đó Canh thông dâm với cung nữ. Việc phát giác, Thượng hoàng Minh Tông định giết Canh chết, nhưng vì có công chữa khỏi bệnh cho Dụ Tông nên được tha. Mặc dù vậy, Dụ Tông cũng không có con.
Đến năm 1357, Thượng hoàng qua đời, năm sau, Dụ Tông chính thức nắm quyền, liên tục xây dựng cung điện nguy nga, vườn tược tráng lệ mà không quan tâm đến việc triều chính. Do đó, các gian thần kết bè kéo đảng lũng đoạn triều đình. Thấy vậy, danh thần Chu Văn An dâng “thất trảm sớ” xin chém 7 gian thần nhưng nhà vua không nghe, ông bèn từ quan về núi Chí Linh dạy học.
Dụ Tông nghiện rượu, thích rủ các quan cùng uống thi. Ai uống thắng được ông thăng chức. Chính chưởng phụng ngự cung Vĩnh An là Bùi Khoan dùng mẹo lừa vua rằng uống được trăm thăng, Dụ Tông tin là thật, thưởng tước hai tư để dự thăng trật.
Sử thần Phan Phu Tiên, tác giả bộ “Đại Việt sử ký tục biên”, bình luận: Luật pháp nhà Trần nghiêm cấm đánh bạc đến như vậy, thế mà đến đời Dụ Tông lại công nhiên làm bậy, gọi là những người giàu vào cung đánh bạc, rồi sau người trong nước bắt chước cái dở ấy, không thể ngăn cấm được nữa. Cuối cùng vì tệ đánh bạc mà rồi mất nước.
Mời độc giả xem video Dinh thự vua Bảo Đại ở Đà Lạt (Nguồn: Youtube):
Năm 1363, Dụ Tông cho dân phu đào hồ ở vườn ngự trong hậu cung. Trên bờ hồ trồng thông, tre và các thứ hoa thơm cỏ lạ. Trong vườn nuôi chim quý, thú lạ. Dụ Tông lại sai đào một hồ nhỏ khác, sai người Hải Đông (vùng Hải Phòng ngày nay) chở nước mặn chứa vào đó, đem các thứ hải vật như đồi mồi, cua, cá nuôi ở trong hồ. Vua lại sai người Hóa Châu (vùng Trị Thiên ngày nay) chở cá sấu đến thả vào đó, khiến quân lính và nhân dân phải phục dịch hết sức vất vả.
Tháng 6 năm 1366, Dụ Tông ngự thuyền đi chơi đêm, khi về bị mất cả ấn và gươm báu. Do mê tín, ông cho rằng đây là điềm trời báo mình sắp chết, càng chơi bời quá độ, rồi đến năm 1369 thì mất, thọ 34 tuổi, ở ngôi được 28 năm.
Do bị ảnh hưởng của bệnh từ bé, Dụ Tông không có con. Trước khi mất ông để lại di chiếu lập con người anh Cung Túc vương (đã mất) là Nhật Lễ lên kế vị.
Sử chép rằng mẹ Nhật Lễ vốn là một đào hát, lấy kép hát là Dương Khương, có thai rồi mới bỏ Dương Khương lấy Cung Túc vương, sinh ra Nhật Lễ, nên Nhật Lễ không phải dòng dõi nhà Trần.
Sự lựa chọn của Trần Dụ Tông suýt nữa làm mất ngôi nhà Trần, khi Dương Nhật Lễ (sau sử gọi là Đại Định Đế) từ lúc lên ngôi cũng không lo gì đến triều chính, ham chơi, rượu chè, lại cho đón cha ruột Dương Khương vào triều, cho giữ chức Lệnh thư gia, có ý đổi sang họ Dương khiến các quan trong triều bất bình.
Bà Hiến Từ Thái hậu, mẹ Dụ Tông tỏ ý hối hận việc lập Nhật Lễ. Nhật Lễ bèn cho đánh thuốc độc giết chết bà. Các vương gia Trần Nguyên Trác, Trần Nguyên Tiết, hai người con của công chúa Thiên Ninh, định phế Nhật Lễ nhưng không thành, bị ông ta bắt giết tất cả 17 người.
Phải đến khi người anh Dụ Tông là Cung Định Vương Trần Phủ nổi dậy, có sự giúp sức của rất nhiều tôn thất khác, mới bắt được Dương Nhật Lễ, rồi đem giết. Trần Phủ lên làm vua, tức Trần Nghệ Tông.
Nhờ đó, đất nước mới trở lại vào tay họ Trần. Nhưng sau 20 năm cai trị của Trần Nghệ Tông, nhà Trần bước vào giai đoạn suy thoái không thể cưỡng nổi. Vua nối ngôi Nghệ Tông là Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành bị chết trận, sau đó Chiêm Thành liên tiếp đánh ra, rồi đến năm 1400, Hồ Quý Ly chính thức cướp ngôi của nhà Trần.
Theo Lê Tiên Long/Lao Động