Nhờ vợ mà hết ham chơi, chuyên chú đọc sách
Trần Văn Trứ sinh ra trong gia đình khoa bảng, cha là ông Trần Văn Hoán, Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân đời vua Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Hàn lâm viện Thừa chỉ. Trần Văn Trứ hay chữ từ nhỏ nên thi Hương đậu rất sớm. Nhưng hay chữ bao nhiêu thì cũng ham chơi bấy nhiêu, khiến việc học hành bị chểnh mảng.
Ông lấy vợ là Khương Thị cũng thuộc dòng dõi khoa bảng, con của một Hoàng giáp. Dù lấy vợ nhưng Trần Văn Trứ vẫn rất ham chơi, vợ ông nhiều lần nói cũng không được. Cuối cùng bà đã sửa lễ cáo với tổ tiên nhà chồng, đồng thời xin với cha chồng cho được về nhà cha mẹ đẻ.
Trước sự kiên quyết của vợ, Trần Văn Trứ mới ít ham chơi, chuyên cần đọc sách ngày đêm. Đến kỳ thi năm 1743, ông thi đỗ Đệ nhị giáp chính Tiến sĩ xuất thân Đệ nhất danh.
Làm thầy nổi tiếng
Trần Văn Trứ làm quan đến Thiêm đô Ngự sử kiêm Quốc tử giám Tế tửu, người dân quen gọi ông là tiến sĩ Từ Ô vì ông là người thôn Từ Ô. Hai cha con ông cùng làm quan trong Triều.
Trần Văn Trứ làm quan không trốn tránh việc, lại hành xử theo đúng phép tắc nên tiếng lành đồn xa. Tuy nhiên vốn tính thẳng thắn, thấy gì nói nấy, nên ông cũng gặp phải lời dèm pha, thường chuyên tâm hơn vào việc dạy học.
Trong cuốn “Trần tộc gia phả” có ghi chép rằng ông dạy học trò rất hay, tuy vậy hay khen thưởng hoặc mắng nhiếc học trò. Khi làm văn, trò nào làm trúng ý, ông thường hay nói: “Cha mẹ anh ăn thức gì mà sinh được anh như vậy, tiếc rằng con gái ta đã gả chồng hết cả”. Và không biết có phải nhớ tới thời ham chơi bị vợ nghiêm khắc không, mà khi có trò nào làm dở thì ông hay nói: “Cha mẹ ngươi ăn phải thứ gì mà đẻ ra ngươi như vậy, tiếc rằng vợ ngươi vô duyên nên lấy phải…”
Học trò dù bị ông mắng nhiếc nhưng lại có nhiều người thành tài, vì thế mà khi họ lên kinh thì không ai là không tìm đến ông. Các kỳ thi hương thì người đậu có quá nửa là học trò của ông.
Câu chuyện chấm thi cho người nhà
Sách “Hải Dương phong vật chí” có ghi chép rằng về một lần Trần Văn Trứ phụ trách khoa thi Hương ở quê nhà. Biết tin, vợ ông dặn rằng: “Năm nay có đứa cháu đi thi, mong được ông rộng tay cho nó được mở mày mở mặt. Tên nó là Hi”, ông cũng gật đầu biết vậy.
Biết tính chồng, bà Khương Thị dặn người hầu khi nào thấy ông chấm đến quyển văn của người cháu thì nhớ làm hiệu “Hi Hi” để ông nhớ.
Khi ông chấm quyển văn, người hầu đứng gần quan sát, khi thấy có quyển văn có dấu hiệu đúng như bà đã dặn liền đứng cạnh mà đằng hắng “Hi Hi”. Nghe thế, Trần Văn Trứ chợt nhớ lời vợ dặn, thế nhưng lời văn rất không thông, không xứng đỗ. Ông liền cầm bút vừa sổ một nét dài trên quyển thi vừa nói “Này thì Hi Hi! Này thì Hi Hi!”.
Tiến sĩ cưỡi bò
Cuốn “Giai thoại văn học Việt Nam” có câu chuyện rằng: Một lần từ Kinh thành về quê nhà, Trần Văn Trứ nghe nói có viên quan tri huyện rất hách dịch, tự ra lệ ai đi qua nhà quan đều phải xuống ngựa, nếu không sẽ bị đánh đòn.
Một hôm nhân có chuyện phải đi qua dinh thự quan huyện, Trần Văn Trứ mượn một con bò cưỡi nghênh ngang đi qua mà không xuống. Bọn lính thấy vậy liền bắt ông lại lôi vào quan phủ gặp quan huyện. Trần Văn Trứ nói rằng mình là thầy đồ dạy học, nghe nói có lệ cưỡi ngựa phải xuống, chứ không nghe nói đến cưỡi bò.
Quan huyện thấy ông nói lý, lại nghe nói là thầy đồ nên hỏi chữ để bắt bí, thế nhưng ông đều trả lời trôi chảy. Quan huyện có ý nể nên nói rằng: “Lý ra tội nhà thầy phải đánh đòn, nhưng ta nể cái bộ râu của thầy nên tha đòn cho. Thầy phải đối câu ta ra để tạ ơn nghe!”.
Rồi quan huyện ra vế đối: “Huyện quan Thanh Miện kiến vô lễ nhi dục công”, nghĩa là: Quan huyện Thanh Miện thấy kẻ vô lễ nên muốn đánh. Trần Văn Trứ bèn đối rằng “Tiến sĩ Từ Ô hạnh hữu tu nhi đắc thoát”, nghĩa là tiến sĩ Từ Ô may nhờ có râu mà thoát đòn.
Nghe đến “Tiến sĩ Từ Ô”, quan huyện và đám sai nha biết đây là tướng công họ Trần thì lạy như tế sao. Trần Văn Trứ liền chỉnh dạy về đạo lý làm quan cho họ rồi bỏ đi. Từ đó quan huyện cũng thôi cái lệ hống hách bắt người qua đường phải xuống ngựa.
Sau này nhận thấy Triều đình vua Lê – chúa Trịnh đã quá mục nát, không thể vãn hồi, nên Trần Văn Trứ cáo lão về trí sĩ.
Trần Văn Trí làm quan thanh liêm, yêu thương dân chúng. Ngày ông mất, quan lại trong triều, bạn bè và học trí đều tới đưa tiễn.
Theo Trần Hưng / Tri Thức