Hằng năm vào ngày 15/08 (Rằm tháng 8) âm lịch là Tết Trung thu. Trung thu 2024 rơi vào thứ Ba, ngày 17/09/2024 dương lịch. Như vậy chỉ còn vài ngày nữa là sẽ đến Tết Trung thu.
Dưới đây là giải đáp những thắc mắc về ý nghĩa và nguồn gốc của Tết Trung thu.
Vì sao Trung thu là ngày hội đoàn tụ gia đình?
Ý nghĩa cốt lõi của Tết Trung thu là “đoàn tụ”. Từ xa xưa, người Việt đã có ý thức sâu sắc về gia đình và tin rằng quê hương là bến đỗ của tâm hồn và là quê hương của cảm xúc. Vào đêm Trung thu, trăng sáng trên bầu trời và ánh sáng bạc tràn ngập mặt đất Khung cảnh thiên nhiên này khơi gợi trong lòng người sự gắn bó và khao khát vô hạn về quê hương. Lúc này, dù ở đâu, mọi người cũng sẽ cố gắng hết sức để trở về nhà đón những ngày nghỉ lễ bên những người thân yêu và tận hưởng khoảng thời gian đoàn tụ hiếm hoi. Hình tròn của bánh Trung thu tượng trưng cho sự đoàn viên, hạnh phúc, đồng thời trở thành sợi dây gắn kết tình cảm gia đình và làm sâu sắc thêm tình cảm.
Ngoài ra, các lễ hội Trung thu còn xoay quanh chủ đề “đoàn tụ”. Cảnh các thành viên trong gia đình ngồi quây quần bên nhau, nếm những món ăn ngon, ngắm trăng, uống trà trò chuyện, chia sẻ niềm vui nỗi buồn với nhau là khung cảnh ấm lòng nhất của Tết Trung thu. Cùng với sự phát triển của thời đại, dù phương thức ăn mừng có thay đổi nhưng ý nghĩa cốt lõi của đoàn tụ vẫn không bao giờ thay đổi. Vì vậy, Tết Trung thu đã trở thành mái ấm tinh thần, nuôi dưỡng tình cảm của dân tộc ta.
Tết Trung thu có từ bao giờ?
Không ai biết Tết Trung thu có từ bao giờ, hoặc chính thức từ khi nào người Việt bắt đầu “ăn” Tết Trung thu. Sách “Việt Nam phong tục” của soạn giả Phan Kế Bính, có ghi lại rằng, Tết Trung thu còn gọi là Tết trẻ em, với tục treo đèn bày cỗ xuất phát từ điển tích liên quan đến lễ sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, cả nước treo đèn kết hoa, lâu dần thành tục lệ. Và ở Việt Nam, do những ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, cũng theo tục treo đèn vào đêm rằm tháng 8.
Soạn giả Phan Kế Bính còn lý giải, tục rước đèn có từ đời Tống, truyền rằng thời vua Nhân Tôn có con cá chép thành yêu tinh, cứ đêm trăng lại biến thành cô gái làm hại người. Lúc đó ông Bao Công giúp dân làm chiếc đèn hình con cá để soi khi đi ngoài đường, khiến con yêu tinh cá chép sợ mà không dám hại người nữa. Cụ Phan Kế Bính cũng giải thích thêm: “Lời ấy huyền hoặc lắm, vị tất đã thật”.
Sách “Hội hè lễ tết của người Việt” của tác giả Nguyễn Văn Huyên cũng đề cập đến sự tích Trung thu liên quan đến vua Đường Minh Hoàng (thế kỷ VII): “Một đêm rằm tháng Tám, vua ra khỏi cung và được một đạo sĩ chống gậy đến mời lên cung trăng dạo chơi”. Nhà vua đã thấy một thế giới khác hẳn trần gian, cây cối đang trổ hoa, thảm cỏ thơm và mượt như nhung, cung điện nguy nga có chữ “Cung Quảng Hàn”, những nàng thiếu nữ xinh đẹp mặc xiêm hồng và áo trắng múa theo nhạc. Lúc trở về trần gian, nhớ những kỳ quan trên cung trăng, nhà vua đã sai các cung tần múa và đàn ca điệu này”.
Sách “Bắc Kỳ tạp lục” của Henri-Emmanuel Souvignet xuất bản năm 1903 viết ngắn gọn: “Ngày 15 tháng 8 âm lịch, Tết Trung thu, trong ngày này mọi người làm và ăn những chiếc bánh có hình mặt trăng (bánh nguyệt hay bánh mặt trăng)”.
Thậm chí, trong sách “Việt Nam Văn Minh Sử” của tác giả Lê Văn Siêu hồi đầu thế kỷ 20, khi phân tích các hình ảnh trên trống đồng Ngọc Lũ (văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 2.500 năm), cũng đề cập đến tháng 8 trăng sáng nhất, cùng các công việc chuẩn bị hội hè trước ngày đông chí, trùng hợp với khoảng thời gian diễn ra Tết Trung thu sau này.
Theo Thương hiệu và Pháp luật