Trong "Tây Du Ký", Quan Âm tặng vòng kim cô cho Đường Tăng để Tôn Ngộ Không đeo lên đầu là vì lợi ích của mình hay sao? Thực ra, đó thực sự là vì lợi ích của Tôn Ngộ Không, bởi vì nếu không có vòng kim cô, Hầu Vương sẽ mãi là một con khỉ yêu quái.
Sau khi Đường Tăng gỡ tấm bùa trấn yểm trên núi Ngũ Hành, Tôn Ngộ Không được giải thoát, nguyện ý hộ giá sư phụ đi Tây Trúc thỉnh kinh. Nhưng đường xa vạn dặm, nguy hiểm trập trùng, Tôn Ngộ Không vẫn còn tính hung hăng càn quấy mà Đường Tăng thì yếu nhược. May nhờ có bài niệm "Khẩn cô nhi" và chiếc vòng kim cô, nên Đường Tăng mới sai bảo được Tôn Ngộ Không.
Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trong phim "Tây Du Ký" phiên bản 1986.
Trong hồi thứ mười bốn, Tôn Ngộ Không cuối cùng đã được tự do sau năm trăm năm đợi chờ. Bấy giờ, tính tình nóng nảy hung hăng vẫn còn, sau khi đập một gậy chí mạng vào hổ dữ khiến Đường Tăng sợ quá suýt ngã ngựa, Ngộ Không lại giết chết 6 tên cướp chặn đường, lột lấy quần áo và tiền bạc, cười khanh khách. Tuy nhiên, khi bị Đường Tăng trách mắng, Ngộ Không không nén được bực tức dùng phép cân đẩu vân và bay vút về phương Đông.
Khi Ngộ Không đã bỏ Đường Tăng mà đi, Quán Âm Bồ Tát hoá thân làm bà lão, tặng cho Đường Tăng chiếc vòng kim cô cùng bài chú “Khẩn cô nhi” để kiềm chế đồ đệ.
Ở hồi thứ tám: “Phật Tổ Như Lai dặn dò Bồ Tát tìm người phương Đông đi thỉnh kinh và ban cho năm thứ bảo bối. Một là chiếc áo cà sa gấm, mặc vào thì thoát khỏi luân hồi; hai là cây gậy tích trượng chín vòng, cầm vào thì không bị hãm hại; và cuối cùng là ba chiếc vòng. Trong ba chiếc vòng này thì chiếc đầu tiên ở trên đầu Tôn Ngộ Không, tên là “Khẩn cô nhi”. Hàm ý là một người trước hết phải nguyện ý quản chắc cái tâm của mình, thì mới tính là bắt đầu chân chính tu luyện. Chiếc thứ hai đeo lên đầu Hắc Hùng Tinh (yêu tinh gấu đen), tên là “Cấm cô nhi”. Chiếc vòng cuối cùng đeo lên cổ Hồng Hài Nhi là “Kim cô nhi”.
Sau khi bị đeo vòng kim cô, từ đó trở đi, chỉ cần Tôn Ngộ Không phạm sai lầm, bất kể là giết người cướp của hay phạm lỗi, Đường Tăng đều sẽ trừng phạt bằng cách đọc thần chú. Dưới áp lực, Tôn Ngộ Không đã hạn chế rất nhiều tính cách của mình, tình trạng này kéo dài cho đến khi xảy ra chuyện Tôn Ngộ Không thật và giả. Vậy phải chăng chiếc vòng kim cô chỉ mang đến cho Tôn Ngộ Không nỗi đau?
Từ lời Như Lai nói, có thể thấy chiếc vòng kim cô thật sự rất đau đớn cho người mang trên mình. Và thực tế, mỗi lần Đường Tăng niệm “Khẩn cô nhi” là một lần Ngộ Không “đau tưởng chết đi được, quằn quại lăn lộn, đỏ mặt tía tai, hai mắt trợn ngược, thân mình tê dại”. Nỗi đau đớn của Ngộ Không khi bị niệm chú kim cô là ẩn dụ cho nỗi thống khổ giày xéo tâm can của con người trên hành trình tu luyện.
Việc đeo vòng kim cô không phải do Quan Âm quyết định, mà là quy định do chính Như Lai đặt ra. Vì vậy, đeo vòng kim cô là điều kiện để thành Phật, hơn nữa để thành Phật không bao giờ là chuyện dễ dàng. Vòng kim cô là một công cụ quan trọng để kiềm chế Ngộ Không, cũng là bước quan trọng nhất để bản thân tu tâm. Tôn Ngộ Không hoang dã và khó thuần hóa, và hắn thực sự cần sự kiềm chế của vòng kim cô.
Sau này, Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh bị Đường Tăng giận dữ đuổi đi, đại đồ đệ đã xin thầy niệm thần chú để cởi bỏ chiếc vòng kim cô ra. Đường Tăng trả lời rằng khi ấy Bồ Tát chỉ trao cho ta bài chú “Khẩn cô nhi”, chứ không có bài chú nào tháo vòng cả. Ấy là bởi một khi hành trình tu luyện chưa tới đích, thì không phút giây nào được phóng túng thân tâm. Chỉ tới khi thầy trò đặt chân lên đất Phật, công thành viên mãn rồi, chiếc vòng kim cô mới tự động biến mất đi.
Chiếc vòng kim cô khiến Ngộ Không vướng víu và đau đớn, thực ra là món quà vô giá của Phật Tổ và Bồ Tát. Đường Tăng nói: “Đội chiếc mũ ấy, chẳng học kinh cũng biết niệm kinh. Mặc chiếc áo ấy, chẳng cần học lễ cũng biết làm lễ”. Khắc khổ tu tâm rồi, sẽ dần dần đề cao tâm tính và cảnh giới tinh thần, cuối cùng tự nhiên thấu tỏ pháp lý, trở nên lễ độ từ bi, đạt tới cảnh giới của nhà Phật.
Theo Hoàng Anh/Bảo Vệ Công Lý