Việc thắng, bại là chuyện thường tình, nhưng đó là với một vị tướng. Còn nếu đặt thắng, bại vào một số danh tướng, có thể vấn đề này trở nên nghiêm trọng hơn, thậm chí làm nảy sinh ra những yếu tố tác động gây ảnh hưởng đến chiều hướng của lịch sử. Một trong số ít danh tướng đó có thể kể đến Quan Vũ.
Quan Vũ là một vị tướng nổi tiếng, có công lớn trong việc thành lập nhà Thục Hán. Tài năng và sự trung nghĩa của Quan Vũ từng khiến ba thế lực mạnh nhất Tam Quốc là Tào Nguỵ, Thục Hán và Đông Ngô phải kiêng dè.
|
Quan Vũ là một trong những võ tướng nổi tiếng nhất Tam Quốc. Ảnh: Sohu |
Đặc biệt, về võ công, theo Tam Quốc diễn nghĩa, Quan Vũ có thể dễ dàng lấy đầu Nhan Lương giữa vạn quân, ra vào như chỗ không người.
Ngoài ra, Quan Vũ còn có thể qua 5 ải chém 6 tướng, vô cùng dũng mãnh trên chiến trường với sức địch vạn người, uy tín đứng đầu toàn quân. Năm 219, dựa vào mưa lũ, Quan Vũ đánh tan 7 đạo quân Nguỵ ở Phàn Thành, có được chiến thắng vang dội.
Có lẽ vì tên tuổi quá lớn, từng đạt được những chiến tích lớn nên việc thất bại đối với Quan Vũ là chuyện nổi bật lạ thường.
Trên thực tế, về tổng thế, Quan Vũ không có nhiều thất bại trong cuộc đời lẫy lừng của mình. Vị tướng tài giỏi này chỉ có hai thất bại lớn.
2 thất bại lớn nhất trong đời của Quan Vũ
Lần thứ nhất là trận Hạ Bì và lần hai là trận Phàn Thành.
Trong trận Hạ Bì, đối thủ đầu tiên của Quan Vũ là Tào Tháo. Trên thực tế có 2 lý do khiến Quan Vũ chịu thất bại trong trận chiến này. Thứ nhất, do sự chênh lệch về thực lực giữa đôi bên là quá lớn. Lưu Bị đã bị đánh bại, phải tháo chạy đến đất của Viên Thiệu trước sự truy đuổi của quân Tào. Do đó, Quan Vũ cùng đội quân của mình trở nên đơn độc.
Thứ hai, đối thủ của Quan Vũ là Tào Tháo quá mạnh. Ngoài sức mạnh quân sự chênh lệch rất lớn thì năng lực và tài tổng chỉ huy của Tào Tháo cũng rất phi thường. Quan Vũ đương nhiên lúc bấy giờ không phải là đối thủ của Tào Tháo, xét về mặt thao lược và mưu trí.
Trong trận Phàn Thành, đối thủ của Quan Vũ là Tào Nhân và Lã Mông. Ban đầu, đại quân do Quan Vũ chỉ huy rất mạnh, thậm chí còn nhiều lần khiến quân Tào rơi vào thế khó. Cụ thể, sau khi đánh tan 7 đạo quân Tào, Quan Vũ dựa vào mưa lũ định thừa thắng xông lên để san phẳng Phàn Thành, tiến đánh tới kinh đô để bắt Tào Tháo.
Thứ nhất, Phàn Thành lúc bấy giờ rất nguy cấp vì nhiều chỗ trong thành đã bị nước lũ làm nguy hại. Tuy nhiên, Mãn Sủng, một đại thần nhà Tào Nguỵ đã động viên Tào Nhân giữ thành vì nước lũ sẽ rút nhanh. Trước tình thế này, ban đầu Tào Tháo rất lo lắng và có ý định dời đô, đưa Hán Hiến Đế ra khỏi Hứa Xương. Tuy nhiên, sau khi nghe phân tích lợi hại, Tào Tháo quyết định không dời đô và sau đó sai Từ Hoảng mang quân đi cứu Phàn Thành.
Từ Hoảng và Quan Vũ quen biết nhau từ lâu và có quan hệ khá tốt. Quan Vũ lúc bấy giờ cho quân đóng trại ở Vi Đầu và lập thêm đồn ở Tứ Trủng. Nhưng Từ Hoảng lại dùng kế giương đông kích tây. Dù phao tin đánh trại Vi Đầu nhưng lại đánh đồn ở Tứ Trủng. Quan Vũ do mắc mưu nên bị thua to, sau bị Từ Hoảng đánh lui.
Thứ hai, việc Quan Vũ mang quân đến Phàn Thành và phát động trận chiến Tương Phàn đã làm phá huỷ cán cân quyền lực trong Tam Quốc, khiến phe Tôn Quyền lo lắng. Hơn nữa, do Quan Vũ không khéo léo trong việc xử lý quan hệ ngoại giao với Tôn Quyền nên dẫn tới vị quân chủ của Đông Ngô đã bí mật tấn công tàn nhẫn. Tôn Quyền phái tướng Lã Mông đánh úp Kinh Châu khiến Quan Vũ không kịp trở tay.
Xét trên nhiều yếu tố cộng lại, việc Quan Vũ bại trận thực sự là điều không thể tránh khỏi. Nhưng kết quả của hai lần bại trận này lại hoàn toàn khác nhau. Cùng thua trận, nhưng Quan Vũ lại chịu tạm đầu hàng Tào Tháo, mà không phải là Tôn Quyền.
Nguyên nhân Quan Vũ chịu đầu hàng Tào Tháo
|
Quan Vũ chỉ tạm đầu hàng Tào Tháo, phớt lờ Tôn Quyền. Ảnh: Sohu |
Đâu là nguyên nhân? Hoá ra chìa khoá trong quyết định của Quan Vũ chính là Hán Hiến Đế Lưu Hiệp.
Khi tạm đầu hàng dưới trướng Tào Tháo, Quan Vũ dũng mãnh giết chết Nhan Lương, tướng của Viên Thiệu, đồng thời giải vây cho thành Bạch Mã. Chiến tích này khiến Tào Tháo vô cùng phấn khích. Dưới danh nghĩa của Hán Hiến Đế, Tào Tháo đã tấn phong cho Quan Vũ làm Hán Thọ đình hầu.
Chức "Hán Thọ đình hầu" trên danh nghĩa là do hoàng đế nhà Hán phong tặng, nên việc Quan Vũ luôn coi trọng cũng là điều hợp lý.
Hơn nữa, sau trận Hạ Bì, trong tình thế bắt buộc với sự an nguy của gia quyến Lưu Bị, Quan Vũ phải hàng Tào Tháo. Tuy nhiên, danh tướng này ra điều kiện với Tào Tháo, được gọi là "ước pháp tam chương" (giao hẹn 3 điều). Quan Vũ nhấn mạnh chỉ hàng Hán không hàng Tào, cho thấy sự trung nghĩa của ông.
Mặt khác, lúc bấy giờ, thế lực của Tào Tháo rất mạnh khi mang danh nghĩa là phụng "thiên tử". Quan Vũ tạm đầu hàng thực chất có hai cái lợi. Thứ nhất, Quan Vũ vừa bảo toàn được mạng sống cho chính mình, vừa giữ được thanh danh.
Thứ hai, Quan Vũ có thể chăm lo tốt cho hai người vợ của Lưu Bị được an toàn. Bởi nếu Quan Vũ không chịu đầu hàng, tính mạng hai người vợ của Lưu Bị sẽ rất khó giữ.
Cùng thất bại, nhưng khi đổi sang đối đầu với Tôn Quyền, kết quả lại khác, bởi những lợi ích trên đều không còn. Điểm mấu chốt ở đây là Tôn Quyền không nắm giữ hoàng đế của nhà Đông Hán nên việc Quan Vũ không chịu đầu hàng là hợp lý.
Quan Vũ lấy "trung nghĩa" làm nguyên tắc sống của mình, cả đời đều kiên nhẫn thực hiện. Do đó, ông thà chết chứ nhất quyết không chịu đầu hàng Tôn Quyền.
Theo Pháp luật và Bạn đọc