Ngày rằm tháng Giêng (15 tháng Giêng âm lịch) còn có tên gọi khác là Tết Nguyên tiêu, Tết Thượng nguyên. Đây là rằm đầu tiên của năm mới theo lịch âm của người Việt.
Theo triết lý nhà Phật, ngày Rằm tháng Giêng còn gọi là lễ Thượng Nguyên. Đây là thời điểm thích hợp để cầu an lành cho cả năm.
Rằm tháng Giêng hay còn gọi là tết Thượng Nguyên nằm trong cùng hệ thống với các tết Trung Nguyên (rằm tháng Bảy, địa quan xá tội) và tết Hạ Nguyên (rằm tháng Mười, thủy quan giải ách).
Vào ngày này, mọi nhà đều chuẩn bị làm lễ cúng rất tươm tất, chu đáo, với mong muốn cầu một năm mới bình an, may mắn.
Đồng thời mọi người thường đi chùa để cúng dường, làm nhiều việc thiện, cầu bình an đến với mình và gia đạo...
Ngày rằm tháng Giêng rơi vào mùa xuân, theo quan niệm dân gian, tượng trưng cho sự phát triển, sinh sôi. Bởi vậy, ngày này được người dân coi trọng, gửi gắm vào đó nhiều mong ước về một năm thuận hòa, sung túc.
"cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng" nhằm nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của ngày này. Trong sách Cơ sở văn hóa Việt Nam, GS Trần Ngọc Thêm viết không chỉ ngày đầu năm mà tháng đầu năm cũng đặc biệt quan trọng. Theo quan niệm của người Việt, phàm làm bất kỳ điều gì hễ đầu xuôi thì đuôi lọt. Thêm vào đó, tháng Giêng công việc ít (có quan niệm tháng Giêng là tháng ăn chơi) nên đây là tháng có nhiều Tết hơn hẳn các tháng khác (Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu).
Tết Nguyên Tiêu là một Tết nằm trong hệ thống Thượng - Trung - Hạ nguyên (rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10) với ý nghĩa tương ứng Tết hướng thiên cầu phúc - địa quan xá tội - thủy quan giải ách. Đối với người Việt, lễ rằm tháng Giêng là Tết muộn, bởi những gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn. Đây cũng là dịp những người đau yếu, gia đình có tang ma được ăn Tết bù.
Theo nông lịch, Rằm tháng Giêng là tháng bắt đầu của những người nông dân chuẩn bị một mùa vụ mới. Với quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt”, trước khi bắt đầu vào vụ mới, người dân làm lễ để tỏ lòng nhớ ơn tổ tiên, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bên cạnh đó, vào rằm tháng Giêng, nhiều nơi trên cả nước cũng tổ chức lễ hội linh đình, để tưởng nhớ công ơn của vị thành hoàng, những người có công, cầu một năm mới bình an, may mắn. Bởi vậy, từ lâu nay, mọi người luôn quan niệm “cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng”.
Cúng Rằm tháng Giêng năm 2022 ngày nào đẹp?
Năm Nhâm Dần 2022, Rằm tháng Giêng rơi vào thứ 3, ngày 15/2/2022 dương lịch. Theo lịch can chi là ngày Kỷ Hợi, ngũ hành Mộc, sao Vĩ, lục nhâm Tốc hỷ.
Dưới góc nhìn chuyên gia, đây là ngày đẹp và phù hợp nhất để tiến hành nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng năm 2022. Cũng theo quan điểm xưa truyền lại, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm là tốt nhất. Bởi đây là thời điểm trăng sáng nhất đầu năm. Tương truyền, vào chính thời điểm trăng mọc này, Đức Phật giáng lâm, gia ân độ trì chúng sinh, thành tâm cầu khấn ắt sở cầu như nguyện, may mắn và bình an suốt năm.
Theo phong tục người Việt thường chọn giờ cúng Rằm tháng Giêng vào buổi trưa, từ 10 giờ trở đi. Ngày nay, công việc bận rộn nên nhiều gia đình dời xuống cúng buổi tối. Và dù có cúng buổi nào, hay mâm cúng ra sao thì quan trọng nhất chỉ cần thành tâm thì mọi điều cầu nguyện sẽ được chứng giám.
Cúng Rằm tháng Giêng ở nhà hay ở chùa?
Theo các chuyên gia tâm linh, vào ngày Rằm tháng Giêng, mọi người có thể làm lễ cúng ở nhà, nếu nhà thờ Phật thì làm thêm lễ dâng Phật, có thể dâng lễ lên chùa hoặc không.
Nhưng cần hết sức lưu ý, lễ dâng Phật phải là lễ chay để không phạm kỵ. Việc chuẩn bị đồ lễ sao cho phù hợp với văn hóa vùng miền cũng như điều kiện kinh tế gia đình, tránh lãng phí, tốn kém.
Hiện nay tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, vì thế, các gia chủ nên ưu tiên làm lễ tại gia để đảm bảo an toàn.
Nếu trong gia đình có người bị “sao hạn” thì cần lên chùa cúng dâng sao giải hạn.
*Thông tin mang tính tham khảo