Nỗi lo lắng “âm dương đề huề”
Theo tín ngưỡng dân gian, tháng 7 âm lịch hàng năm được gọi là tháng 7 cô hồn. Đây là tháng của ma quỷ. Trong đó ngày Rằm tháng 7 là ngày "xá tội vong nhân", cũng là ngày Diêm Vương mở cửa địa ngục để ma quỷ được tự do trở về dương gian, vậy nên mới có cách nói ngày Rằm tháng 7 là ngày "âm khí xung thiên".
Ở một số nước phương Đông, trong đó có Việt Nam đều tiến hành phong tục cúng Rằm tháng 7 hay cúng cô hồn. Đây được xem là một dịp lễ quan trọng đối với nhiều gia đình người Việt. Vào tháng này, nhà nhà lại làm lễ cúng cô hồn cho quỷ đói để cầu mong chúng không quấy nhiễu cuộc sống của con người chốn dương gian.
|
Ảnh minh họa. |
Ngoài những lễ tiết cúng bái, dân gian ta còn tương truyền cả những điều con người nên làm và không nên làm trong tháng cô hồn để cho cầu mong được bình an, hạnh phúc. Đặc biệt, trong tháng 7 cô hồn, tâm lý người Việt thường đề cao việc "có kiêng có lành" và không ít người đặc biệt coi trọng yếu tố tâm linh trong tháng này.
Phải chăng vì còn nặng tâm lý ấy mà những ngày gần đây, không ít người đang bàn tán xôn xao trước thông tin tháng 7 âm lịch năm Kỷ Hợi trùng ngày với tháng 8 dương lịch năm 2019. Sự trùng hợp này khiến cộng đồng mạng dấy lên tin đồn sẽ có nhiều rủi ro, đen đủi khó lường có thể xảy ra chính bởi "tháng của cõi trên cõi dưới chung sống với nhau".
Luồng thông tin này khiến nhiều người không khỏi hoang mang, lo lắng. Bàn về vấn đề này, ông Hoàng Triệu Hải, Giám đốc trung tâm nghiên cứu lý học Đông Phương trả lời báo Thanh Niên cho biết: “Trong năm 2019, ngày dương của tháng 8 trùng với ngày của tháng 7 âm lịch và có rất nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng đây là tháng “âm dương đề huề” nên sẽ càng rủi ro, đen đủi. Tôi chắc chắn điều này là sai”.
Ông Hải lý giải, việc trùng giữa ngày dương và ngày âm hoàn toàn mang tính quy luật và đều có phương pháp tính toán. Cụ thể, lịch âm dựa trên cơ sở số ngày Mặt trăng thực hiện hết một vòng quay quanh trái đất là 29,530588 ngày và người ta làm tròn số là 29,5 ngày. Làm tròn mục đích để phối hợp với dương lịch và từ đó người ta tìm ra được phương pháp tính gần đúng để phù hợp với tháng dương lịch trung bình là 30 ngày. Nếu không phối ghép với dương lịch mà chỉ thuần túy dùng âm lịch thì một năm âm lịch có tổng số 354,367056 ngày, và để làm chẵn thì người ta sẽ làm tròn thành 354 ngày, các số dư sau 2 năm cộng vào để thành năm Nhuận 355 ngày.
Như vậy có thể thấy, việc ngày âm của tháng 7 trùng với ngày dương của tháng 8 hoàn toàn chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mang tính quy luật và không liên quan tới yếu tố “âm dương đề huề” như những gì đang đồn thổi trên mạng.
Vì sao người Việt cúng cô hồn trước ngày 15 âm lịch?
Các nhà đình đều cúng cô hồn trong khoảng thời gian từ ngày 2/7 đến trước 12h đêm ngày 14/7 Âm lịch. Lý giải về tập tục này, chuyên gia phong thủy Lê Thái Bình (chủ nhiệm câu lạc bộ Thiền Việt, viện Nghiên cứu tiềm năng con người) đã có những chia sẻ đáng chú ý trên báo Người đưa tin.
“Qua ngày mùng 1 sang canh ngày 2/7 - 14/7 là ngày các vong hồn được về với dương giới theo quan niệm dân gian. Và những vong hồn có tội thì có thể được xá tội trong những ngày này, Diêm Vương cho mở cửa Quỷ Môn Quan để những linh hồn này có thể trở về trần gian và được thọ hưởng những lễ vật ở trần gian do người dương thế cúng tế. Đây là một quan niệm dân gian, từ trước đến giờ tục lệ người dân Việt vẫn thường cúng tế vào những ngày này”, chuyên gia phong thủy Lê Thái Bình nói.
|
Ảnh minh họa. |
Theo quan niệm dân gian, những vong hồn có người cúng tế thì được về trần gian thọ hưởng vào ngày 15/7 âm lịch hàng năm. Trong khi đó, những vong hồn không có con cháu dương trần cúng tế thì sẽ phải trở về vào ngày 14/7. Do vậy, nhiều gia đình cúng rằm tháng 7 và cúng cô hồn trước ngày 15/7 âm lịch.
Đối với mâm cúng chúng sinh, các gia đình nên chuẩn bị những lễ vật: Muối gạo (1 dĩa sẽ được rắc ra vỉa hè hoặc sân nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong); Cháo trắng nấu loãng (12 chén nhỏ); Hoa quả (5 loại 5 mầu); 12 cục đường thẻ; Quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...); Các loại bỏng ngô, bánh, kẹo; Tiền vàng (tiền thật các loại mệnh giá và tiền vàng mã); Nước: 3 chun (hay 3 ly nhỏ ), 3 cây nhang , 2 ngọn nến nhỏ...
Ngoài cúng cô hồn, vào ngày này, người Việt còn chuẩn bị mâm lễ cúng cho Đức Phật, gia tiên. Mục đích là để thể hiện lòng thành kính lên đức Phật, chư vị thần linh, báo hiếu gia tiên và đồng thời phát lộc cho các vong hồn được xá tội. Do vậy, vào ngày cúng Rằm tháng 7, các gia đình thường chuẩn bị một mâm cơm chay hoặc đơn giản hơn là mâm ngũ quả để cúng Phật rồi thụ lộc tại nhà. Mâm cúng gia tiên thường là mâm cỗ mặn, kèm theo tiền vàng và đồ vàng mã gồm những vật dụng dành cho người cõi Âm làm bằng giấy tượng trưng từ những vật truyền thống (giống như đồ thật) như quần áo, giày dép, nhà cửa, xe cộ, điện thoại... để cho người cõi Âm có được một cuộc sống tiện nghi, đầy đủ giống như người Dương trần.
Thùy Liên (tổng hợp)