Vì sao người Việt cúng Tết bánh trôi bánh chay vào 3/3 Âm?

Google News

Theo các chuyên gia, Tết Hàn thực và Tết Thanh minh là hai tết hoàn toàn khác nhau. Và người Việt ăn Tết bánh trôi bánh chay khác hoàn toàn Tết Hàn thực của người Trung Quốc.

Nhiều người cho rằng Tết Hàn thực (Tết bánh trôi bánh chay của người Việt) và Tết Thanh minh là một, và dù có những năm Tết Thanh minh trùng với tết Hàn thực (vào ngày 3/3) nhưng Tết Hàn thực và Tết Thanh minh là 2 ngày lễ hoàn toàn có ý nghĩa khác nhau.
Vi sao nguoi Viet cung Tet banh troi banh chay vao 3/3 Am?
 Tết bánh trôi bánh chay là dịp tưởng nhớ tổ tiên qua việc làm bánh và cúng lễ. Nguồn ảnh: Ngô Phương Thúy
Tết Hàn thực không phải Tết Thanh minh
Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, ông Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA) cho biết, Tết Hàn thực bắt nguồn từ Trung Quốc, gắn liền với câu chuyện về Giới Tử Thôi và vua Tấn Văn Công thời Xuân Thu.
Vua Tấn Văn Công từng phải lưu vong suốt 19 năm và được Giới Tử Thôi trung thành theo phò tá. Trong một lần thiếu lương thực, Giới Tử Thôi đã cắt thịt đùi của mình để dâng lên vua. Sau khi giành lại vương vị, Tấn Văn Công ban thưởng hậu hĩnh cho nhiều người nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Ông không oán trách mà đưa mẹ vào rừng Điền Sơn ẩn cư. Khi nhà vua nhận ra, ông sai người triệu Giới Tử Thôi về triều nhưng ông không chịu. Cuối cùng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng để ép Giới Tử Thôi xuất hiện, nhưng ông cùng mẹ đã quyết tử trong đám cháy.
Hối hận vì hành động của mình, vua Tấn Văn Công lệnh cho dân gian kiêng đốt lửa trong ba ngày để tưởng nhớ Giới Tử Thôi. Từ đó, ngày 3/3 âm lịch hàng năm trở thành Tết Hàn thực, với ý nghĩa "ăn đồ lạnh" (hàn thực).
Tết Thanh minh cũng có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam, nhưng mang nghĩa khác với Tết Hàn thực. Thanh minh là một trong 24 tiết khí trong năm, rơi vào khoảng đầu tháng 4 dương lịch, thường kéo dài 15-16 ngày. Tết Thanh minh là dịp để con cháu đi tảo mộ, thể hiện lòng hiếu thuận.
“Như vậy, Tết Hàn thực và Tết Thanh minh tuy diễn ra vào khoảng thời gian gần nhau nhưng mang ý nghĩa khác nhau. Nếu như Tết bánh trôi bánh chay là dịp tưởng nhớ tổ tiên qua việc làm bánh và cúng lễ, thì Tết Thanh minh lại gắn liền với tục tảo mộ, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn”, ông Khanh lý giải.
Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết, theo quan niệm của các quốc gia phương Đông, một năm có 24 tiết khí, đánh dấu sự thay đổi thời tiết và sự luân chuyển của các mùa. Tiết khí này được lập lịch theo quan niệm của các quốc gia phương Đông. Bao gồm: Tiết Lập Xuân, Tiết Vũ Thủy, Tiết Kinh Trập, Tiết Xuân Phân, Tiết Thanh Minh, Tiết Cốc Vũ, Tiết Lập Hạ, Tiết Tiểu Mãn, Tiết Mang Chủng, Tiết Hạ Chí, Tiết Tiểu Thử, Tiết Đại Thử, Tiết Lập Thu, Tiết Xử Thử, Tiết Bạch Lộ, Tiết Thu Phân,Tiết Hàn Lộ, Tiết Sương Giáng, Tiết Lập Đông, Tiết Tiểu Tuyết, Tiết Đông Chí, Tiết Tiểu Hàn, Tiết Đại Hàn.Tiết Thanh minh Tiết Thanh minh là 1 trong 24 tiết khí đến sau ngày Lập Xuân khoảng 45 ngày và sau ngày Đông Chí 105 ngày. Theo quy ước, Tiết Thanh minh thường bắt đầu từ ngày 4 hoặc 5 tháng 4 và kết thúc vào ngày 20 hoặc 21 tháng 4 dương lịch. Mỗi năm, Tết Thanh minh có sự xê dịch nhất định. Năm 2025, Tết Thanh minh rơi vào ngày 4/4 dương lịch, tức ngày 7/3 âm lịch.
Tết Thanh minh không chỉ mang ý nghĩa khí hậu trong lành mà còn là dịp quan trọng để người Việt thực hiện nghi lễ tảo mộ, bày tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên. Trong dịp này, các gia đình sẽ sửa sang mộ phần, nhổ cỏ, đắp đất, dọn dẹp sạch sẽ, rồi thắp hương cúng bái. Đây cũng là dịp con cháu quây quần, cùng nhau nhớ về cội nguồn. Nó khác với Tết Hàn thực.
Tết Bánh trôi bánh chay mang bản sắc Việt
Dù có nguồn gốc từ Tết Hàn thực của Trung Quốc, nhưng Tết 3/3 ở Việt Nam mang bản sắc riêng và được gọi là Tết bánh trôi bánh chay. Theo TS. Vũ Thế Khanh, do ảnh hưởng từ hàng nghìn năm Bắc thuộc, nhiều phong tục lễ tết của Trung Quốc đã du nhập vào Việt Nam, trong đó có Tết Hàn thực. Tuy nhiên, người Việt không kỷ niệm ngày này để tưởng nhớ Giới Tử Thôi, mà sử dụng nó để tỏ lòng thành kính với tổ tiên.
Vi sao nguoi Viet cung Tet banh troi banh chay vao 3/3 Am?-Hinh-2
 Tết bánh trôi bánh chay của người Việt Nam đã mang bản sắc Việt. Ảnh: Thu Hằng.
Người Trung Quốc coi trọng nghi thức "cấm lửa" và chỉ ăn đồ nguội, trong khi đó, người Việt lại chuẩn bị lễ vật cúng gia tiên. Các đồ cúng tượng trưng cho lễ nghi truyền thống , đó là Trầu Cau rồi bánh trôi, bánh chay (tượng trưng cho trời đất thần linh và tổ tiên, thân quyến), có mâm hoa quả nhiều màu sắc (thường thì từ 5 đến 7 màu) có ngọn đèn, chén nước trong, hương, hoa,....
Tết bánh trôi bánh chay phổ biến ở nhiều tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ. Dù có sự tương đồng với Tết Hàn thực về thời điểm, nhưng ý nghĩa lại hoàn toàn khác biệt. Ngày này trở thành dịp đoàn viên, khi ai ai cũng cố gắng trở về nhà để cùng gia đình làm bánh, dâng cúng tổ tiên.
"Ở Trung Quốc, người ta chỉ cần nghi thức “cấm lửa “ là chủ yếu, còn thức ăn đương nhiên là những món “đồ nguội” do không được nổi lửa đun nấu. Còn ở Việt Nam, cùng ngày tết ấy, người ta lại khấn thờ trời đất, thần linh và gia tiên tiền tổ", ông Khanh nói.
TS Vũ Thế Khanh cho hay, bắt đầu từ ngày Tết Thanh minh, mọi người sửa sang phần mộ tổ tiên, làm sạch cỏ dại, đắp lại nấm mồ và dâng hương hoa. Nghĩa trang vào ngày Thanh minh trở nên đông đúc, khi các gia đình cùng nhau đến thăm mộ, bày tỏ lòng hiếu kính với ông bà, cha mẹ đã khuất.
Người lớn thành kính cúng bái, trong khi trẻ nhỏ được dẫn theo để học hỏi về truyền thống gia đình. Những người xa quê cũng tranh thủ dịp này để trở về tảo mộ và đoàn tụ gia đình. Bên cạnh việc chăm sóc phần mộ của người thân, nhiều người cũng thắp hương cho những ngôi mộ vô chủ, thể hiện lòng nhân ái.
Sự khác biệt này phản ánh nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam, dù tiếp thu ảnh hưởng từ Trung Quốc nhưng vẫn có những biến tấu phù hợp với truyền thống dân tộc.
Mai Loan