Gia Cát Lượng tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long, là một khai quốc công thần, nhà chính trị, ngoại giao kiệt xuất trong lịch sử Trung Quốc. Ông được ca ngợi là hình mẫu của những vị tướng tài đức vẹn toàn, là hiện thân của trí tuệ kiệt xuất. Trong các bộ phim truyền hình, nhân vật này thường được khắc họa với hình ảnh mặc áo Bát Quái, tay cầm quạt lông vũ, ngồi trên xe đẩy. Đây là 2 "vật bất ly thân", đi theo "thần cơ diệu toán" Gia Cát Lượng trong khắp các cuộc chiến lớn nhỏ.
Tuy nhiên, việc "thần cơ diệu toán" ngồi xe lăn và thích cầm quạt lông không phải là sáng tạo hư cấu của tác giả La Quán Trung mà thực tế trong chính sử, Gia Cát Lượng thường sử dụng chiếc xe 4 bánh tựa "xe lăn" và quạt khi lâm trận dù cơ thể không bị thương hay mắc dị tật nào. Nhiều người lầm tưởng rằng vị quân sư đại tài này gặp vấn đề về sức khỏe không thể đi lại nhưng thực chất đây là "mưu lược" của bậc thần cơ diệu toán khi đối mặt với kẻ thù.
1. Huyền cơ ẩn sau việc ngồi "xe lăn" để chinh chiến
Vào thời xưa, ngựa là phương tiện di chuyển chủ yếu để phục vụ đời sống và là "chiến mã" trong quân đội vì sở hữu ưu thế về tốc độ giúp năng cao phần thắng. Ngoài dùng để tấn công địch, việc cưỡi ngựa khi ra trận còn là "đường lui khôn ngoan" giúp kỵ binh thoát nạn trong gang tấc nếu lâm nguy. Tuy nhiên, Gia Cát Lượng lại không sử dụng chiến mã mà chỉ ngồi xe đẩy bằng gỗ khi xuất quân. Điều này gây tò mò cho hậu thế nhưng lại là dụng ý của vị quân sư tài trí này.
Thứ nhất, việc Gia Cát Lượng lựa chọn loại phương tiện di chuyển này thay vì chiến mã là khích lệ tinh thần chiến đấu của binh lính. Việc ông ngồi xe đẩy thay vì ngựa thể hiện quyết tâm sẵn sàng quyết tử cho trận chiến, không cưỡi ngựa để thoát thân mà bỏ mặc binh sĩ.
Hơn nữa, việc tham chiến buộc quân đội phải di chuyển quãng đường xa. Khi đã ở tuổi tứ tuần, sức khỏe của Gia Cát Lượng không còn tốt như ngày trẻ. Ông cũng không phải xuất thân từ nhà binh nên việc sử dụng một chiếc xe chuyên dụng thay vì cưỡi ngựa sẽ giúp ích cho ông nhiều hơn. Chiếc xe với thiết kế như một chiếc ghế lớn, có hai bánh to phía sau và hai bánh nhỏ phía trước đem lại cảm giác vững chắc hơn so với cưỡi ngựa, đồng thời giúp ông để điều chỉnh phương hướng tốt hơn.
Thứ ba, khi tham chiến, việc phân biệt rõ cấp bậc chỉ huy trong quân đội sẽ giúp việc bày binh bố trận được thực hiện ăn ý hơn giữa tướng và lính. Do đó, việc Gia Cát Lượng ngồi xe thay vì ngựa cũng là một biểu hiện của địa vị, giúp binh lính phân biệt với các tướng lĩnh khác.
2. Lý do Gia Cát Lượng luôn cầm quạt lông vũ trên tay, ngay cả lúc chết
Có nhiều giả thuyết được đưa ra để lý giải cho việc Gia Cát Khổng Minh luôn mang quạt lông vũ bên mình.
Giả thuyết thứ nhất cho rằng Gia Cát Lượng sử dụng quạt lông vũ trắng để chắn gió, tránh bụi. Theo đó, ngoài công dụng làm mát, thể hiện khí chất tao nhã của một bậc quân sư, chiếc quạt này được xem là công cụ bảo vệ "thần cơ diệu toán" khỏi lớp cát bụi và gió nơi sa trường.
Sau khi Lưu Bị qua đời, Gia Cát Lượng đã dẫn quân của mình trong một số cuộc viễn chinh về phương bắc. Những nơi Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý cùng các tướng Ngụy khác giao chiến chủ yếu có gió to, bụi bay nên việc Gia Cát Lượng dùng quạt lông vũ để chắn gió và cát bay cũng rất hợp lý.
Giả thuyết thứ hai cho rằng việc Gia Cát Lượng luôn cầm quạt là để sử dụng cho việc chỉ huy quân đội tác chiến. Ϲăn cứ theo ghi chép trong sử liệu và nghiên cứu của nhà sử học Chu Nhất Lương (Trung Quốc), do quạt lông vũ trắng có màu trắng tinh, dễ được thuộc hạ nhận biết, đây là lý do cốt lõi nhất. Vào thời Ngụy-Tấn-Nam-Bắc triều tại quốc gia này, những vật dụng có màu trắng cũng thường được nhiều vị tướng sử dụng để chỉ huy quân đội. Vì vậy, rất có thể Gia Cát Lượng cũng bị ảnh hưởng bởi điều này.
Giả thuyết thứ ba cho rằng chiếc quạt lông vũ trắng chính là món quà của người vợ Hoàng Nguyệt Anh nên Gia Cát Lượng luôn mang quạt theo bên mình như để trân trọng tấm lòng của người vợ.
Từ những lý do trên, có thể thấy rằng việc Gia Cát Lượng ngồi xe gỗ và cầm quạt ra chiến trường thực chất là một nước đi có tính toán, vô cùng cao minh và sáng suốt của bậc thần cơ. Dù những lý giải trên chưa có tính xác thực song ai cũng phải công nhận rằng 2 vật bất ly thân của Gia Cát lượng chính là vật gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của vị quân sư nổi tiếng này.
Theo PV/Thể thao & Văn hóa