Vì sao đình Trà Cổ được đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt?

Google News

Sau hơn 5 thế kỷ với biết bao thăng trầm lịch sử, đình Trà Cổ vẫn đứng vững như một “cột mốc văn hóa”, khẳng định chủ quyền lãnh thổ, biên giới của Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc.

Đình Trà Cổ, ngôi đình cổ nổi tiếng của thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), đang được UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo triển khai lập hồ sơ đề nghị xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Có điều gì “đặc biệt” về ngôi đình này?
Lịch sử lâu đời, kiến trúc đậm đà bản sắc truyền thống
Nằm ở phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, đình Trà Cổ là ngôi đình có lịch sử gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc.
Về quá trình hình thành đình Trà Cổ, các tư liệu xưa viết rằng, vào năm Quang Thuận thứ 2 dưới triều vua Lê Thánh Tông (1461) đình bắt đầu được xây dựng. Vua Lê Thánh Tông rất chú trọng đến vấn đề chủ quyền biên giới. Việc xây dựng ngôi đình nơi vùng biên ải là quyết định của triều đình lúc bấy giờ. Đây là nơi thờ 6 vị tiên công đã có công khai khẩn lập làng, nơi sinh hoạt cộng đồng và cũng là nơi các quan triều đình nghỉ ngơi khi đi du ngoạn.
Vi sao dinh Tra Co duoc de nghi xep hang Di tich quoc gia dac biet?
Toàn cảnh đình Trà Cổ. 
Căn cứ vào những công trình còn được lưu giữ, kiến trúc hiện tại của đình Trà Cổ được định hình vào khoảng cuối thế kỷ 17 - đầu thế kỷ 18. Ngôi đình đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng vị trí và kiến trúc vẫn được giữ nguyên. Lần trùng tu, tôn tạo gần nhất là vào năm 2012.
Đình có tiền đường gồm 5 gian, 2 chái bái đường, hậu cung có 3 gian. Mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như con thuyền rẽ sóng giữa biển khơi. Đây là ngôi đình duy nhất của Quảng Ninh còn giữ được hệ thống ván sàn - kiểu kiến trúc đình phổ biến thời Lê, tương tự như đình Bảng, Bắc Ninh. Mái đình có kiến trúc theo lối chữ "Đinh", mặt quay về hướng Nam, được chống đỡ bằng 48 cột cái và cột quân bằng gỗ lim đặt trên tảng kê bằng đá xanh. Các cột được giằng đan bởi những xà ngang dọc, ở các đầu xà gồ đều chạm đầu rồng. Hai đầu hồi là hai bức hoành phi sơn son thếp vàng ghi tám chữ: “Nam sơn tịnh thọ” (Nước Nam bền vững), “Địa cửu thiên trường” (Đất vững trời dài).
Trong đình còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị về lịch sử, văn hóa, như 3 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rồng sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ từ thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy.
Hội thi Ông Voi độc đáo
Hàng năm, từ ngày 30/5 đến 3/6 âm lịch, tại đình Trà Cổ diễn ra nhiều hoạt động lễ hội truyền thống, quy mô lớn, tiêu biểu cho loại hình lễ hội dân gian. Đặc biệt, nét độc đáo của lễ hội là hội thi Ông Voi. Nghi lễ chính này được duy trì thường niên, trở thành nét riêng của vùng đất biên ải Móng Cái.
Theo tục lệ được duy trì, trước khi vào mùa lễ hội, làng Trà Cổ chọn ra 12 người được gọi là cai đám, để chuẩn bị cho mùa lễ hội sau. Cai đám là những người trung tuổi, có đạo đức, sức khỏe tốt, gia đình thuận hòa. Thông thường mỗi một người sẽ chỉ được một lần trong đời làm cai đám, những người được chọn sẽ rất vinh dự và tự hào vì điều đó sẽ mang đến may mắn, tài lộc, mạnh khỏe suốt cả năm. Đầu năm mỗi cai đám sẽ nuôi một chú lợn và được gọi là Ông Voi cùng với chế độ chăm sóc đặc biệt chu đáo, được bác sĩ thú y thăm khám thường xuyên.
Vi sao dinh Tra Co duoc de nghi xep hang Di tich quoc gia dac biet?-Hinh-2
 Trẻ em địa phương vui chơi ở đình Trà Cổ.
Trước ngày 30/5 các Ông Voi sẽ được đưa đến 3 đình để chầu đình: đình Nam Thọ, đình Đông Thịnh, đình Tràng Vĩ, các đình đều thuộc phường Trà Cổ và đều tổ chức lễ hội thi Ông Voi. Chiều ngày 30/5 âm lịch hàng năm sau khi làm lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ, có mái che đã tắm rửa sạch sẽ, rước Ông Voi vào đình xếp hai hàng ngay ngắn để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ từng “ông”.
“Ông” nào thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất sẽ giành giải Nhất. Ngay sau phần chấm giải, các Ông Voi trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thịt khao họ hàng. Riêng Ông Voi đạt giải nhất thì được giữ lại để mổ tế thần.
Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của Ông Voi này. Lễ trao thưởng cho cai đám có Ông Voi giải nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội hôm sau... 
Vào ngày 13/3/1974, Bộ Văn hóa, Thể thao đã ký Quyết định số 15 VH/QĐ, xếp hạng đình Trà Cổ là Di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia. Ngày 24/4/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 1501 công nhận Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh là Khu du lịch quốc gia.
Thanh Bình