Theo sử sách, Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam được hơn 2000 năm do đó, tư tưởng, quan niệm và cách hành xử hiếu đạo của người Việt và chữ “Hiếu” trong giáo lý Phật giáo rất gần nhau và có thể coi là một.
Trong Kinh điển, đức Phật rất đề cao hiếu đạo. Đức Phật cũng là một người con có hiếu. Trong các điều phúc, không có điều phúc nào lớn bằng con cái có hiếu với cha mẹ. Và ngược lại, trong các điều tội, bất hiếu là tội nặng nhất.
Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Hoằng Pháp Trung Ương chia sẻ, trên tinh thần hiếu đạo, Đức Phật có dạy rằng, người con có hiếu là người con biết vâng lời và theo sự hướng nghiệp của cha mẹ.
Cụ thể, lúc cha mẹ còn sống chăm sóc, lúc cha mẹ thác đi thì lo lễ cầu siêu. Đây là việc rất đơn giản nhưng cần nhất là cái tâm, sự thành ý của mỗi người. Nhưng sau này, một bộ phận không nhỏ người Việt lại biến lễ Vu Lan thành một nghi lễ báo đáp nhưng mang hình thức phàm tục nhiều hơn.
|
Ảnh minh họa. |
Chẳng hạn như Rằm tháng 7, nhà nào cũng làm một mâm cỗ cúng thật hoành tráng và đặt lên ban thờ để làm lễ. Người ta quan niệm, ngày này các vong linh được xá tội, cửa ngục được mở, cha mẹ, ông bà của họ có thể về nhà để nhận sự hiếu kính của con cháu. Con cháu thi nhau làm mâm cao, cỗ đầy để cầu cúng, báo đáp. Và họ tự nhủ với nhau, lễ lạt càng to càng tốt, càng thể hiện sự hiếu lễ.
Tuy nhiên, dưới con mắt và giáo lý của nhà Phật thì việc làm trên lại sinh ra cái tội cho ông bà, cha mẹ, người đã thác đi. Bởi khi còn sống, ông bà, cha mẹ của họ cũng gây ra tội khi sát sinh, cũng cúng lễ mặn vào ngày Rằm. Và bây giờ, con cháu của họ lại tiếp tục sát sinh để cúng ông bà, cha mẹ khiến cho tội lỗi của họ càng nặng thêm.
Mà quan niệm của người Việt thì khi cúng phải đầy đủ “4 bát, 6 đĩa” mới là cỗ to, mới đầy đủ. “4 bát, 6 đĩa” đồng nghĩa với 10 món, họ phải sát sinh 10 con vật.
Trong kinh Phật có nói làm như vậy là “tội chồng tội”, chẳng khác nào cha mẹ, ông bà họ đang gánh nặng, leo dốc cao vào trời nắng. Con cháu không những không đỡ mà còn tiếp tục chất thêm đồ đạc, gánh nặng, tội lỗi lên lưng cha mẹ.
Chính vì thế, khi cúng vào ngày lễ Vu Lan, con cháu nên cúng ông bà, cha mẹ bằng lễ chay. Tuyệt đối tránh việc sát sinh.
Ông cha ta có dạy “trách bỏ giỗ chứ không ai trách giỗ mọn”. Cho nên, việc cầu cúng ngày này, dù giàu hay nghèo, các gia chủ chỉ cần bát cơm, quả trứng, tượng trưng cho sự tinh khiết, thanh cao đạm bạc là đủ. Quan trọng là ở lòng thành của mỗi người.
Cúng tổ tiên, cúng Phật, Trời cũng vậy, điều cốt là tỏ lòng thành kính của mình. Lễ vật cần thanh cao, nhẹ nhàng, tinh khiết và tượng trưng cho lòng thanh cao, nhẹ nhàng của con cháu, các thế hệ sau. Không cúng những lễ vật mang tính chất thù đãi, cầu khẩn, mong đợi cũng tỏ cái tâm của người mong đợi là sự vụ lợi.
Cũng theo hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, trong ngày lễ Vu Lan, để thể hiện lòng biết ơn, báo đáp người đã khuất, con cháu nên chú ý làm việc thiện, bố thí cho người nghèo, giúp đỡ người khốn khổ.
Khi cúng vào ngày lễ Vu Lan, con cháu nên cúng ông bà, cha mẹ bằng lễ chay. Tuyệt đối tránh việc sát sinh.
Ngoài ra, để tưởng nhớ đến ông bà, cha mẹ đã khuất núi, thế hệ sau nên nhắc nhở cho con cháu sống noi gương theo truyền thống hiếu đạo của người Việt. Đấy là sự tưởng nhớ, sự báo đáp lớn nhất đối với người đã nhắm mắt, xuôi tay.
Việc lên chùa lễ Phật mùa Vu Lan không có gì khó khăn cả. Người dân có thể tham gia cầu cúng, tụng kinh và phóng sinh làm phúc ở các chùa. Bên cạnh đó, nên viết tên tuổi của người quá cố để đọc trước bàn thờ Phật cầu xin được sự tiếp độ cho các vong linh đó. Đó là lời cầu nguyện thành ý của mỗi người giúp cho các vong linh về cõi lành.
>>> Mời quý độc giả xem video 9 đồ vật không nên để trong nhà (nguồn Youtube):
Theo Người Đưa Tin