Vì sao ‘bão nữ’ dữ dằn hơn ‘bão nam’?

Google News

Trong Chiến tranh thế giới 2, lực lượng Hải quân Mỹ thường lấy tên phụ nữ đặt cho các cơn bão.

Trong Chiến tranh thế giới 2, lực lượng Hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương đã bắt đầu lấy tên phụ nữ đặt cho các cơn bão để nhớ đến người yêu hoặc người con gái mà mình say đắm còn đang ở quê nhà nước Mỹ.
Đến thập niên 1970, người ta đã chọn tên nam và nữ thay phiên nhau để đặt cho các cơn bão nhằm bình đẳng giới tính.
Vi sao ‘bao nu’ du dan hon ‘bao nam’?
 
Mặc dù được đặt tên luân lưu ngẫu nhiên như vậy nhưng theo thống kê, các cơn bão mang tên phụ nữ thường khiến nhiều người chết hơn là các “cơn bão nam”. Một nghiên cứu thực nghiệm do các chuyên gia của hai trường đại học Illinois và Arizona (Hoa Kỳ) thực hiện và đăng tải trên Proceedings of the National Academy of Sciences đã chứng minh rằng trong khoảng từ năm 1950 đến 2012, mỗi một “cơn bão nữ” trung bình gây ra 45 người chết so với con số 23 đối với các “cơn bão nam”. Và khi tên của cơn bão càng nghe có vẻ nữ tính thì số lượng nạn nhân của nó càng tăng lên, tuy chưa hẳn là “bão nữ” đã mạnh hơn “bão nam”.
Sự bất thường này được giải thích là do thái độ phân biệt giới tính, trọng nam khinh nữ trong dân chúng. Dường như từ trong vô thức, chúng ta luôn xem nhẹ sức tàn phá của các “cơn bão nữ” hơn là các “cơn bão nam” nên không có các biện pháp phòng tránh và ứng phó hữu hiệu. Nói chung là người dân không sợ “bão nữ” bằng “bão nam”.
Theo TƯỜNG NGUYỄN/Pháp luật TP HCM