Trong thời đại ngày nay, khi quần áo bị hỏng thì có lẽ, lựa chọn hàng đầu của đa số người sẽ là vứt bỏ đi. Nếu vết hỏng trên quần áo không quá nghiêm trọng và không ảnh hưởng đến mỹ quan thì sẽ có 1 số người chọn việc may vá, sửa chữa.
Vậy mà ở thời phong kiến Trung Quốc, có 1 người dù làm đến chức tể tướng trong triều đình lại tiết kiệm đến mức áo rách cũng không nỡ thay. Thậm chí, ông còn đề nghị hoàng đế tiết kiệm cùng mình, điều này đã làm hoàng đế tức giận vô cùng. Nhưng ai ngờ, sau này hoàng đế lại nhất nhất học theo vị tể tướng này. Tại sao?
CẢ GAN GIÁO HUẤN HOÀNG ĐẾ: LÀ AI?
Vị tể tướng được nhắc đến trong câu chuyện tên Trương Kiệm. Ông là tể tướng của Liêu Quốc, phụng sự dưới thời vua Liêu Thánh Tông Long Tự. Sau này, khi Liêu Thánh Tông qua đời thì con trai ông – Gia Luật Tông Chân lên ngôi kế vị khi mới 15 tuổi.
Vì lên ngôi khi tuổi còn nhỏ nên Gia Luật Tông Chân không nhận được sự kính trọng của các đại thần trong triều. Tuy nhiên, câu chuyện xảy ra giữa Gia Luật Tông Chân và tể tướng Trương Kiệm sau đây lại khiến suy nghĩ của mọi người về vị hoàng đế này phải thay đổi.
Dù được Liêu Thánh Tông Long Tự giao phó trọng trách phò tá tân đế, nhưng Trương Kiệm gặp khá nhiều khó khăn với nhiệm vụ này. Nguyên nhân đều bắt nguồn từ quan điểm sống giữa ông và Gia Luật Tông Chân có quá nhiều bất đồng.
Trương Kiệm vì đã chứng kiến quá nhiều điều thống khổ của nhân dân nên ông luôn khuyên Gia Luật Tông Chân cần tiết kiệm để giữ vững quốc khố. Thế nhưng vua lại không mảy may để tâm gì đến ý kiến này và cảm thấy Trương Kiệm quá cổ hủ.
Sau đó, vào 1 ngày mùa đông của 1 năm sau, khi Gia Luật Tông Chân đang thảo luận chuyện quốc sự với Trương Kiệm thì vị tể tướng này lại nhắc đến chuyện tiết kiệm quốc khố với nhà vua. Điều này đã khiến cho Gia Luật Tông Chân cảm thấy không vừa lòng. Để nghĩ cách "trị" Trương Kiệm, vua đã tỉ mỉ quan sát khắp người vị tể tướng này.
Khi nhìn đến chiếc áo choàng bên ngoài của Trương Kiệm, Gia Luật Tông Chân liền nảy ra 1 chủ ý. Vua liền đi chầm chậm tiến đến phía Trương Kiệm đứng, sau đó di chuyển nhanh ra phía sau người vị tể tướng này. Tiếp đến, vua nhanh tay rút 1 cái móc sắt từ trong chậu than đang cháy đỏ cạnh đó và chọc thủng 1 lỗ trên chiếc áo choàng bên ngoài của Trương Kiệm.
Mục đích sau hành động này của Gia Luật Tông Chân là để trả thù việc Trương Kiệm suốt ngày 'giáo huấn' ông về việc phải tiết kiệm. Thấy Trương Kiệm luôn mặc chiếc áo khoác này nên vua đã cố tình chọc thủng nó để ông phải thay chiếc áo khác. Khi ấy, Gia Luật Tông Chân có thể thoải mái chỉ trích Trương Kiệm với lý do: Dù miệng luôn nhắc đến từ tiết kiệm nhưng bản thân lại không hề tiết kiệm!
HÀNH ĐỘNG KHÔNG NGỜ CỦA ĐẠI THẦN: VUA PHỤC SÁT ĐẤT
Tuy nhiên, sau đó, vì bận chuyện quốc sự nên Gia Luật Tông Chân đã hoàn toàn quên đi chuyện này. Cho đến sang năm mới, khi thấy các đại thần trong triều đều đã đổi sang trang phục mỏng hơn thì ông mới nhớ ra chuyện bản thân chọc thủng áo choàng của Trương Kiệm.
Lúc này, vua liền lập tức cho người gọi Trương Kiệm vào triều. Và Gia Luật Tông Chân đã vô cùng kinh ngạc khi vẫn thấy Trương Kiệm mặc chiếc áo choàng bị chọc thủng ngày nào. Chỉ có điều, vết thủng đó đã được vị tể tướng này khâu vá, chỉnh sửa lại.
Khi chứng kiến điều này, Gia Luật Tông Chân vừa cảm thấy hổ thẹn vừa cảm thấy khó hiểu, liền hỏi Trương Kiệm: "Chiếc áo đã bị thủng 1 lỗ như vậy, tại sao ngươi không thay chiếc khác để mặc?". Trương Kiệm liền thẳng thắn trả lời: "Chỉ là 1 vết thủng, thần vá lại 1 chút là được, đâu có nghiêm trọng đến mức không mặc được nữa.". Đáp xong, Trương Kiệm lại nhắc đến vấn đề tiết kiệm với vua. Nhưng lần này, Gia Luật Tông Chân không những không thấy phiền và không phục mà còn cảm thấy kính trọng vị tể tướng này.
Sau những giác ngộ từ câu chuyện này, Gia Luật Tông Chân đã lệnh mở quốc khố để Trương Kiệm tùy ý chọn 1 món đồ mà ông thích, coi như món quà thưởng cho đức tính cần kiệm của ông. Vốn định từ chối, nhưng dưới sự nhiệt tình của vua, Trương Kiệm đành miễn cưỡng chọn 1 món đồ trong quốc khổ. Và món đồ mà ông chọn lại chỉ là 1 tấm vải thô. Trương Kiệm giải thích rằng, muốn dùng tấm vải thô này để may 1 bộ trang phục mới cho con của mình.
Từ đây, Gia Luật Tông Chân đã thay đổi hoàn toàn so với trước đó, không còn tiêu pha phô trương, lãng phí. Ngược lại, vua còn học theo Trương Kiệm về đức tính tiết kiệm và không quên ra chiếu chỉ yêu cầu các đại thần thực hiện nghiêm ngặt việc cần phải noi theo tấm gương tiết kiệm của tể tướng Trương Kiệm.
Theo PV/Pháp luật & Bạn đọc