Nhắc tới long bào thời cổ đại, tin chắc rằng rất nhiều người sẽ nghĩ ngay tới Hoàng đế. Trong xã hội phong kiến có sự phân chia giai cấp rõ rệt, người có tư cách mặc long bào chỉ có hoàng đế mà thôi. Long bào chính là tượng trưng cho hoàng quyền. Cho dù là quan văn quyền lực trong triều hay là quan võ lập được vô số chiến công, đừng nói là mặc long bào, đến việc lén lút cất giấu long bào, nếu mà bị hoàng đế phát hiện thì sẽ mắc tội chu di cửu tộc.
Người hiện đại như chúng ta ngày nay có thể tự do ăn mặc, có thể lựa chọn trang phục theo sở thích của mình, cho dù có kỳ cục thì cùng lắm cũng chỉ bị người khác chê cười là lập dị mà thôi. Nhưng thời cổ đại lại có yêu cầu vô cùng khắt khe. Theo ghi chép trong sử sách, từ sau thời nhà Đường, thời cổ đại có 3 kiểu người có thể mặc trang phục màu vàng, một là Hoàng đế và các thành viên trong hoàng gia, hai là hòa thượng (ví dụ như áo cà sa), ba là quan thần có công (hoàng mã quái là loại áo khoác màu vàng do Hoàng đế ban).
Vài chục năm trước, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật một ngôi mộ cổ, trải qua sự cố gắng, vất vả, cuối cùng đã mở ra được mộ thất. Khi nhìn thấy trang phục được mặc lên chủ nhân của ngôi mộ, các nhà khảo cổ đều phải kinh ngạc, vì bà mặc một bộ long bào thêu đầy trân châu. Vốn tưởng rằng đây là một lăng mộ của đế vương nhưng thông qua nghiên cứu mộ chí lại phát hiện ra chủ nhân của ngôi mộ không phải là Hoàng đế mà là Công chúa Cố Luân Vinh Hiến của thời nhà Thanh. Bà chỉ là một công chúa, khi an táng lại được khoác long bào, rốt cuộc là vì sao?
Để làm rõ chân tướng, đầu tiên phải tìm hiểu bối cảnh của Công chúa Cố Luân Vinh Hiến và những sự tích lúc sinh thời của bà. Trong “Thanh sử thảo” có ghi chép rõ ràng rằng bà là con gái thứ 3 của Khang Hy, tuy không phải là đích nữ (con gái do Hoàng hậu sinh ra) nhưng trải qua một vài sự việc cũng có thể thấy Khang Hy yêu chiều cô con gái này đến mức nào, những tỷ muội khác của bà không thể nào sánh bằng. Khang Hy có tổng cộng hơn 50 người con, trong đó có 20 người con gái.
Mẫu thân của Công chúa Cố Luân Vinh Hiến không hề có địa vị cao trong hậu cung, đến lúc qua đời cũng chưa được phong Quý Phi nhưng vì nhan sắc xuất chúng, tính cách dịu dàng, hiền hậu, được Khang Hy sủng ái trong một thời gian dài, thêm vào đó lại sinh được 5 người con trai và 1 người con gái cho Khang Hy.
Vì thời ấy, y học vẫn lạc hậu, hoặc cũng vì nguyên nhân khác, 5 người anh trai và 2 chị gái (là con của những phi tần khác) của Cố Luân Vinh Hiến đều mất sớm. Chính vì thế, sự ra đời của bà khiến Khang Hy cảm thấy như được an ủi phần nào. Từ thực tế mà nói thì bà chẳng khác nào Trưởng Công chúa (con gái trưởng), thế nên được vua cha yêu chiều cũng là điều dễ hiểu.
Nữ tử thời cổ đại thành hôn sớm, thường thì công chúa khoảng 14 - 15 tuổi cũng sẽ được xuất giá. Nhưng vì Khang Hy không nỡ xa con gái, mãi đến năm 19 tuổi nàng mới thành thân, cũng được coi là khá muộn so với thời kỳ ấy. Phu quân của Công chúa Cố Luân Vinh Hiến là quý tộc Mông Cổ - Ô Nhĩ Cổn. Sở dĩ Khang Hy chọn Ô Nhĩ Cổn làm phò mã, tuy là có mục đích liên hôn củng cố địa vị nhưng hơn thế là suy nghĩ tới hạnh phúc cho con gái.
Ô Nhĩ Cổn tướng mạo anh tuấn, khí chất phong độ, hơn nữa còn văn võ song toàn, có chiến công xuất sắc, vô cùng xứng đôi với Công chúa Cố Luân Vinh Hiến. Trong số rất nhiều cô con gái của Khang Hy, có 5 người được gả tới Mông Cổ nhưng chỉ có một mình Cố Luân Vinh Hiến có thể khiến Khang Hy không màng đường xá xa xôi tới thăm. Sự chiều chuộng như vậy, những công chúa khác không bao giờ có được.
Điều khiến người ta cảm thấy kinh ngạc hơn cả là Khang Hy còn ban cho bà một bộ long bào, gửi gắm tình thương của cha vào chiếc long bào, vì thế sau khi qua đời, bà được mặc long bào để an táng cũng không có gì khó hiểu. Khi mở quan tài của Cố Luân Vinh Hiến ra, các nhà khảo cổ còn thấy da của bà vẫn còn độ đàn hồi, tựa như chỉ là đang ngủ vậy. Có thể thấy, lăng mộ của bà được bảo tồn rất tốt.
Theo Vũ Phong/Công lý & Xã hội