Từ trung tâm TP Thanh Hóa ngược phía Tây lên vùng đất Vĩnh Lộc chừng 70km, chúng ta dễ dàng thấy một tòa thành uy nghi được xây dựng bằng những khối đá to lớn cách đây hơn 600 năm trước.
Theo sử sách, tháng Giêng 1397 Hồ Quý Ly sai thượng thư bộ Lại kiêm Thái Sử Lệnh Đỗ Tỉnh về xem xét đo đạc động An Tôn (thành nhà Hồ ngày nay) để đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu, mở đường phố, dựng đàn Xã Tắc có ý muốn dời kinh đô về đó.
|
Di sản Thế giới Thành nhà Hồ. |
Dù tồn tại trong thời gian ngắn ngủi chỉ có 7 năm, Hồ Quý Ly đã kịp xây dựng thành quách trong thời gian vỏn vẹn có 3 tháng (từ tháng Giêng năm 1397 đến hết tháng 3 năm đó thì hoàn thành) và để lại một công trình kiến trúc độc đáo, một biểu tượng kiệt xuất về công trình thành đá cổ.
Thành nhà Hồ được xây dựng trên nền diện tích 155ha (vùng lõi), còn quần thể di tích thành rộng 5.000 ha. Thành gồm 3 bộ phận: La Thành, Hào Thành và Hoàng Thành, bên ngoài xây đá, bên trong chủ yếu đắp bằng đất.
Thành được xây dựng trên bình đồ kiến trúc gần vuông, chiều Bắc - Nam dài 870,5m; chiều Đông - Tây dài 883,5m; độ cao trung bình 7 - 8m, có nơi cửa nam cao hơn 10m. Bốn cổng được xây theo 4 hướng Nam - Bắc - Đông - Tây. Kiến trúc cổng được họa theo mái vòm, những phiến đá trên vòm cửa được đục đẽo hình múi bưởi, xếp khít nhau.
|
Hằng năm, Thành nhà Hồ đón hàng triệu lượt khách đến tham quan |
|
Bên trong Thành nhà Hồ người dân vẫn canh tác bình thường tạo nên khung cảnh bình dị. |
|
Khu nội thành là cánh đồng lúa rộng mênh mông. |
|
Bức tường thành đá khổng lồ |
|
Cuộc sống bình yên trong nội thành |
|
Nhiều du khách đến khám phá khu Thành nhà Hồ |
Toàn bộ tường thành và 4 cổng chính được xây bằng những phiến đá dài khoảng 1,5m, có tấm dài 6m, trọng lượng trung bình mỗi khối nặng từ 10 - 20 tấn, cá biệt tường thành phía Tây có khối đá khổng lồ 26,7 tấn, với tổng khối lượng khoảng 25.000m3 đá và gần 100.000m3 đất được đào đắp công phu.
Qua hơn 600 năm, hệ thống tường thành gần như vẫn còn khá nguyên vẹn, những phiến đá nặng hàng chục tấn chỉ xếp chồng lên, không có chất kết dính. Điều làm đau đầu các nhà nghiên cứu là công trình vĩ đại đó hoàn thành trong vòng chỉ có 3 tháng vừa thiết kế lẫn thi công, thể hiện trình độ xây dựng độc đáo, bàn tay tài hoa, sức lao động sáng tạo tuyệt vời của các “nghệ nhân” thời bấy giờ.
Ông Trịnh Hữu Anh – Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ cho biết, để phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, đơn vị đã xây dựng, lên kế hoạch chuẩn bị không gian văn hóa và các chương trình nghệ thuật đặc sắc.
Cụ thể là: Lễ hội Hoa xuân cố đô, tham gia chơi rung chuông vàng và hòa mình vào lễ hội Thượng nêu, thả cá Ông Công trong Hoàng Cung; Không gian trưng bày các hiện vật với chủ đề Đất và người Tây Đô; tái hiện không gian Tết xưa, tổ chức chương trình cho chữ đầu xuân, trưng bày ảnh với chủ đề Con đường Di sản và trình diễn văn hoá nghệ thuật vùng Tây Đô….
Đặc biệt, dịp Tết Nguyên đán 2024, du khách đến tại Thành nhà Hồ sẽ được miễn phí vé tham quan bắt đầu từ ngày 4/2 đến ngày 10/2 (tức ngày 25/12 đến ngày 1/1 Âm lịch).
Theo Lê Dương/Vietnamnet.vn