Năm xưa khi Gia Khánh khám nhà Hòa Thân, số tài sản được tịch biên lên tới hơn 1 tỷ lượng bạc trắng. Vào thời bấy giờ, một năm thu vào của quốc khố Đại Thanh cũng không vượt quá con số 70 triệu lượng bạc. Có thể nói, chỉ riêng số tiền mà Hòa Thân có trong tay đã tương đương với 15 năm thu vào của quốc khố Thanh triều.
Với số tài sản lớn như vậy, Hòa Thân được biết tới là một đại tham quan khét tiếng trong lịch sử Trung Hoa, nhiều người luôn đặt câu hỏi về việc tại sao hắn có thể mặc sức lộng hành dưới trướng của Càn Long. Bởi Càn Long được biết đến là một vị vua túc trí đa mưu thì hà cớ gì lại để cho Hòa Thân "một tay che trời"?
Từng có lời đồn đại rằng, Càn Long ưu ái "đặc biệt" Hòa Thân là bởi vẻ ngoài của ông ta. Hòa Thân có một vết bớt đỏ hình ngón tay trên cổ rất giống với dấu vết mà Càn Long đã đánh dấu lên cổ người phi tử đã chết vì mình. Được biết, vị phi tử này vì vô tình vung lược đập trúng mặt Càn Long (lúc này đang là thái tử) khiến Càn Long bị một vết đỏ ở mặt nên phi tử của Ung Chính (cha Càn Long) đã bị thái hậu ban cho cái chết. Càn Long rất đau khổ vì điều này nên đã dùng ngón tay đánh dấu vết đỏ lên cổ người phi tử này và hứa hẹn sau này phi tử này đầu thai sẽ gặp nhau. Do đó, khi nhìn thấy vết bớt của Hòa Thân, nhà vua đã tin rằng ông ta chính là truyền kiếp của vị phi tử kia.
Hòa Thân lấy lòng hoàng đế nhờ tài thơ phú, thư pháp
Tuy nhiên, đây chỉ là lời đồn đại không có căn cứ. Các nhà nghiên cứu lịch sử lại cho rằng lý do Càn Long xem trọng Hòa Thân không phải xuất phát từ vẻ ngoài. Trên thực tế, Càn Long sủng ái Hòa Thân một phần là nhờ tài viết thư pháp và văn thơ hơn người của ông ta. Bằng chứng chứng minh cho lập luận này hiện vẫn đang được lưu giữ tại bảo tàng Cố Cung ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Đó chính là các tác phẩm thư pháp do đích thân Hòa Thân thực hiện. Những tác phẩm này có ưu điểm gì lại có thể lấy lòng vua Càn Long như vậy?
Hòa Thân tuy xuất thân là một thị vệ nhưng may mắn thay ông ta lại có trình độ thư pháp điêu luyện. Các tác phẩm thư pháp của Hòa Thân đều được giới phê bình thư pháp đánh giá cao. Đến nay, nhiều bản thư pháp của Hòa Thân đang được trưng bày trong bảo tàng Cố Cung. Hòa Thân có tài viết thư pháp nhưng ngay từ năm 10 tuổi, ông đã bắt đầu học cách bắt chước kiểu chữ của Càn Long. Sau đó chữ của Hòa Thân với chữ của vua Càn Long giống nhau đến mức "thật giả lẫn lộn". Sở dĩ Hòa Thân dụng công như vậy bởi ông ta biết Càn Long vô cùng yêu thích thư pháp. Nhờ viết giống Càn Long, ông ta đã có được thiện cảm của hoàng đế. Vì vậy, sau này có một số bức đề ngự bút ở cung điện đều được giao cho Hòa Thân viết thay. Ví dụ, hiện nay tại cung Trùng Hoa trong khu di tích Cố Cung có một bức bình phong đề thơ do chính tay vua Càn Long ngự bút, và tại cung Sùng Kính có một biển đề thơ ngự chế do Hòa Thân viết thay Càn Long.
Ngoài ra, Hòa Thân biết vua Càn Long rất thích làm thơ. Ông ta nắm được tâm lý này nên đã khổ học để đạt tới độ hiếm có. Tiền Vịnh Tằng cùng thời với Hòa Thân từng đánh giá rằng: "Thơ của Hòa Thân gieo vần rất tuyệt, rất thông thơ luật. Thơ của Hòa Thân rất hợp với sở thích của Càn Long, Càn Long đọc xong không thích mới lạ, rất nhiều phen tức cảnh làm thơ đã cứu mạng Hòa Thân".
Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, rất nhiều lần Càn Long không muốn tự mình làm thơ, bèn lệnh cho Hòa Thân ứng khẩu tức cảnh làm thơ, và lần nào cũng thu về sự hài lòng đối với ông ta. Trong tập thơ "Gia Lạc đường thi tập" của Hòa Thân có chép rất nhiều thơ do vua Càn Long hạ lệnh làm. Ngoài những bài thơ đó thì những bài thơ khác trong tập thơ cũng rất công phu và cảm động lòng người.
Theo Phụ nữ Số