Tỷ phú Peter Thiel có tên trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới của Forbes. Ông là nhà đầu tư mạo hiểm thành công với nhiều thành tích ấn tượng khi đầu tư hiệu quả cho những công ty mới thành lập. Tỷ phú công nghệ này được biết đến với cách làm việc, quan điểm kinh doanh khác biệt so với nhiều doanh nhân khác.
"Huyền thoại" của giới đầu tư mạo hiểm
|
Tỷ phú Peter Thiel. Ảnh: CNN. |
Sinh năm 1967, tỷ phú Peter Thiel tốt nghiệp khoa luật ĐH Stanford năm 1992. Sau khi ra trường, ông làm việc cho một công ty luật ở Manhattan. Tuy nhiên, công việc luật sư không khiến ông hứng thú.
7 tháng sau khi làm một luật sư, Peter Thiel xin nghỉ và làm việc cho Credit Suisse với tư cách nhân viên giao dịch phái sinh. Đến năm 1996, Peter Thiel thành lập Quỹ tín dụng Thiel - hoạt động kiểu multi strategy (đa chiến lược). Đây cũng là tiền đề cho sự ra đời của công việc mang lại danh tiếng cho Peter Thiel tại thung lũng Silicon - CEO của PayPal. Ông là đồng sáng lập công ty PayPal - công ty hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, chuyên cung cấp các dịch vụ thanh toán và chuyển tiền qua mạng Internet. Công ty này chính thức được IPO vào năm 2002. Ông thành lập PayPal năm 31 tuổi. Bốn năm sau, eBay mua lại công ty của ông Thiel với số tiền 1,5 tỷ USD.
Sau thương vụ này, Peter Thiel thành lập Quỹ tín dụng Clarium và bước tiếp trên con đường đầu tư mạo hiểm. Ông đã đầu tư cho nhiều công ty mới thành lập và đạt được thành công vang dội như Friendster, LinkedIn, Rapleaf, Geni.com, Yelp.Inc, Palantir...
Trong số những vụ đầu tư mạo hiểm thành công, đáng chú ý là việc Peter Thiel "giúp đỡ" Mark Zuckerberg trong những ngày đầu tiên hoạt động Facebook với khoản đầu tư 500.000 USD (tương đương 7% cổ phần). Trong những năm qua, Facebook ngày càng phát triển đồng nghĩa với việc ông Thiel kiếm được khoản tiền lớn. Với sự nghiệp ngày càng thành công, tài sản của Peter Thiel ngày càng tăng và không có gì ngạc nhiên khi ông có tên trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới của Forbes.
Bí quyết thành công: "Không chỉ là khác biệt, cần phải tốt hơn"
|
Ảnh: The NewYork Times. |
Để đạt được thành công như ngày hôm nay, tỷ phú Peter Thiel có một số bí quyết kinh doanh và được ông cởi mở chia sẻ với báo chí và công chúng.
Tỷ phú Peter Thiel chia sẻ bí quyết thành công trong cuốn sách “Zero To One” (tạm dịch là “Từ 0 đến 1”) là: trong tương lai chúng ta cần phải tạo ra sự khác biệt, một cái gì đó thật mới mẻ. Nhưng quan trọng hơn là những điều mới mẻ ấy phải luôn tốt hơn những thứ trước đó, giống như ta tiến từ 0 tới 1 vậy. Bí quyết kinh doanh này đã được ông vận dụng một cách hoàn hảo và đạt được hiệu quả cao.
Trong kinh doanh, ông Thiel cho rằng, thành công không chỉ đơn giản là trở nên giàu có mà nó còn là tạo ra sự khác biệt. Ví dụ như trong một buổi thuyết trình giới thiệu sản phẩm, nhà đầu tư mặc áo vest sẽ đánh giá cao người thuyết trình khi anh ta mặc áo vest. Ngược lại, trong một hội nghị kinh doanh, một lãnh đạo đi giày thể thao sẽ đánh giá cao giáo sư đi sneaker đỏ hơn là những người đi giày da bóng lộn.
Peter Thiel đánh giá việc sàng lọc ra những cá thể độc đáo, tự chủ và đề cao thực chất hơn vẻ bề ngoài. Chính những điều này khiến ông thành công trong lĩnh vực đầu tư.
Thêm vào đó, Peter Thiel còn đưa ra lời khuyên đối với lãnh đạo các công ty công nghệ mới khởi nghiệp rằng: “Không nên làm ăn với bất cứ ai mặc vest”.
"Doanh nhân ăn mặc chỉn chu bảnh bao dưới những bộ vest sang trọng thực chất chỉ là cách nguỵ trang của một nhân viên bán hàng kém cỏi", Peter Thiel nói về bí quyết thành công.
Theo lý giải của Peter Thiel, một doanh nhân ăn mặc sang trọng với những bộ vest lịch lãm thực chất chỉ là cách nguỵ trang của một nhân viên bán hàng kém cỏi. Ông cho rằng, họ đang cố gắng ăn vận sang trọng để bán những mặt hàng chất lượng thấp.
Với quy tắc khắt khe đó, quỹ đầu tư của tỷ phú Thiel quy định rằng sẽ từ chối bất cứ lãnh đạo công ty nào ăn mặc trang trọng tới buổi giới thiệu, thuyết trình về sản phẩm của họ.
Với những bí quyết kinh doanh khác biệt này, Peter Thiel trở thành nhà đầu tư mạo hiểm, doanh nhân thành đạt với khối tài sản đáng mơ ước 2,2 tỷ USD (tính đến tháng 3/2014).
Luôn thể hiện quan điểm đối lập
|
Tổng thống Donald Trump (phải ảnh) và tỷ phú Peter Thiel trong cuộc họp công nghệ cao tại Trump Tower. Ảnh: Fred Prouser/Reuters and Mark Wilson/Getty. |
Tỷ phú Peter Thiel không chỉ có quan điểm khác người về kinh doanh mà còn có những quan điểm đối lập, thẳng thắn bày tỏ ý kiến cá nhân về nhiều vấn đề từ kinh tế đến chính trị.
Cụ thể, trong khi gần như cả giới công nghệ ở Thung lũng Sillicon ủng hộ bà Hillary Clinton trở thành Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016 thì tỉ phú công nghệ Peter Thiel lại ủng hộ ứng viên Donald Trump. Ông tuyên bố đóng góp 1,25 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.
Lý giải về việc ủng hộ ứng viên Donald Trump, Peter Thiel giải thích hai ứng cử viên Tổng thống đều có điểm yếu. Tuy nhiên, ông thà chọn một người “ngoại đạo” như ông Trump - người mà ông cho rằng sẽ ít có ít khả năng đi theo con đường mà nước Mỹ đang đi - trở thành tân Tổng thống Mỹ.
“Hãy cho tôi biết điều gì đó đúng đắn nhưng hầu như không ai đồng ý điều đó với bạn”, Peter Thiel chia sẻ về việc luôn có những quyết định khác với nhiều người. Tuy nhiên, chính điều này làm nên sự khác biệt ở ông.
Việc ông Trump thắng cử, trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ được đánh giá là chiến thắng lớn nhất của ông Thiel, hơn cả việc đầu tư vào Facebook. Chiến thắng này chứng minh ông đã thành công khi "đối đầu với cả thế giới".
Tỷ phú công nghệ này còn từng thể hiện quan điểm đối lập với nhiều người khi từng chi 2,6 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Ron Paul năm 2012 hay đóng góp 2 triệu USD cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Đảng Cộng hòa Carly Fiorina năm 2016.
“Tôi luôn muống ủng hộ những ứng cử viên "ngoại đạo"", tỷ phú Peter Thiel xác nhận quan điểm chính trị của bản thân.
Ngoài ra, tỷ phú Peter Thiel không ngần ngại bày tỏ quan điểm cá nhân, có những chia sẻ thẳng thắn về những vấn đề lớn trong xã hội. Ví dụ như ông từng so sánh việc hacker Nga can thiệp vào cuộc bầu cử giống với việc sử dụng các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt từng sử dụng ở Iraq vào những năm 2002, 2003.
“Tôi lấy làm bất ngờ và khá lo sợ trước sự phát triển như vũ bão của vũ khí mạng”, Peter Thiel nói.
Peter Thiel còn thẳng thắn nói về thời của Apple khi được hỏi liệu thời của hãng này đã hết: "Đây không phải lỗi của Tim Cook mà là do smartphone sẽ không có nhiều đổi mới nữa".
Tâm Anh