Với việc sở hữu khối tài sản trị giá 48,9 tỷ USD, tỷ phú Michael Bloomberg là một trong những doanh nhân thành đạt nhất thế giới. Ông đã có những chia sẻ thú vị về cách chọn công việc của bản thân sau khi tốt nghiệp đại học.
"Đừng chọn việc theo lương"
Theo CNBC, trong bài diễn văn tại ĐH Villanova cuối tuần qua,
cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg đã chia sẻ quá trình ông chuyển từ ghế nhà trường sang làm việc cho các công ty. Ông cho hay từng không biết bản thân muốn làm nghề gì sau khi tốt nghiệp đại học năm 22 tuổi.
"Bây giờ, nếu các bạn ngồi đây vẫn còn băn khoăn về việc sẽ làm gì với cuộc đời mình, đừng lo lắng. Khi học xong đại học, tôi chẳng biết mình muốn làm gì. Sau khi tốt nghiệp trường Kinh doanh, tôi cũng vẫn chẳng biết mình muốn gì", tỷ phú Bloomberg nói.
Ông Bloomberg có bằng kỹ sư điện tại Đại học Johns Hopkins năm 1964. Hai năm sau, ông nhận bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại ĐH Harvard. Vị tỷ phú này chia sẻ quyết định đầu tiên sau khi học xong trường kinh doanh là một trong những quyết định quan trọng nhất sự nghiệp của ông.
Từ những kinh nghiệm làm việc của bản thân, tỷ phú Bloomberg đã dành cho các sinh viên sắp tốt nghiệp lời khuyên đầy ý nghĩa là: Đừng chọn việc theo lương. Thay vào đó, hãy chọn công việc dựa trên việc bạn nghĩ mình có thể phát triển đến mức nào tại công ty đấy.
Tỷ phú Bloomberg từng làm việc cho ngân hàng đầu tư Salomon Brothers. Vị trí của ông trả lương thấp hơn nhiều so với các cơ hội khác tương tự vào thời điểm ấy. Công việc khi ấy của ông là đếm các chứng chỉ cổ phiếu và trái phiếu. Công việc này khiến ông cảm thấy khá nhàm chán.
"Đó là xuất phát điểm rất thấp so với một thạc sĩ có bằng MBA của Harvard. Chúng tôi phải làm việc trong hầm không điều hòa, thỉnh thoảng uống cả đống bia để tăng sức chịu đựng", ông Bloomberg tiết lộ trong cuốn tự truyện năm 1997.
Tuy nhiên, Salomon Brothers nổi tiếng nhờ văn hóa coi trọng nhân tài. Theo nhận xét của tỷ phú Bloomberg, ông nhận thấy bản thân có thể chuyên nghiệp hơn nếu làm việc tại công ty này.
"Tôi đã nhận công việc lương thấp hơn 40% công ty khác chào mời, vì tôi cho rằng mình phù hợp với công ty này hơn. Đó là một trong những quyết định quan trọng nhất của tôi, dù 15 năm sau đó tôi bị sa thải", ông nhớ lại.
Theo tỷ phú Bloomberg, nhận công việc dựa trên khả năng phát triển và cơ hội học hỏi kỹ năng mới là chiến lược nghề nghiệp thông minh nhất. Ông đã trở thành ngôi sao trong công ty, thăng tiến dần lên vị trí chuyên viên giao dịch và giám đốc mảng giao dịch cổ phiếu. Ông làm việc 12 giờ mỗi ngày và có sự nghiệp đầy sáng sủa.
Sau hơn một thập kỷ cống hiến cho Salomon Brothers, ông Bloomberg bị mất việc khi công ty tái cơ cấu nhân sự. Khi ấy, ông đã dùng khoản tiền đền bù sau thất nghiệp để mở công ty mà sau này trở thành Bloomberg LP.
"Đừng lo lắng về việc phải có kế hoạch dài hạn. Và đừng chọn việc theo lương", ông Bloomberg nói.
Những kỹ năng và mối quan hệ mà vị tỷ phú này gây dựng được khi làm việc tại Salomon Brothers là vô giá. Theo ông, sinh viên mới tốt nghiệp đại học nên ưu tiên chọn công việc khiến họ cảm thấy thích thú.
"Hãy nhận công việc mà bạn thấy thích thú và làm việc điên cuồng vào", tỷ phú Bloomberg đưa ra lời khuyên cho những sinh viên tốt nghiệp ra trường.
Những thú vui đắt tiền lúc rảnh rỗi
Giống như nhiều doanh nhân thành đạt, tỷ phú
Michael Bloomberg có cuộc sống riêng khá xa hoa. Ông sở hữu nhiều món đồ xa xỉ để tiêu khiển lúc rảnh rỗi. Cụ thể, ông có bằng phi công từ năm 1976 và thường xuyên lái chiếc trực thăng Agusta SPA A109s có 6 chỗ, trị giá 4,5 triệu USD vòng quanh New York.
Với tấm bằng phi công này, vị tỷ giàu có này còn thường xuyên lái máy bay riêng tới Bermuda. Tại đây, ông có một ngôi nhà tuyệt đẹp ngay trên mặt nước và thường đến nơi này để thư giãn và tạm rời xa cuộc sống bận rộn ở New York.
Bên cạnh việc tiêu tiền cho những sở thích cá nhân, tỷ phú Bloomberg còn quyên góp hàng tỷ USD cho các quỹ từ thiện. Ông từng tuyên bố sẽ cho đi tất cả tài sản của mình trước khi chết.
Để thực hiện lời tuyên bố trên, trong những năm qua, ông đã thực hiện nhiều hoạt động từ thiện lớn như quyên tặng 100 triệu USD cho Đại học Cornell nhằm xây dựng một trường học công nghệ mới tập trung tại thành phố New York hay tặng 1,1 tỷ USD USD cho ĐH Johns Hopkins. Qua đó có thể thấy, ông là một nhà từ thiện lớn có những đóng góp to lớn cho xã hội.
Tâm Anh