Tỷ phú Leonard Lauder: Làm việc vì đam mê, không vì danh tiếng

Google News

(Kiến Thức) - “Tôi không thích được gọi là một nhà đầu tư. Tôi là một doanh nhân làm việc chăm chỉ để xây dựng công ty, kiếm tiền cho một cuộc sống tốt”, Leonard Lauder chia sẻ. 

Trong một buổi phỏng vấn cho loạt bài "Bài học cuộc đời của Reuters" cuối năm ngoái, tỷ phú Leonard Lauder, cựu giám đốc điều hành Estee Lauder, thương hiệu làm đẹp biểu tượng của nước Mỹ đã thẳng thắn chia sẻ: "Tôi không thích được gọi là một nhà đầu tư. Tôi là một doanh nhân làm việc chăm chỉ để xây dựng công ty, kiếm tiền cho một cuộc sống tốt".

Khi được hỏi về thành công của mẹ - nữ hoàng mỹ phẩm Estee Lauder, người phụ nữ duy nhất có mặt trong danh sách 20 thiên tài kinh doanh có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 của tạp chí Time năm 1998, Leonard nhấn mạnh “Đó không phải là thành công từ trên trời rơi xuống như mọi người thường nghĩ, mà là một công việc khó khăn, lâu dài, tích lũy các chiến thắng nhỏ từ ngày này qua ngày khác. Chỉ mãi đến gần đây tập đoàn Estee Lauder mới đạt được những thành công vượt bậc”.

Đúng như những gì Leonard đã phát biểu, cuộc đời ông chính là một tấm gương nỗ lực không mệt mỏi để thành công trong kinh doanh.

Học cách kiếm tiền từ bé

Sinh năm 1933, Leonard A. Lauder là con trai đầu của Joseph và Estée Lauder - cặp vợ chồng sáng lập nên đế chế kinh doanh sắc đẹp sở hữu hơn 700 nhãn hiệu mỹ phẩm, trong đó có 19 nhãn hiệu nổi tiếng được bán ra trên toàn cầu như Estée Lauder, Clinique, MAC Cosmetics, Aveda, Bobbi Brown, Smashbox. La Mer… Doanh thu toàn cầu năm 2016 của Estée Lauder là 11,26 tỉ USD.

Ty phu Leonard Lauder: Lam viec vi dam me, khong vi danh tieng
Leonard khi mới sinh và mẹ - nữ hoàng mỹ phẩm Estée Lauder. Ảnh: Telegraph. 

 

Bản thân Leonard đã dấn thân vào kinh doanh từ khi còn là một đứa trẻ và kiếm được những khoản tiền lương thiện đầu tiên từ năm 13 tuổi. Ông từng làm việc trong một xí nghiệp nhỏ chuyên đóng chai các loại dầu làm sạch vào buổi chiều. Sau đó ông kinh qua những việc đánh máy, phục vụ trong trại hè. Năm sau nữa ông kiếm được 50 USD từ công việc tư vấn và 100 USD năm kế tiếp.

Năm 1958, chàng thanh niên Leonard A. Lauder 25 tuổi, đã tốt nghiệp trường kinh doanh Wharton danh tiếng của đại học Pennsylvania (top 8 Ivy League của nước Mỹ) và phục vụ trong hải quân Mỹ với cấp bậc trung úy chính thức gia nhập doanh nghiệp mỹ phẩm gia đình.

Làm việc hết mình để phát triển tài lãnh đạo và quản lý

Từ khi vào công ty, Leonard đã phát triển và thực hiện nhiều chiến dịch tiếp thị, bán hàng đầy sáng tạo và nhất quán để gia tăng doanh thu lẫn lợi nhuận cho công ty. Ông cũng là người quan tâm đầu tư nghiên cứu sản phẩm một cách khoa học bằng cách xây dựng phòng thí nghiệm đầu tiên cho công ty. Những kiến thức, kỹ năng ở trường đại học đã giúp Leonard hình thành phong cách quản lý chuyên nghiệp cho biểu tượng Mỹ ở mọi cấp bậc.

Quan trọng hơn, đóng góp lớn nhất của ông là những sáng kiến về chiến lược kinh doanh táo bạo và hiệu quả:

Năm 1960 công ty mở cửa hàng đầu tiên ở London, đặt nền móng cho việc vươn ra tầm quốc tế.

Năm 1968, Leonard có ý tưởng để các thương hiệu khác nhau của công ty cạnh tranh với nhau. Đó là chiến lược tăng trưởng chủ yếu của ông khi mua lại hoặc xây dựng các nhãn hiệu mới có tiềm năng phát triển toàn cầu nhưng vẫn giữ sự cạnh tranh của chúng bằng tên cũ. Các nhãn hiệu như Clinique, Aveda, Tommy Hilfiger, Bobbi Brown đều đi theo chiến lược này, trở thành những dấu ấn dễ nhận ra với người tiêu dùng nhưng trong tâm trí họ ít ai nghĩ rằng chúng thuộc sở hữu của Esteé Lauder.

Năm 1972, nhờ tài chiến lược của mình, Leonard được đề cử làm Chủ tịch công ty. Bằng sự tận tụy vô hạn, sự chăm chỉ và nhạy bén kinh doanh đặc biệt, ông tiếp tục đưa ra những kế hoạch dài hạn, có định hướng mục tiêu và rất hệ thống cho sự phát triển của công ty. Ông cũng rất kiên nhẫn và kiên định với những kế hoạch của mình.

Nhờ vậy, năm 1982, Leonard được chọn làm giám đốc điều hành thay mẹ. Khả năng quản lý của ông cũng không kém gì tài lãnh đạo khi dưới thời ông, Estee Lauder đạt những bước ngoặt đáng kể như: lần đầu tiên đạt mốc 1 tỉ USD doanh thu năm 1983 và chiếm 1/3 thị trường mỹ phẩm cao cấp Mỹ năm 1988.

Năm 1999, Leonard rời vị trí giám đốc điều hành và chỉ còn đảm nhiệm chức Chủ tịch tập đoàn cho đến năm 2009.

Hiện nay, Leonard vẫn là thành viên cao cấp trong Ban Giám đốc tập đoàn Estée Lauder, đồng thời là một nhà hoạt động văn hóa tích cực ở thành phố New York.

Ty phu Leonard Lauder: Lam viec vi dam me, khong vi danh tieng-Hinh-2

Leonard Lauder giữa tuổi 80 vẫn là nhân vật có ảnh hưởng và sức hút ở Estee Lauder, đồng thời là một nhà hoạt động văn hóa tích cực ở thành phố New York. Ảnh: Lauder, người vợ sau Judy (bìa phải) và phụ trách tuyển lựa bảo tàng nghệ thuật Mỹ Whitney (bìa trái) sau một buổi ăn tối vào tháng 4/2015. Ảnh: BFA. 

Doanh nhân tài ba và triết lý làm giàu đáng nể 

Ty phu Leonard Lauder: Lam viec vi dam me, khong vi danh tieng-Hinh-3

Leonard Lauder và hạnh phúc mới nở hoa ở tuổi tám mươi với người vợ sau Judy Glickman trong căn hộ cao cấp ở Manhatton mà ông đã sống nhiều năm qua. Ảnh: New York Times. 

Quá trình xây dựng sự nghiệp khiến người ta phải kính nể của Leonard cũng là quá trình ông rèn rũa những phẩm chất, năng lực cần có của một doanh nhân tài ba:

Làm việc vì đam mê chứ không vì danh tiếng: Giữa hai kiểu người muốn làm việc tốt nhất có thể và làm việc chỉ để leo lên nấc thang sự nghiệp, Leonard chính là kiểu người đầu tiên.

Có tầm nhìn dài hạn: Leonard là người bắt đầu công việc bằng cách nhìn về mục tiêu và lùi dần lại, thay vì đặt mục tiêu nhưng lại tiếp cận nó bằng những công việc hàng ngày, hàng tháng như hầu hết mọi người. Theo ông, khi bạn ngắm sẵn đích đến, các quyết định hàng ngày sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều. Bạn sẽ chẳng thể đi tới đâu nếu không nhìn ra đích đến.

Chính điều này đã giúp ông dám đặt ra những thử thách dài hạn, to lớn và giữ được lòng kiên nhẫn vô hạn trên con đường tích lũy nội lực để gặp hái nhiều thành công rực rỡ cho tập đoàn trong thời gian ông làm chủ tịch lẫn giám đốc điều hành.

Đặt chất lượng lên hàng đầu: Leonard luôn quan tâm đã định làm gì thì hãy làm nó một cách tốt nhất có thể. Đó là điều lớn nhất ông học được từ cha mẹ mình.

Khi mới gia nhập Estée Lauder, Leonard thường nhiều lần nghe mẹ lặp đi lặp lại lời yêu cầu các nhà cung cấp cải tiến chất lượng qua điện thoại “Hãy làm lại, làm lại, chúng ta phải có sản phẩm tốt nhất thế giới”.

Cách cha ông giúp ông trưởng thành hơn trước những khó khăn thử thách khi học trường kinh doanh Wharlton cũng giống y như mẹ. Mỗi khi ông nhờ cha xem giúp mình bài tập về nhà, cha luôn trả lại bài và yêu cầu ông “hình dung và làm lại”.

Chi tiêu hợp lý: Trong cuộc phỏng vấn, Leonard Lauder cho rằng dòng tiền sẽ không chảy ngược lại, vì vậy ông luôn luôn chi tiêu hợp lý. Ông đã chia sẻ những điều này với Reuters:

“Căn hộ đầu tiên tôi thuê khi mới cưới vợ năm 1959 chỉ có giá 260 USD một tháng.”

“Khi công ty được cổ phần hóa năm 1995 tôi có nhiều tiền hơn nhưng tôi cũng chỉ tiêu xài vừa đủ để tiếp tục đi lên. Kết quả là, sau 20 năm, hiện giờ tôi vẫn nắm 52% cổ phần công ty. ”

Thành công rực rỡ 

Tổng kết lại trong hơn 40 năm phục vụ công ty, bằng năng lực xuất sắc và tinh thần lao động tận tụy, Leonard đã dẫn dắt Esteé Lauder từ một doanh nghiệp gia đình doanh thu 800.000 USD năm 1958 vươn ra tầm quốc tế trên 130 quốc gia, đạt doanh thu lên tới 2,9 tỉ USD năm 1995 khi ông trở thành Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành.

Dưới thời ông lãnh đạo, tập đoàn đã phát triển thêm những sản phẩm mới như Aramis, Clinique, Lab Series, Origins và mở rộng kinh doanh bằng việc mua lại một số nhãn hiệu trong giai đoạn 1990 như MAC, Aveda, Bobbi Brown, Jo Malone London, La Mer… Triết lý “đa quốc gia, đa công ty” của ông đã mở rộng nhu cầu sản phẩm Estée Lauder trên toàn cầu, dù mùi hương ngọt ngào của mỹ phẩm biểu tượng Mỹ được gọi bằng nhiều tên khác nhau.

Leonard cũng chính là người sáng tạo chỉ số thỏi son (Lipstick Index), một chỉ số kinh tế không chính thức phản ánh doanh thu của công nghiệp làm đẹp luôn tăng không phụ thuộc vào sự ổn định của nền kinh tế vì ngày nay trang điểm đã trở thành một nhu cầu thiết yếu của phụ nữ ở nhiều nơi trên thế giới.

Theo thống kê 2016 của Forbes, Leonard Lauder có tổng tài sản trị giá 8,7 tỉ USD, xếp thứ 48 trong danh sách những người giàu nhất nước Mỹ và thứ 122 trên thế giới.

Đoàn Hiểu Linh