Cuộc sống là chất liệu tuyệt vời cho văn chương. Đã có rất nhiều tác phẩm dựa trên sự kiện có thật ra đời và trở thành những áng văn sống mãi với thời gian.
Từ sự kiện khiến cả nước Nhật bàng hoàng năm 1950, Mishima Yukio - một trong tên tuổi lớn của văn chương Nhật Bản hiện đại - đã tạo nên tuyệt tác văn chương Kim Các Tự. Tác phẩm được đông đảo độc giả và giới phê bình trên toàn thế giới tán tụng.
|
Kim Các Tự được trùng tu sau vụ cháy. Ảnh: stockdevil.
|
Kinkakuji - di sản văn hóa của Kyoto bị phóng hỏa
Kim Các Tự là ngôi chùa ngự tại Kyoto, Nhật Bản, được xây dựng từ năm 1397. Kim Các Tự (Kinkaku-ji) còn được gọi là Lộc Uyển Tự, có cấu trúc ấn tượng và mang nhiều nét tinh xảo, cầu kỳ, là một trong những di sản nổi tiếng của Kyoto.
Nằm trong khuôn viên của Lộc Uyển Tự có nhiều công trình giá trị, trong đó đặc sắc nhất phải kể đến tòa Kim Các (hay còn gọi là Gác Vàng) nằm bên hồ nước và bao quanh bởi thiên nhiên.
Kiến trúc của tòa Kim Các gồm ba tầng, trong đó tầng đầu tiên được gọi là Pháp Thủy Viện, tầng thứ hai là Triều Âm Động và tầng thứ ba là Cửu Cánh Đính. Tầng dưới cùng có màu trắng từ gỗ tự nhiên và tường thạch cao, hai tầng trên được dát vàng lá, trong đó trần của tầng thứ ba còn được bọc bằng vàng lá nguyên chất.
Có thể nói Kim Các vừa mang giá trị vật chất lớn, vừa là biểu tượng có giá trị tinh thần đối với người dân Nhật Bản, được coi là quốc bảo của đất nước mặt trời mọc.
Ngôi chùa vàng của Kyoto đột nhiên chìm trong biển lửa vào rạng sáng ngày 2/7/1950. Hậu quả của vụ cháy để lại là 46 tsubo (đơn vị đo diện tích của Nhật đương thời) của Xá Lợi Điện (tức Kim Các) - công trình kiến trúc được coi là bảo vật quốc gia - đã bị thiêu rụi hoàn toàn.
|
Một vị sư đứng giữa tro tàn sau khi Kim Các bị cháy. Nguồn: bubuchademo blog.
|
Bức tượng gỗ của Yoshimitsu Ashikaga (cũng là bảo vật quốc gia thời bấy giờ), tượng Quan Âm Bồ Tát, tượng A Di Đà Như Lai cùng các cuộn kinh Phật cũng bị thiêu cháy.
Nguyên nhân vụ cháy nhanh chóng được điều tra. Trước thời điểm xảy ra vụ cháy, bảy thiết bị báo cháy được lắp đặt trong chùa đều không hoạt động do cháy pin. Do đó, nguyên nhân cố ý phóng hỏa đã được cân nhắc. Cùng lúc đó, một vị tiểu tăng của chùa có tên Hayashi Yoken (sinh ngày 19/3/1929) bị phát hiện mất tích.
Tối đó anh ta được tìm thấy trên núi Hidari Daimonji phía sau chùa, đang quằn quại sau khi uống Calmotin, một loại thuốc an thần và định mổ bụng để tự sát. Được phát hiện kịp thời, Hayashi được cứu sống và ngay sau đó bị bắt vì tình nghi phóng hỏa Kim Các. Khi bị bắt, chú tiểu đã khai động cơ phóng hỏa là "gây náo loạn thế giới" và "trả thù xã hội".
Chú tiểu đã phóng hỏa ngôi chùa 500 tuổi thực tế có cơ thể ốm yếu, mắc tật nói lắp nặng, bị mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng nên mang tâm trạng yếm thế. Hung thủ cũng được chẩn đoán mắc chứng tâm thần phân liệt và bệnh tình chuyển nặng nhanh chóng. Chứng bệnh tâm thần phân liệt được cho là đã khởi phát vào thời điểm xảy ra vụ việc và là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội.
Mẹ của Hayashi Yoken đã được cảnh sát Kyoto triệu tập đến để thẩm vấn, trên đường trở về nhà của anh trai ở Oe, bà đã nhảy khỏi tàu tự sát. Ngày 28/12/1950, Hayashi bị kết án 7 năm tù giam. Sáu năm sau, y qua đời vì bệnh lao và tâm thần phân liệt vào ngày 7/3/1956.
|
Sách Kim Các Tự. Ảnh: Midori.
|
Tuyệt tác văn chương trên nền vụ phóng hỏa Gác Vàng
Sử dụng chất liệu từ vụ phóng hoả Gác Vàng, Mishima Yukio, nhà văn và biên kịch nổi tiếng người Nhật Bản, đã viết nên một áng văn chương để đời, gắn liền với sự nghiệp sáng tác của ông có tên Kim Các Tự. Mishima Yukio là tên tuổi lớn của văn đàn hiện đại Nhật Bản với hai lần được đề cử giải Nobel Văn chương.
Kim Các Tự có tên gốc là Kinkakuji, được Shinchosha xuất bản ngày 30/10/1956, 5 năm sau sự kiện phóng hỏa đốt chùa. Trước khi bắt tay vào sáng tác, Mishima đã cất công tìm hiểu về sự kiện phóng hoả Kim Các, thu thập thông tin từ nhiều nơi, thậm chí ghé thăm hung thủ phóng hỏa trong nhà tù để có đủ chất liệu tạo nên đứa con tinh thần của mình.
Cuốn tiểu thuyết tràn ngập suy tư và kiến giải duy mỹ của nhân vật chính Mizoguchi, một chú tiểu mắc tật nói lắp và luôn tự ti về khuyết tật cũng như diện mạo của mình.
Xoay quanh những ẩn ức của con người về cái đẹp toàn năng, Mishima Yukio đã đi sâu vào những ngóc ngách sâu thẳm nhất của lòng dạ con người hòng định nghĩa lại cái đẹp dưới lăng kính của riêng mình.
Dù là tác phẩm phóng tác dựa trên sự kiện phóng hoả, độc giả vẫn có thể thấy Mishima sử dụng rất nhiều chi tiết có thật. Hình tượng chú tiểu đã phóng hỏa đốt chùa trong tiểu thuyết cũng có tật nói lắp, thường xuyên tự ti về thể chất ốm yếu của mình.
Hình tượng người mẹ của vị tiểu tăng cũng được Mishima đưa từ đời thật vào với kỳ vọng lớn lao của bà, mong chú tiểu sau này sẽ được kế thừa vị trí trụ trì của Lộc Uyển Tự - một trong những nguyên nhân dẫn đến tâm lý bất ổn của chú tiểu.
Chi tiết về vụ phóng hỏa cũng được Mishima kế thừa: các dụng cụ báo hỏa hoạn tối tân bên trong Kim Các bị hỏng, chưa kịp sửa chữa, chú tiểu biết được việc này đã thừa cơ phóng hỏa ngôi chùa năm trăm tuổi bằng rơm và diêm.
Kim Các Tự không chỉ là tác phẩm thành công nhất của Mishima mà còn là một trong những kiệt tác của nền văn học Nhật Bản. Ngay sau khi xuất bản, Kim Các Tự đã nhanh chóng được độc giả hưởng ứng nhiệt liệt và trở thành cuốn tiểu thuyết bán chạy tại Nhật với 150.000 bản.
Chỉ một năm sau khi xuất bản tại Nhật, bản dịch tiếng Anh đã được giới thiệu đến công chúng toàn thế giới. Từ đó, giới phê bình nước ngoài cũng dành nhiều lời tán tụng tác phẩm. Tính đến tháng 11/2020, cuốn sách đã cán mốc 3,6 triệu bản. Tác phẩm cũng được chuyển thể thành phim điện ảnh do Kin Ichikawa đạo diễn và diễn viên Raizo Ichikawa thủ vai.
Theo Hứa Mộc/Zing News