Nhưng xét về độ “chơi ngông” và “chơi chất” thì có lẽ không ai sánh được với Đế Tân – vị vua cuối cùng của đời nhà Thương hay còn được gọi là Trụ Vương!
Đế Tân, tên thật Tử Thụ, còn được gọi là Thương Vương Thụ. Theo Sử ký Tư Ma Thiên, Đế Tân là con trai của Đế Ất, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh hơn người, lại sở hữu vẻ ngoài tráng kiện đẹp đẽ. Sách Tuân Tử cũng mô ta Đế Tân như một trang anh hùng tuấn kiệt đương thời.
Khi lên ngôi trị vị nhà Thương, Đế Tân định đô ở Triều Ca (nay là huyện Kỳ, Hà Nam). Trong những năm đầu, ông được đánh giá là minh quân khi siêng năng chấn hưng chính trị và thực hiện nhiều cuộc thảo phạt Đông di thành công.
Tuy nhiên, trong những năm sau, Đế Tân chỉ biết đến tửu sắc và làm nhiều chuyện vô đạo. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, Đế Tân thậm chí còn tổ chức những lễ hội… “quần dâm” với sự góp mặt của quan lại trong triều và thê thiếp của mình khiến người dân oán thán.
Một trong những hình thức giải trí mà Đế Tân thích nhất là Tửu trì Nhục lâm (Suối rượu – Rừng thịt). Trong hậu cung của mình, Đế Tân cho xây dựng một hồ lớn (được cho dài hơn 2km). Hồ này được lấp đầy bởi rượu quí nên được gọi là “Tửu Trì” – Suối rượu.
Một hòn đảo nhỏ nhiều cây được đặt ở giữa hồ, trên mỗi cành cây treo đầy các xiên thịt nướng, từ thịt gà, bò, lợn đến các loại thịt thú rừng. Đây được gọi là "Nhục Lâm" (rừng thịt). Điều này cho phép Đế Tân, những quan lại tâm phúc và phi tần của ông lênh đênh trên những chiếc xuồng ngày đêm vui chơi, khát thò tay múc rượu, đói thì với tay lấy thịt, không buồn quan tâm đến thế giới bên ngoài, bỏ bê chính sự triều chính.
Đây rõ ràng là một cung điện ngập tràn khoái lạc, chưa từng có tiền lệ trước vào sau trong mọi triều đại vua chúa Trung Quốc. Những bữa tiệc Đế Tân tổ chức ở “Tửu Trì Nhục lâm” có thể nói là những lễ hội đồi trụy kéo dài bất tận.
Theo nhiều ghi chép, thường có tới 3.000 người hoàn toàn khỏa thân thường xuyên hiện diện tại “Tửu trì Nhục Lâm”, ăn uống, bơi lặn, chơi đùa và làm những trò mua vui dâm dục tại đây. Còn Đế Tân cùng hoàng hậu (Đát Kỷ) tọa ở trung tâm “Nhục Lâm”, thỏa thích tận hưởng trong cơn say của sắc dục và quyền lực.
“Tửu trì Nhục lâm” được coi là ví dụ nổi tiếng nhất cho sự suy đồi và tham nhũng tột cùng của một hoàng đế trong lịch sử Trung Quốc. Trong cuộc đại truy quét quan chức tham ô của Trung Quốc 5 năm qua, “Suối rượu- Rừng thịt” cũng được sử dụng như một biểu tượng số 1 của chiến dịch.
Nhưng nếu như thú vui giải trí của Đế Tân chỉ quanh chuyện sắc-dục thì có lẽ thiên hạ và người đời sau sẽ không oán thán ông đến thế. Đằng này, để chiều lòng Đát Kỷ, Đế Tân đã bày ra vô sô những hình phạt tàn khốc chỉ để mua vui, đáng nói nhất là “Sái bồn” và “Bào lạc”
“Sái bồn” là một hào to và sâu có rất nhiều rắn độc. Hành hình bằng cách lột hết y phục của nạn nhân rồi xô vào bồn để lũ rắn thay nhau cắn mổ nạn nhân đến chết. Sái Bồn là nơi Đế Tân và Đát Kỷ giải sầu bằng việc bày trò đấu vật. Theo đó, các thái giám và cung nữ sẽ đấu với nhau, kẻ thắng sẽ được ban rượu thịt ở Tửu Trì - Nhục Lâm, ai thua sẽ bị ném xuống Sái Bồn cho rắn ăn thịt.
"Bào lạc" là một công cụ chuyên hành hình những kẻ chống đối thú chơi của Đế Tân. Đó là một ống đồng to rỗng ruột, bên dưới là miệng lò dùng để chụm than củi đốt nóng. Khi hành hình, dùng củi nung cho cột đồng nóng đỏ rồi đưa nạn nhân đến dí nguyên người nạn nhân vào ống đồng cho thịt da cháy khét, giãy giụa la hét đến chết.
Nạn nhân của các cực hình này dao động từ dân thường và tù nhân đến các quan chức chính phủ cao cấp. Nhưng người đầu tiên, được sử ghi chép là đại thần Mai Bá. Ông này bị xử tội bằng hình thức cực hình “Bào lạc” vì dám dâng sớ ngăn vua, giảm bớt chuyện ăn chơi hưởng lạc và giết người vô tội vạ.
Mai Bá bị “Bào lạc” đốt cháy xương thịt, la hét đau đớn cho đến chết trong sự chứng kiến của tất cả các quan lại trong triều nhưng không một ai dám phản đối. Sau khi Mai Bá chết, không ai còn dám căn ngăn hay đả động gì đến chuyện hưởng lạc của Đế Tân nữa. Thế nên, ông cùng Đát Kỷ càng ung dung thư giãn ở Tửu Trì Nhục Lâm và đầu óc chỉ quanh quẩn việc nghĩ ra những thú vui đồi trụy mới.
Để phục vụ cho thú chơi xa hoa của mình, Đế Tân tiêu tốn rất nhiều ngân khố của triều đình. “Tửu trì Nhục lâm” trở thành trở thành một gánh nặng tài chính khủng khiếp và cách duy nhất là áp sưu cao thuế nặng vào người dân. Những hành vi tàn ác và trụy lạc của Đế Tân khiến dân tình khắp nơi oán hận, chư hầu và các tướng dần dần xa lánh dẫn đến sự suy yếu nhanh chóng của nhà Thương.
Tây Bá hầu Cơ Xương căm giận Đế Tân, cố tìm cách giấu mình, giả cách quy phục rồi ngầm tập hợp lực lượng chống lại. Khi Cơ Xương mất, con là Cơ Phát lên ngôi, cùng 11 tiểu quốc ở phía Tây hợp quân đánh Thương. Nhân lúc quân Thương chủ lực ở Đông Nam, Cơ Phát đã tiến thẳng vào Triều Ca, đánh bại Đế Tân ở Trận Mục Dã.
Đế Tân trong cuộc truy sát của Cơ Phát, đã rút lui về cung điện khoái lạc của mình, đứng bên hồ rượu lần cuối. Và khi người lính cuối cùng của Đế Tân cũng ngả giáp xin hàng, ông đã phóng lửa đốt cháy “Tửu Trì Nhục Lâm”, đứng lặng chờ chết trên Lộc đài. Sự kết thúc đầy ám ảnh nhưng là lẽ tất yếu của triều đại Thương kéo dài hơn 550 năm.
Theo SHTT