Hoàng tử Lý Long Tường sinh năm 1174 (Giáp Ngọ), là con thứ 7 của vua Lý Anh Tông (trị vì 1138-1175) và Hiền Phi Lê Mỹ Nga. Đến thời vua anh Lý Cao Tông, ông được ban chức Thái sư Thượng trụ quốc, Khai phủ nghị đồng tam tư, Thượng thư tả bộc xạ, lĩnh đại đô đốc hải quân, tước Kiến Bình vương (Theo Trần tộc Vạn thế Ngọc phả của dòng dõi Chiêu quốc vương Trần Ích Tắc để tại từ đường thuộc thị xã Lãnh Thủy, huyện Chiêu Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc).
Năm 1225, Lý Chiêu Hoàng, cháu gọi Lý Long Tường là ông trẻ, đã nhường ngôi cho Trần Cảnh khiến ngai vàng chuyển từ họ Lý sang Trần. Lúc đó, binh quyền ở triều đình rơi vào tay của người nhà họ Trần cả. Trần Thủ Độ là người có chủ trương sắt máu nên không dung người họ Lý trong triều đình. Sở dĩ Lý Long Tường chưa bị động đến sớm là do ông giữ binh quyền bên ngoài mà thôi. Tuy nhiên, tướng quân Lý Long Tường là người cơ trí nên ông hiểu tình thế lúc đó là "tẩu vi thượng sách".
|
Ảnh minh họa. |
Năm 1226, để bảo toàn tính mạng,
Lý Long Tường đã bí mật về Kinh Bắc, vái lạy tạ biệt lăng miếu Đình Bảng, tới Thái miếu thu gom các bài vị, các đồ tế khí, rồi trở lại Đồ Sơn cùng sáu ngàn gia thuộc qua cửa Thần Phù, Thanh Hóa chạy ra biển Đông trên ba hạm đội. Một cuộc sơ tán lớn như vậy phải có sự chuẩn bị rất kỹ càng thì mới có thể đưa được 6.000 người đi. Nhà Trần có thể biết điều đó nhưng vẫn không có động thái ngăn cản hay truy đuổi gì vì suy cho cùng, Lý Long Tường xuất bôn lại là điều có lợi với nhà Trần.
Cái hay của Lý Long Tường là ông không dừng chân tỵ nạn ở đất Tống dù từ Đồ Sơn sang Tống rất gần. Lý Long Tường chắc hẳn cũng biết nhà Tống khi ấy suy yếu trước áp lực của Kim, Mông ở phương Bắc nên e dè nhà Trần. Nếu sang Tống, có khi lại bị chính quyền nhà Tống dẫn độ về Đại Việt giống như trường hợp của Trần Doãn sau này. Chính vì thế Lý Long Tường không ghé thuyền vào Tống mà dong thẳng lên phía bắc.
Sau một tháng lênh đênh trên biển, đoàn thuyền gặp bão lớn phải ghé vào đảo Đài Loan. Khi Lý Long Tường quyết định lên đường thì con trai là Lý Long Hiền ốm nặng nên phải ở lại cùng 200 gia thuộc. Trên đường đi tiếp đoàn thuyền bị bão dạt vào Trấn Sơn, huyện Bồn Tân, tỉnh Hoàng Hải, trên bờ biển phía tây Cao Ly.
Vua Cao Tông của nước Cao Ly đã tiếp đón vị hoàng tử và đoàn tùy tùng lánh nạn từ Đại Việt sang. Bút đàm bằng chữ Hán đã giúp họ hiểu hoàn cảnh của nhau. Nhà vua cấp cho họ vùng đất ở Ung Tân để làm ăn sinh sống. Có tương truyền rằng trước đó Vua Cao Tông của Cao Ly nằm mơ thấy một con chim cực lớn bay từ phương Nam lên, vì vậy ông lệnh cho chính quyền địa phương tiếp đón ân cần, và đồng ý cho Lý Long Tường ở lại dung thân.
Lý Long Tường đã 52 tuổi, ông cùng gia nhân và binh sĩ bắt đầu cuộc sống mới trên xứ người với mọi nghề để sinh sống: vỡ đất, trồng rau, trồng cây, chăn nuôi, đánh cá... Mang nặng niềm thương nhớ cố quốc và ngày khôi phục lại giang sơn họ Lý, ông cho mở Độc thư đường dạy văn (thi phú, lễ nhạc, tế tự) và Giảng võ đường dạy võ (binh pháp, võ thuật).
Khi quân Mông Cổ còn chưa tiêu diệt xong nhà Kim, chưa ra mặt chiến tranh với nhà Tống và tất nhiên chưa giao phong với quân nhà Trần trên đất Việt thì đã được nếm mùi chiến tranh với người Việt trên đất Cao Ly. Thực vậy, Năm 1232, vua Mông Cổ là Ögedei (Oa Khoát Đài) chia quân hai đường thủy - bộ đánh sang Cao Ly.
Đường bộ, quân Mông Cổ tách làm hai, một cánh đánh thẳng vào kinh đô Khai Kinh, trung tâm nước Cao Ly, và một cánh quân đánh các tỉnh miền tây. Thủy quân Mông Cổ vượt giữa Trung Hoa và Cao Ly, tiến đánh tỉnh Hoàng Hải. Cuộc tấn công này đã bị đẩy lui. Lý Long Tường là một trong những tướng chỉ huy góp công đánh lùi quân Mông Cổ ở tỉnh Hoàng Hải. Khi ra trận, ông thường cưỡi ngựa trắng đôn đốc quân sĩ, nhân dân gọi ông là Bạch Mã Tướng quân.
Trong lần Mông Cổ đánh Cao Ly thứ 2 vào năm 1253 dưới thời Đại hãn Mông Kha thì vai trò của Lý Long Tường mới thật sự nổi bật. Quân Nguyên Mông do Đường Cơ chỉ huy tấn công Hoàng Hải cả đường thủy lẫn đường bộ. Lý Long Tường lãnh đạo quân dân trong vùng chống trả quân Nguyên Mông suốt 5 tháng ròng bằng binh pháp của Đại Việt do ông truyền dạy.
Tài liệu người Hàn còn chép Lý Long Tường cho xây pháo đài với 3 mặt dựng tường cao, một mặt để rào chắn. Quân Mông Cổ đánh vào nơi có rào chắn vì cho rằng chỗ đó dễ công phá nhất nhưng cứ vượt rào chắn là bị dội nước sôi và đá hộc. Quân Mông Cổ bắn pháo vào thì trong thành bắn pháo ra. Suốt 5 tháng, vó ngựa Nguyên Mông không thể vượt qua phòng tuyến của Lý Long Tường. Sau chiến công này, Vua Cao Ly đổi tên Trấn Sơn thành Hoa Sơn, phong Lý Long Tường làm Hoa Sơn Tướng Quân. Nơi quân Nguyên Mông đầu hàng gọi là Thụ hàng môn và Vua Cao Ly cũng cho lập bia tại đây để ghi công ông.
Ngoài Lý Long Tường là ông tổ họ Lý gốc Việt tại Hàn Quốc và Triều Tiên, tại đây còn có một họ Lý gốc Việt khác mà ông tổ là Kiến hải vương Lý Dương Côn con nuôi của vua Lý Nhân Tông.
Khoảng năm 1127 (gần 100 năm trước khi Lý Long Tường sang Cao Ly), Đô đốc Thủy quân Lý Dương Côn đã cùng tông tộc dùng thuyền sang Cao Ly tị nạn để tránh bị giết trong cuộc tranh giành ngôi báu lúc bấy giờ. Như chúng ta đã biết, Lý Nhân Tông không có con nên chọn nuôi khá nhiều người con trong hoàng thất trong đó có Lý Dương Hoán và Lý Dương Côn (sử chép: năm 1117, Thái hậu từ trần rồi mà Nhân Tông vẫn không có hi vọng về huyết mạch duy trì, bèn viết chiếu ban ra trong hoàng tộc, nói rằng: Trẫm cai trị muôn dân mà lâu không có con nối, ngôi báu của thiên hạ biết truyền cho ai? Vậy nên trẫm nuôi con trai của các công hầu Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng, chọn người nào giỏi thì lập làm Thái tử).
Sau Lý Dương Hoán (con của Sùng hiền hầu) được chọn làm thái tử rồi lên ngôi vua (tức Lý Thần Tông) năm 1228 còn Lý Dương Côn (con của Thành Quảng hầu) được phong Kiến Hải vương trấn thủ ở Đồ Sơn. Nhưng Lý Thần Tông giữ ngôi được 10 năm thì mất. Lúc đó, con Lý Thần Tông là Thiên Tộ mới 3 tuổi nên có người muốn chọn một vị hoàng tử là con nuôi thời Nhân Tông nối ngôi. Nhưng cuối cùng Lê thái hậu và quyền thần Đỗ Anh Vũ giữ được ngôi cho Thiên Tộ và tìm cách thủ tiêu các đối thủ chính trị khác.
Kiến hải vương Lý Dương Côn đang đóng quân ở Đồ Sơn đã đem gia quyến vưọt biển tị nạn. Chính Kiến hải vương Lý Dương Côn táp thuyền vào bờ biển Busan là một tỉnh cực Đông Nam của nước Cao Ly vào năm 1150. Hậu duệ của Lý Dương Côn là Lý Nghĩa Mẫn (Lee Ui Min). Thời vua Nghị Tông (Ui-jiong 1146-1170) Lý Nghĩa Mẫn được phong chức Biệt trưởng. Vua Minh Tông (Mycong 1170-1179) thăng cho ông là Thượng tướng quân (1174), là Tây Bắc Bộ binh Mã sứ (1178) và chức Tể tướng trong suốt 14 năm (1183-1196).
Theo Anh Tú/Một thế giới