|
Bác Hồ nói chuyện tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ ba tại trụ sở Bộ Ngoại giao (từ 16/12/1963 đến 16/1/1964). (Ảnh tư liệu) |
Tiết kiệm là một trong những đức tính cao cả của Bác Hồ mà chúng ta còn phải tiếp tục học nhiều hơn nữa. Những lời nói, mẩu chuyện sau đây đã trở nên nổi tiếng, được rất nhiều người biết, nên chúng tôi không trích dẫn nguồn mà chỉ sắp xếp lại.
Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước, lớn lên trong cảnh lầm than mất nước, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước chỉ với đôi bàn tay là phương tiện sống. Vì vậy, Người luôn trân trọng giá trị của lao động, đặc biệt là lao động của người khác. Đến với tư tưởng của Lê nin, Bác Hồ không chỉ tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn, và hơn thế, một sức hút mãnh liệt từ một nhân cách vĩ đại.
Năm 1924, vĩnh biệt Lê nin, Bác viết trên báo Le Paria: “Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động; đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy, đã ảnh hưởng lớn lao tới các dân tộc châu Á và đã khiến cho trái tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi”.
Trọn đời mình, Bác đã noi theo tấm gương đạo đức ấy và không ngừng truyền lại cho các thế hệ cán bộ và nhân dân ta. Trong tác phẩm Đường cách mệnh (xuất bản tháng 10/1927), Bác nêu 23 tiêu chuẩn đối với tư cách cán bộ, trong đó có 14 tiêu chuẩn đối với bản thân và tiêu chuẩn đầu tiên là: cần kiệm.
Hồ Chí Minh coi thực hành tiết kiệm là một quy luật, không phải chỉ nước nghèo mới tiết kiệm, mà nước giàu cũng phải tiết kiệm: “Một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm sỉ là một dân tộc giầu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ”. Nói về tiết kiệm, Bác Hồ cũng rất kiệm lời, cô đọng nhưng rõ ràng, cụ thể và thấm thía.
Bác Hồ đã viết nhiều về tiết kiệm, cả đời cần kiệm để giáo dục cán bộ và nhân dân. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 3/9/1945, trong muôn vàn khó khăn và ngổn ngang công việc, Bác đề ra sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ, trong đó Người kêu gọi mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm liêm, chính.
Đây là sợi chỉ xuyên suốt trong tư duy và hành động, được thể hiện không chỉ trên bài viết, bài nói chuyện, sách huấn luyện cán bộ, mà diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong suốt cuộc đời bình dị của Bác. Qua những sự kiện, mẩu chuyện của nhân chứng lịch sử, chúng ta càng hiểu và học được nhiều hơn triết lý sống của Người.
Tiết kiệm thời gian
Tháng 11/1945, mở đầu cuộc nói chuyện tại lễ tốt nghiệp khóa V, trường huấn luyện cán bộ Việt Nam, Bác đã thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8h bắt đầu, bây giờ 8h10 rồi mà nhiều người chưa đến... Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”.
Trong kháng chiến chống Pháp, một cán bộ cấp tướng đến làm việc với Bác muộn với lý do mưa to, lũ lớn, Bác bảo: “Chú làm tướng mà chậm 15 phút thì bộ đội của chú sẽ hiệp đồng sai đi bao nhiêu? Hôm nay chú đã chủ quan, không chuẩn bị đầy đủ các phương án, nên chú đã không giành được chủ động”.
Năm 1953, Bác có kế hoạch đến thăm một lớp chỉnh huấn thì trời mưa to dồn dập, xối xả ba tiếng đồng hồ, nước lũ cuốn xiết, nhưng Bác vẫn xắn quần lội nước đến đúng giờ, Người nói: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ. Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cả lớp học phải chờ uổng công”.
Tiết kiệm tiền của dân, của nước và của bản thân
Bác dành một phần tiền lương sau khi trừ các khoản chi tiêu để gửi tiết kiệm. Mùa Hè năm 1967, thấy tiết trời nóng, nắng chói chang, Bác nói với các đồng chí Văn phòng rút hết số tiền tiết kiệm trong sổ, được khoảng 25.000 đồng, tương đương với 60 lượng vàng thời bấy giờ, đem sang Bộ Quốc phòng gửi tặng bộ đội phòng không để uống nước giải khát. Số tiền đó đủ mua nước uống cho bộ đội phòng không không quân miền Bắc trong một tuần.
Cần kiệm vốn là phẩm chất tốt đã được Bác nâng thành đạo đức cách mạng. Tiết kiệm cho bản thân đã quý, nhưng cao hơn phải là chắt chiu công quỹ, sức dân. Bác có lần phê bình Thông tấn xã Việt Nam lãng phí giấy vì chỉ in bản tin một mặt. Sau đó, bản tin được in rônêô hai mặt, nhưng nhòe hơn. Đến năm 1969, khi Bác yếu, Thông tấn xã Việt Nam gửi bản tin in một mặt để Bác dễ đọc hơn. Xem xong, Bác giữ lại những tin cần thiết, còn chuyển cho Văn phòng cắt làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10/5/1969, Bác đã viết lại đoạn mở đầu bản Di chúc bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ngày 3/5/1969 của Thông tấn xã Việt Nam.
Ngày 17/1/1946, trong buổi nói chuyện với cán bộ phụ trách các ban, sở tại Hà Nội, Bác căn dặn: “Phải biết tiết kiệm đồng tiền kiếm được, cũng như các vật liệu và đồ dùng trong các sở… Chớ phao phí giấy má và các thứ của công. Phao phí những thứ đó là phao phí mồ hôi nước mắt của dân nghèo ... Có cần, có kiệm, không tiêu đến nhiều tiền, anh em viên chức mới có thể trở nên liêm, chính.”
Tiết kiệm công sức của người khác
Không chỉ cần kiệm trong cuộc sống kháng chiến thiếu thốn trăm bề, sau ngày độc lập, Bác Hồ cũng không ở tòa biệt thự trong phủ Toàn quyền Đông Dương, mà chọn căn nhà nhỏ dành cho người phục vụ ở góc vườn. Chính vì gần gũi với thiên nhiên và người lao động, Bác để ý thấy các đồng chí lao công trong vườn Phủ Chủ tịch hay quét rác về đêm. Bác hỏi thăm và biết rác chủ yếu là lá rụng. Bẵng đi một thời gian, năm 1955, nhân chuyến đi thăm Trung Quốc, Bác thấy có một loại cây ít rụng lá trong mùa đông, Bác đề nghị xin bạn một cây.
Khi về nước, Bác đã cho trồng thử bên nhà Bác ở cạnh ao cá và dặn anh em làm vườn: “Đây là loại cây có sức sống tốt, mùa đông ít rụng lá, các chú chăm sóc thử xem. Nếu cây chịu được khí hậu nước ta và phát triển tốt thì sau này nhân giống trồng trên các đường phố, để mùa đông các cô, các chú công nhân đỡ tốn công sức, đỡ vất vả khó nhọc”. Đến nay, cây này vẫn xanh tươi, tỏa bóng quanh năm trong khu Di tích Phủ Chủ tịch.
Khi về nhà sàn ở, hằng ngày, Bác vẫn đi bộ sang nhà ăn phía bên kia ao cá, kể cả những khi mưa to, gió lớn. Các đồng chí phục vụ xin phép Bác được mang cơm sang để Bác khỏi đi lại vất vả. Bác hỏi đồng chí phục vụ: “Thế mang cơm sang cho Bác cần mấy chú?”, “Dạ, thưa Bác, một đồng chí bê cơm, một đồng chí bê thức ăn và hai đồng chí đi kèm che mưa”, “Thế chú muốn một mình Bác vất vả hay muốn để nhiều người vất vả vì một mình Bác?”. Và cứ thế, cuộc sống hết sức bình dị của Bác mỗi ngày lại có thêm những mẩu chuyện đầy nhân văn để lại cho đời.
Bộ Ngoại giao có vinh dự và tự hào nhận được sự chỉ đạo, dìu dắt trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cương vị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thời kỳ mới thành lập. Những cuộc gặp gỡ, nói chuyện tại các Hội nghị Ngoại giao tuy không nhiều, nhưng tấm gương cần kiệm và những lời dạy của Bác là những bài học thiết thực và bổ ích, càng suy ngẫm càng thấm thía.
Năm 1957, Bác thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, Bác căn dặn phải ra sức tiết kiệm trong chi tiêu, tiết kiệm thời gian, tranh thủ học tập. Bà con ta ở trong nước làm đổ mồ hôi, sôi nước mắt, mới có miếng mà ăn. Vì vậy, để lãng phí, xa hoa là có tội với nhân dân.
Nói chuyện với cán bộ ngoại giao ngày 14/1/1964, Bác nói đại ý: Dân ta còn nghèo, nước ta còn nghèo. Toàn dân ta phải tiết kiệm, ngoại giao cũng phải tiết kiệm. Cán bộ ngoại giao ta ra ngoài cũng phải có hình thức sao cho gọn ghẽ, sạch sẽ là được, không nên xa xỉ, lãnh phí vô ích… Không thi đua với người ta được.
Đúng, ta không và không thể “thi đua” với các nước phát triển, có nền kinh tế mạnh hơn ta nhiều lần về sự xa hoa. Tinh thần tiết kiệm, chi tiêu hợp lý với thái độ đúng mực, chân thành và nội hàm quan hệ còn quan trọng hơn và góp phần làm nên Ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh. Điều này, ngành ngoại giao và cán bộ ngoại giao đã thấm thía và thực hành lâu nay. Mỗi đồng tiền chi tiêu ở nước ngoài phải thật hợp lý, tiết kiệm cũng chính là góp phần khoan thư sức dân.
Thông qua những lời dạy, những mẩu chuyện về phong cách tiết kiệm của Hồ Chí Minh, mỗi người chúng ta đều có thể tự rút ra những bài học sâu sắc để thực hành trong chính công tác của mình và trong cuộc sống hàng ngày.
Theo Phạm Việt Anh/ TGVN