Trong số ít những người phụ nữ nắm quyền của lịch sử phong kiến Trung Hoa, có lẽ không có tên tuổi nào vượt mặt được 3 người phụ nữ khét tiếng là Lữ hậu, Võ Tắc Thiên và Từ Hi.
Tuy nhiên nếu đem họ đặt lên bàn cân để so sánh, không khó để nhận thấy Võ Tắc Thiên được xem là người có tài cai trị hơn cả, Lữ hậu tuy có nhiều việc làm gây tranh cãi nhưng chung quy không ảnh hưởng tới căn cơ nhà Hán.
Như vậy trong số đó, duy chỉ có Từ Hi Thái hậu là người bị lên án và nhận nhiều chỉ trích nhất. Cho tới ngày nay, Lão Phật gia vẫn bị người đời chỉ trích vì xa xỉ, ham mê quyền lực và đã đưa ra những quyết sách sai lầm phá nát cơ nghiệp Thanh triều.
Đây cũng là lý do khiến Tây Thái hậu lúc sinh thời từng là chủ điểm của không ít lời đàm tiếu. Thế nhưng sự thực là ngay cả khi đã qua đời, bà vẫn bị không ít người đem lòng uất hận vì 3 di ngôn gây tranh cãi dưới đây.
Ba di ngôn gây tranh cãi của Từ Hi Thái hậu: Bề ngoài đều vì quốc gia đại sự
Để lại 3 lời trăng trối, Từ Hi muối mặt ngàn thu vì bị hậu thế bóc trần bản chất-2Sử sách thường miêu tả Từ Hi Thái hậu như một bạo chúa và phải chịu trách nhiệm cho sự suy tàn của Trung Hoa cuối thế kỷ XIX. (Ảnh: Nguồn Baidu).
Từ Hi Thái hậu (1835 – 1908) thường được gọi là Tây Thái hậu hay Hiếu Khâm Hiển Hoàng hậu. Bà là phi tần của Hàm Phong đế, mẹ ruột của vua Đồng Trị và cũng là Hoàng Thái hậu nhiếp chính của triều đình nhà Thanh trong 47 năm.
Sau gần nửa thế kỷ nắm quyền và gây ra không ít sóng gió cho vương triều này, Từ Hi đã buông tay trần thế vào năm 1908 ở tuổi 72.
Thông qua ghi chép của các tài liệu chính sử, Tây Thái hậu từng để lại một số di ngôn trước lúc qua đời. Trong số đó nổi bật hơn cả phải kể tới 3 đạo di chúc dưới đây.
Theo các ghi chép của Thanh cung, di chúc trọng yếu nhất của Từ Hi trước lúc qua đời chính là quyết định truyền lại ngai vàng cho Hoàng đế Phổ Nghi – con trai trưởng của Thuần Thân vương Tải Phong. Di ngôn này của bà được Trương Chi Động chép lại với sự chứng kiến của 2 nhân vật là Tải Phong và Lý Liên Anh.
|
Thực chất việc đưa Phổ Nghi lên ngôi cũng chỉ là một trong những nước cờ chính trị do Từ Hi toan tính để phục vụ cho những mục đích riêng của mình. |
Hai trong số ba di ngôn gây tranh cãi của vị Thái hậu này còn được ghi chép trong cuốn "Từ Hi ngoại truyện" do nhà báo người Anh là John Otway Percy Bland và Sir Edmund Backhouse ghi chép khi còn ở Trung Quốc.
Theo đó, Lão Phật gia trước lúc qua đời còn có lời căn dặn:
"Ta cả đời buông rèm nhiếp chính mấy lần, người không biết thì cho rằng ta tham lam quyền lực, nhưng thực tế thì thời thế khiến ta không thể không làm như vậy.
Thế nhưng từ nay về sau, phụ nữ không được phép tham dự quốc chính. Đó là làm trái với gia pháp của bổn triều, phải nghiêm ngặt hạn chế.
Việc càng cần làm nghiêm khắc hơn chính là, không cho phép thái giám được lạm quyền […]".
Xét trên một khía cạnh khách quan thì 3 di ngôn trên phần nào cũng thể hiện thái độ chuyên tâm đối với cục diện triều chính mà Từ Hi đã cất công thu xếp trước lúc ra đi.
Thế nhưng nếu đối chiếu những lời ấy với các hành động mà bà làm ra lúc sinh thời, thì di chúc của Tây Thái hậu lại càng khiến bà nhận về vô số lời chỉ trích ngay cả khi đã nhắm mắt xuôi tay.
Sự thật phía sau ba lời trăng trối đầy ẩn ý của Từ Hi: Hi sinh cho Thanh triều hay chỉ nhằm vào những toan tính riêng?
Theo phân tích của Sina, di chúc truyền ngôi cho Phổ Nghi thực chất cũng là một bước đi đầy toan tính và thể hiện rõ bản chất của Từ Hi Thái hậu.
Thực tế là hai đời Hoàng đế trước đó (gồm Đồng Trị và Quang Tự) đều đã trở thành những con rối trên bàn cờ chính trị của Lão Phật gia. Hơn nữa điểm đáng nghi ngờ còn nằm ở chỗ, vua Quang Tự chỉ đột ngột băng hà trước Từ Hi vẻn vẹn đúng 1 ngày.
Hậu thế đều biết, Quang Tự và Từ Hi cả đời tranh đấu, mối quan hệ chỉ dừng ở mức bằng mặt không bằng lòng. Tuy nhiên vì không thể đấu lại thế lực của Thái hậu, vị Hoàng đế ấy chỉ còn nước trông chờ vào thế mạnh duy nhất mà mình có – đó chính là tuổi trẻ.
Thế nhưng không ai ngờ có thể ngờ được rằng, một vị vua trẻ tuổi đương độ tráng niên cuối cùng lại đột ngột băng hà trước cả Từ Hi.
Kết quả khám nghiệm di cốt Quang Tự vào năm 2008 đã cho thấy, ông chết vì bị đầu độc bằng thạch tín. Dù chưa có manh mối nào khẳng định chắc chắn ai là người đứng sau việc này, nhưng Tây Thái hậu lại là nhân vật bị nghi ngờ nhiều hơn cả.
Và thực tế là cái chết của Quang Tự cũng là sự kiện dọn đường giúp Từ Hi đi nước cờ chính trị cuối cùng của cuộc đời mình. Đó là lập Phổ Nghi làm người kế vị.
Vậy tại sao Phổ Nghi lại là người được Lão Phật gia lựa chọn?
Theo lý giải của trang Sina, một trong những nguyên nhân chủ chốt khiến Từ Hi chọn Phổ Nghi làm tân đế là bởi khi đó ông chỉ mới 3 tuổi, còn Tây Thái hậu vẫn đang trông chờ bệnh tình bình phục để tiếp tục buông rèm nhiếp chính.
Và nếu quả thực có được may mắn này, thì việc nắm trong tay một Hoàng đế nhỏ tuổi sẽ giúp bà dễ dàng hơn trong việc thâu tóm và thao túng quyền lực.
Do đó, di ngôn truyền ngôi cho Phổ Nghi thực chất cũng thể hiện sự tham lam, toan tính của Từ Hi và càng khiến hậu thế thêm phần phẫn nộ.
Bên cạnh di chúc truyền ngôi, việc Từ Hi căn dặn không cho phép bất kỳ người phụ nữ nào được can dự triều chính. Tuy nhiên lời trăng trối ấy của bà cũng chẳng khác nào tự giáng một bạt tai vào mặt mình.
Có ý kiến cho rằng, câu nói trên ai cũng có thể nói ra, duy chỉ Từ Hi là không đủ tư cách. Bởi sau gần nửa thế kỷ làm Nữ hoàng không ngai, bà lại chặn đứng con đường quyền lực của những người phụ nữ đi sau, điều này cho thấy tâm tính ích kỷ luôn hiện hữu thường trực ở vị Thái hậu ấy..
Hơn nữa, Từ Hi buông rèm nhiếp chính ròng rã 47 năm với đủ mọi hành động lộng quyền. Do đó việc bà hạ lệnh cấm phụ nữ tham chính đương nhiên sẽ khiến nhiều người không phục.
Về di ngôn cấm hoạn quan can dự triều chính, đây cũng chẳng khác nào một hành động tự tố tội bản thân của Tây Thái hậu.
Thực tế là khi bà còn tại thế, bè lũ hoạn quan trong triều từ sớm đã dựa hơi quyền thế của Lão Phật gia mà dùng đủ mọi thủ đoạn hốt bạc, coi thường pháp luật kỷ cương.
Bấy giờ, những thái giám thân cận được Từ Hi sủng ái dù có phạm tội tày đình tới đâu thì chỉ cần có một câu tha mạng của bà là có thể phủi sạch mọi tội lỗi.
Những kẻ khét tiếng như Lý Liên Anh, An Đức Hải tuy không dám công khai can dự triều chính, thế nhưng khó có thể phủ nhận rằng các hoạn quan này cũng là tay chân âm thầm giúp Từ Hi làm rối loạn triều cục.
Mà hết thảy mọi sự lộng hành, cậy quyền cậy thế của bè lũ thái giám nói trên đều bắt nguồn từ sự sủng ái và thiên vị đến từ chính Lão Phật gia.
Vì vậy mà di ngôn này của bà cũng bị xem là một điều vừa nực cười, vừa bị coi là việc làm không biết xấu hổ.
Giờ đây mỗi khi nhắc tới 3 lời di ngôn của Từ Hi, hậu thế vẫn thường xem đó như một trò cười mà vị Thái hậu này tự bôi tro trát trấu lên thể diện của mình.
Chẳng những bóc trần đủ mọi tật xấu của Lão Phật gia, những lời trăng trối ấy còn thể hiện sự yếu kém và thiển cận của người phụ nữ nắm quyền khét tiếng Đại Thanh thời bấy giờ.
Nếu so sánh với Nữ đế Võ Tắc Thiên năm nào, Từ Hi quả thực vẫn còn kém xa. Bởi Võ Tắc Thiên năm xưa đã tình nguyện đem giang sơn trả lại cho nhà Lý Đường, lưu lại một đường lui cho gia tộc, đồng thời còn tình nguyện trở về vị trí của một Hoàng hậu để an táng cùng Đường Cao Tông.
Trong khi đó, cả cuộc đời Từ Hi chỉ một mực theo đuổi quyền lực, cho tới lúc chết vẫn không thể buông xuống sự ích kỷ và tham lam của mình. Vì vậy nếu xét về tài năng, phẩm chất hay nhân cách, Tây Thái hậu khét tiếng Đại Thanh chung quy vẫn thua xa vị Nữ đế họ Võ năm nào…
Theo Helino