Dưới nhiều áp lực đến từ trong và ngoài, lại thêm Thúy Kiều ngày đêm khuyên nhủ, lần này Từ Hải quyết ý quy thuận, cho sứ đến gặp Hồ Tông Hiến, đưa ra yêu sách về vàng bạc. Hồ Tông Hiến đáp ứng, Từ Hải bèn trả lại hơn 200 tù binh và cho rút quân khỏi Đồng Hương. Thấy thế, quân của Trần Đông đang vây ở đây cũng rút lui sau đó một ngày.
Tự chặt vây cánh
Hồ Tông Hiến liền ra yêu cầu với Từ Hải: “Nếu như quyết ý theo về thì nay vùng sông Ngô Tùng đang có giặc, sao không đến dẹp để lập công, lại lấy được nhiều thuyền làm kế lâu dài”. Khi Từ Hải đem quân tấn công nhóm hải khấu ở vùng Chu Kính thì Tông Hiến ngầm sai Tổng binh Du Đại Du phục binh sẵn đột kích đánh giết, đốt thuyền, Từ Hải kinh hoàng mở đường máu thoát vây. Để thể hiện quyết tâm hàng phục, Từ Hải cho em trai là Từ Hồng đến làm con tin, đem dâng những vật quý của mình dùng như mão phi ngư, giáp tốt, kiếm báu... cho Hồ Tông Hiến. Tông Hiến đãi Từ Hồng rất hậu và đề nghị Từ Hải phải bắt giao 2 đồng đảng Trần Đông, Ma Diệp thì triều đình xét công đầu.
Đến nước này thì tình nghĩa giang hồ cũng cạn, Từ Hải đành ra tay với Ma Diệp trước vì dễ đối phó hơn Trần Đông. Thuộc hạ của Ma Diệp cũng bị bắt hàng trăm tên. Từ Hải không ngờ rằng sau khi áp giải tới thì người cởi trói và đưa Ma Diệp lên ghế thượng khách chính là Hồ Tông Hiến.
|
Sơ đồ thế trận giữa quân triều đình và cướp biển. |
Ma Diệp nhanh chóng nhận được nhiệm vụ của Hồ tổng đốc: Viết một bức thư cho Trần Đông và thuộc hạ kể tội Từ Hải và đề nghị Trần Đông nhanh chóng dốc toàn lực đánh Từ Hải để báo thù.
Thư gửi cho Trần Đông nhưng người nhận được chính là Từ Hải. Hồ Tông Hiến thực hiện quỷ kế này là sợ Từ Hải phản phúc vô thường, liên kết trở lại với Trần Đông thì khó đối phó. Từ Hải đọc thư, nộ hỏa xung thiên. Theo “Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt” của Mao Khôn thì: “Hải đọc thư, nước mắt chảy ra, càng biết ơn Hồ công đã không nỡ để yên cho Đông thực hiện giết Hải, nên Hải lo tính việc bắt Đông để báo đền”. Đang đêm, Từ Hải bắt Trần Đông nộp cho Hồ Tông Hiến.
Chính thức quy hàng
Trần Đông và Ma Diệp đều bị bắt, các đầu mục dưới quyền vừa sợ vừa oán hận Từ Hải, không còn lòng dạ chiến đấu. Hồ Tông Hiến cho người đến gặp Từ Hải và bảo rằng: “Ta muốn khoan dung nhưng Thượng thư Triệu Văn Hoa cho rằng ngươi có tội lớn. Sao không nghe ta lập mưu đuổi bọn giặc ra biển, nhân dịp giết bắt hàng ngàn tên để lập công với Thượng thư họ Triệu thì mọi việc sẽ hoàn thành”.
Từ Hải bất đắc dĩ phải theo, ước hẹn rằng: “Cho Phó sứ binh bị họ Lưu mang binh phục sẵn nơi thành Sạ Phố, đúng ngày giờ đó thì tôi sẽ mang quân đến dàn trận cách thành Sạ Phố nửa dặm, làm bộ ra lệnh đuổi bọn Oa khấu lên thuyền. Sau đó, tôi sẽ phất cờ, trong thành đốt lửa làm hiệu, rồi xông ra đánh, đừng để mất cơ hội”.
Quan binh đã ước hẹn sẵn, thừa dịp ra đánh. Bọn giặc trong lúc tranh nhau lên thuyền đông như kiến, không kịp quay lại chống cự nên quan binh thừa cơ giày xéo, giết chóc vô số kể. Sào huyệt Sạ Phố tan vỡ, Từ Hải nghĩ rằng mình nhiều lần lập công, hẳn được triều đình xóa tội nên chấp nhận hàng vô điều kiện.
Việc này trong Minh sử chép: “Hải lập kế trói Trần Ðông đem dâng, mang 500 quân đến Sạ Phố đóng doanh tại Lương Trang; quan quân đến đốt phá sào huyệt Sạ Phố, giết hơn 300 người. Hải xin hàng trong ngày, vội đến trước giờ hẹn, lưu giáp sĩ ngoài thành Bình Hồ, đốc suất tù trưởng hơn 100 tên, đồng phục giáp trụ đi vào. Bọn Văn Hoa sợ, không muốn chấp nhận. Tôn Hiến cưỡng lại cho vào. Hải cúi đầu nhận tội, Tôn Hiến xoa đỉnh đầu Hải phủ dụ”.
Mượn Đông diệt Hải
Sau khi quy hàng, Từ Hải rất nghênh ngang, dân chúng oán khổ trách Hồ Tông Hiến “dưỡng hổ di họa” nhưng không biết rằng Hồ Tông Hiến đã lập sẵn mưu sâu, bàn với các quan rằng: “Tôi nghe rằng kẻ giỏi dụng binh phải thừa chỗ sơ hở của địch. Nay xét Từ Hải và Trần Ðông vốn có thâm cừu, nếu ở gần nhau chắc sẽ sinh chuyện”.
Theo “Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt”, chẳng bao lâu sau, quân Vĩnh Bảo của triều đình đến. Tông Hiến lại ra lệnh cho Trần Ðông viết thư gửi đồ đảng rằng: “Từ Hải đã ước hẹn với quan binh hợp sức tiêu diệt bọn các ngươi”. Ðồ đảng của Trần Ðông nghi ngờ nên ban đêm cho phục kích tại con đường phía đông Thẩm Gia Trang để thăm dò nhất cử nhất động của Từ Hải.
Việc xung đột tất yếu giữa hai bên đã xảy ra như kịch bản của Hồ Tông Hiến. Trong một đêm tối, quân Trần Đông dốc toàn lực vượt sang tấn công, đốt phá doanh trại Từ Hải. Trong lúc khẩn cấp, Từ Hải sai thủ hạ bí mật dẫn 2 thị nữ chạy lánh nạn nhưng bị quân Trần Ðông bắt được đưa ngang qua chỗ Từ Hải. Từ Hải thét rằng: “Ta chết thì tất cả cùng chết”, rồi vung giáo giao chiến. Từ Hải bị đâm trúng đùi, thuộc hạ rối loạn. Sáng hôm sau thì quân triều đình kéo đến, Hồ Tông Hiến đích thân dốc toàn lực tấn công. Từ Hải cùng đường phải nhảy xuống sông tự tử.
Về cái chết của Từ Hải, chính sử chỉ chép 7 chữ: “Hải quẫn thậm, toại trầm hà tử” (Hải đường cùng, bèn nhảy xuống sông chết). Tiếp đó, “quân Vĩnh Bảo bắt 2 thị nữ của Từ Hải để hỏi Hải ở đâu. Hai thị nữ xưng họ Vương, một người tên Thúy Kiều, một người tên Lục Châu, vốn xuất thân từ ca kỹ. Cả hai khóc và chỉ chỗ Từ Hải trầm mình, quân Vĩnh Bảo bèn nhảy xuống sông, chém lấy thủ cấp Từ Hải mang về”.
Thúy Kiều hại Từ Hải
Hầu hết các sách sử đời Minh đều chép sơ lược về cái chết của Từ Hải và cũng không xác định được ông chết do bị giết hay tự tử. Mãi đến đầu đời Thanh, trong “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân mới “tiểu thuyết hóa” cái chết của Từ Hải (Từ Minh Sơn) với sự hiện diện của Thúy Kiều: “Phu nhân hại ta! Phu nhân hại ta!”, thở dài mà chết. Thế nhưng, xác Từ Hải vẫn đứng sững suốt hai canh giờ, trơ trơ sừng sững, không sao đẩy ngã. Liền đó, quân đưa Thúy Kiều tới, thấy vậy bèn lạy tử thi mà nói: “Đại vương, thiếp thực đã hại chàng, nay không dám sống một mình để đền ân đức sâu dày của đại vương”. Nói xong thì khóc lớn. Thây Từ Hải bỗng chớp mắt, lệ tuôn như mưa đổ, xác bèn ngã theo.
Theo Người lao động