Cần thiết phải xây dựng lực lượng bảo vệ cách mạng
Xuất phát từ quan điểm bạo lực cách mạng, ngay từ khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định con đường kiên quyết dùng bạo lực cách mạng, coi trọng việc xây dựng lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang để chống địch khủng bố, bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở và phong trào cách mạng.
Theo định hướng đó, mở đầu cho các phong trào cách mạng của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng là cuộc bãi công của 5.000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng nổ ra ngày 03/02/1930. Trong cuộc bãi công này, lần đầu tiên hình thành “Xích vệ đội” là tổ chức vũ trang của Đảng có nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ cuộc đấu tranh của công nhân.
|
Đội Tự vệ đỏ xã Phúc Sơn (Anh Sơn). Ảnh Tư liệu. |
Khi phong trào cách mạng ở Nghệ - Tĩnh phát triển đến đỉnh cao với các cuộc biểu tình ngày càng quyết liệt; ngày 31/3/1930, dưới sự lãnh đạo của huyện ủy Thanh Chương, nhân dân các làng, xã thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An khẩn trương chuẩn bị cho cuộc tổng biểu tình.
Những người hăng hái, dũng cảm nhất trong lực lượng tự vệ xung phong vào các đội Tự vệ cảm tử, Tự vệ oanh liệt, còn gọi là Xích vệ, Tự vệ đỏ. Một số nơi ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An đã tổ chức các đội Xích vệ.
Đội nữ Xích vệ làng Yên Phúc, huyện Anh Sơn với 30 đội viên do chị Nguyễn Thị Nhuyễn chỉ huy, đã trừng trị 11 tên cường hào, gian ác ở địa phương và tham gia tiêu diệt tên Pơ-ri (Perie), Đồn trưởng Đồn Dừa (Anh Sơn), góp phần bảo vệ cơ sở của Đảng và quần chúng cách mạng.
Trong số 631 làng của các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Anh Sơn, Can Lộc, Thạch Hà thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, có 9.050 đội viên Tự vệ đỏ, trong đó có 322 đội viên Tự vệ cảm tử ở huyện Can Lộc và hàng trăm đội viên Tự vệ nữ.
Nhiệm vụ của các Đội tự vệ đỏ trong phong trào Xô-viết Nghệ - Tĩnh là bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền Xô-viết và phong trào cách mạng.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao, Trung Quốc, từ 27-31/3/1935, đã có riêng một Nghị quyết về Đội tự vệ, trong đó chỉ rõ: “Đối đầu với khủng bố trắng thì vấn đề hộ vệ quần chúng hằng ngày và trong các cuộc tranh đấu là vấn đề cần thiết quan trọng cho cách mạng tiến hành. Đảng Cộng sản đã có chủ trương và thực hành tổ chức tự vệ đội của công nông.
Hiện nay làn sóng cách mạng mới đã tràn khắp Đông Dương, thì vấn đề tự vệ đội là vấn đề hiện tại cần phải giải quyết ngay, hướng theo ánh sáng của kinh nghiệm cách mạng vận động trong xứ và toàn thế giới”.
Nghị quyết đánh dấu bước trưởng thành quan trọng của Đảng trong công tác xây dựng lực lượng vũ trang bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng ở cơ sở; những vấn đề có tính nguyên tắc về xây dựng Đội tự vệ được đề cập một cách cơ bản và có hệ thống.
Trong bối cảnh phong trào cách mạng vừa qua đợt khủng bố trắng của kẻ thù, hệ thống tổ chức Đảng và phong trào cách mạng mới được khôi phục, những nghị quyết mà Đại hội lần thứ nhất của Đảng thông qua, trong đó có Nghị quyết về Đội tự vệ.
Điều đó đã chứng tỏ Đảng ta luôn kiên định lập trường giai cấp, thấm nhuần quan điểm quần chúng và quan điểm thực tiễn của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, sớm nhận thức vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết phải xây dựng lực lượng bảo vệ cách mạng.
Các đội tự vệ ra đời
Những năm 1939-1945, khí thế cách mạng của quần chúng phát triển mạnh mẽ, phong trào cách mạng giải phóng dân tộc dâng cao trong toàn quốc, Đảng chủ trương xây dựng các đội tự vệ với nhiều hình thức, phương thức hoạt động phong phú, đa dạng.
Có thể kể tên như Đội Hộ lương, diệt ác ở Cao Bằng và một số tỉnh Việt Bắc; Đội Trừ gian ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; Ban Công tác đội bảo vệ An toàn khu; Đội Danh dự Việt Minh ở Hà Nội; Đội Tự vệ ở Trung Kỳ.
|
Đội Tự vệ đỏ ở Hòa Quân, Đông Sớ, Nghệ An trong cao trào Xôviết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931. Ảnh tư liệu. |
Ở một số địa phương, lực lượng tự vệ được tổ chức dưới các tên gọi Vũ trang dân chúng đội, Xung phong đội, Tiền quân phục quốc đội, Thanh niên xích vệ đội... Hoạt động của các tổ chức này tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ phong trào cách mạng, bảo vệ quần chúng Nhân dân.
Năm 1940, các đội tự vệ, du kích đã phát triển ngay trong các nhà máy, cơ sở công nghiệp giữa lòng Sài Gòn, làm nhiệm vụ bảo vệ cán bộ, cơ sở cách mạng, chuẩn bị các hoạt động biểu tình, đấu tranh vũ trang.
Tháng 11 năm 1941, tỉnh ủy Cao Bằng thành lập Đội Tự vệ cứu quốc với nhiệm vụ bảo vệ lãnh tụ, bảo vệ cơ quan lãnh đạo của Đảng, bảo vệ căn cứ địa, giữ vững đường giao thông liên lạc, làm công tác tuyên truyền và huấn luyện cho lực lượng tự vệ cứu quốc địa phương.
Năm 1942, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ thị phân tán Đội Tự vệ cứu quốc, đưa cán bộ, đội viên về các nơi xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, tích cực và chủ động chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với những cuộc khủng bố của địch.
Cuối năm 1942, ở cả 9 châu của tỉnh Cao Bằng đều tổ chức các Hội Cứu quốc. Công tác tuần tra, canh gác, bảo vệ làng bản, bảo vệ các cuộc mít-tinh, hội họp, bảo vệ và đưa đón cán bộ hoạt động, chống sự thâm nhập của bọn mật thám, lính dõng đều do các đội Tự vệ cứu quốc đảm nhiệm.
Tháng 4 năm 1944, Trung ương Đảng quyết định xây dựng ATK II, nối liền với ATK I, tạo thành một an toàn khu rộng lớn, nối liền Hà Nội với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Cao Bằng.
Đội công tác đặc biệt bảo vệ ATK II do đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, Bí thư Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang, trực tiếp phụ trách; phối hợp với lực lượng tự vệ địa phương tuyên truyền cho quần chúng về tinh thần cảnh giác cách mạng, thực hiện khẩu hiệu “ba không” và cách thức truyền tin, báo động khi có địch lùng sục,...
Thời kỳ tiền khởi nghĩa, phong trào cách mạng ở Tuyên Quang phát triển mạnh mẽ; cơ sở Mặt trận Việt Minh được xây dựng tại các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Na Hang.
Sau khi được huấn luyện về kinh nghiệm tự vệ, tổ chức quần chúng, công tác binh vận, các đội tự vệ địa phương cùng lực lượng vũ trang đã hỗ trợ cho quần chúng vùng lên giành chính quyền ngay tại khu căn cứ địa.
Mặt trận Việt Minh, các địa phương ra sức xây dựng lực lượng cách mạng, đặc biệt là lực lượng tự vệ, du kích.
Trong Chỉ thị về “Sửa soạn khởi nghĩa”, ngày 07 tháng 5 năm 1944, Tổng bộ Việt Minh nêu rõ: “Đội tự vệ cứu quốc là một thứ tổ chức gồm những người hăng hái, tinh nhanh, khỏe mạnh, họp lại thành từng đội nhỏ để canh gác, dò xét quân địch; thông tin cho đoàn thể; lúc quần chúng tranh đấu thì mang khí giới ủng hộ cho quần chúng, lúc các chiến sĩ khai hội hay đi lại thì tự vệ cho các chiến sĩ. Đây là công việc ngày thường của đội tự vệ. Còn trong khi khởi nghĩa, thì bổn phận của nó là giúp đỡ các đội du kích về mọi mặt ”.
Đêm 9/3/1945, phát-xít Nhật đảo chính chiếm Đông Dương. Nắm bắt thời cơ thuận lợi về mâu thuẫn giữa phát-xít Nhật và thực dân Pháp, ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
Các đội trinh sát, đội trừ gian, đội tự vệ cứu quốc vừa làm nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ, vừa trừng trị những tên Việt gian tay sai của Pháp, Nhật. Tại tỉnh Cao Bằng, Đội Hộ lương, diệt ác của Việt Minh đã trừng trị tên Chánh án ngay tại nhà riêng của y; diệt tên Tổng đoàn Hoàng Phài khi tên này đang chỉ huy lính dõng lùng bắt cán bộ cách mạng; diệt tên Chánh Hinh tự phong là “Tư lệnh Cao-Bắc-Lạng”.
Ở tỉnh Bắc Kạn, Đội Tự vệ xử bắn Tri châu Đồng Phúc Quân và một số tay sai của Nhật. Tại tỉnh Hà Giang, Đội Tự vệ Nà Sài đã theo dõi và bắt hai tên gián điệp Nhật giao cho cán bộ Việt Minh xử lý; Đội Tự vệ Yên Định (Bắc Mê) bắt 6 tên mật thám Nhật đang lén lút xâm nhập khu căn cứ.
Ở tỉnh Tuyên Quang, Đội Trinh sát vũ trang trừ gian đã trừng trị 3 tên Việt gian thân Nhật có nhiều tội ác với nhân dân.
Lúc này, nhiều địa phương đồng bằng và trung du Bắc Bộ thành lập các đội trừ gian, đội trinh sát làm nhiệm vụ nắm tình hình và trừ diệt mật thám tay sai Nhật, đồng thời cảnh cáo, thuyết phục những phần tử lừng chừng, lôi kéo họ đứng về phía cách mạng.
Ngày 15/5/1945, Xứ ủy Bắc Kỳ thành lập Đội Danh dự trừ gian, sau đổi là Đội Danh dự Việt Minh, biên chế thành nhiều nhóm, hoạt động ở thành phố Hải Phòng, tỉnh Hải Dương và thành phố Hà Nội để nắm tình hình, tổ chức trừ diệt mật thám tay sai Nhật, Pháp.
Những hoạt động diệt ác, trừ gian, trấn áp lưu manh, côn đồ,… ở cả vùng nông thôn và ở thành thị đã có tiếng vang lớn, góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng, phát huy khí thế của quần chúng, thúc đẩy nhanh sự tan rã của địch, tạo điều kiện thuận lợi để tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân trong toàn quốc.
Tổ chức Công an Nhân dân đầu tiên
Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, chớp thời cơ từ ngày 18/8-26/8/1945, các địa phương lần lượt khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.
Tại thành phố Huế, ngày 20/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa tỉnh được thành lập và quyết định giành chính quyền vào ngày 23/8/1945.
|
Đội trinh sát - Sở Công an Bắc Bộ điều tra khám phá vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội ngày 12/7/1946. Ảnh tư liệu. |
Hàng vạn nhân dân nội, ngoại thành kéo về trung tâm biểu tình thị uy, kéo về các công sở giành chính quyền. Sau khi tuyên bố xóa bỏ các cơ quan đàn áp của chế độ cũ, ta lập Sở Trinh sát, hầu hết các tỉnh thuộc Trung Bộ đều thành lập Ty Trinh sát, ở Nghệ An, Hà Tĩnh thành lập Công an Cục.
Tại thành phố Sài Gòn, Xứ ủy Nam Kì quyết định khởi nghĩa vào ngày 25/8/1945. Sáng ngày 25/8 quần chúng Nhân dân Sài Gòn đã tiến hành khởi nghĩa, chiếm trụ sở cơ quan chính quyền địch và trong ngày, Sài Gòn đã giành được chính quyền.Cùng với việc ra mắt ủy ban hành chính, ta lập Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ gồm 11 bộ phận, các bộ phận quan trọng đều do các đồng chí đảng viên phụ trách.
Khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn đã tác động mạnh đến các địa phương trong cả nước. Đến ngày 28/8/1945, hai tỉnh Đồng Nai Thượng và Hà Tiên đã giành chính quyền.
Cách mạng Tháng Tám thành công trong cả nước. Ngày 30/8/1945, trong cuộc mít tinh lớn có hàng vạn quần chúng tham gia, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị và trao ấn tín cho cách mạng, đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến Việt Nam.
Vậy là, chỉ trong vòng nửa tháng, cuộc tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.
Cùng với thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, lực lượng Liêm phóng Bắc Bộ, Trinh sát Trung Bộ, Quốc gia tự vệ cuộc Nam Bộ được thành lập. Đây là các tổ chức Công an Nhân dân đầu tiên.
Các lực lượng này đã bắt và trấn áp những tên cầm đầu các đảng phái phản động, những tên quan lại, tay sai của Pháp và phát xít Nhật, kịp thời thu giữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu. Cùng với những hoạt động trấn áp bọn phản cách mạng, lực lượng Liêm phóng Bắc Bộ và Tự vệ chiến đấu, Công nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc đã bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Chính phủ lâm thời từ căn cứ về Hà Nội.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ ộng hòa.
Nhiều địa phương trong cả nước cũng tổ chức mít tinh chào mừng ngày Quốc khánh 2/9. Lực lượng Liêm phóng, Cảnh sát, Trinh sát quốc gia và tự vệ quốc đã bảo vệ an toàn các cuộc mít tinh.
Từ những đội "Tự vệ đỏ" của thời kỳ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 đến các đội "Tự vệ công nông", "Danh dự trừ gian", "Trinh sát Việt Minh"... trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, các tổ chức tiền thân nói trên đã cùng các lực lượng chính trị và vũ trang của quần chúng cách mạng nổi dậy đập tan các công cụ đàn áp của chế độ cũ giành chính quyền về tay nhân dân, thiết lập trật tự mới của cách mạng.
Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đã đập tan bộ máy thống trị của phát xít Nhật và thực dân Pháp, các tổ chức đầu tiên của Công an như Đội Liêm phóng, Đội Cảnh sát Bắc Bộ; Đội Trinh sát Trung Bộ, Đội Quốc gia tự vệ ở Nam Bộ lần lượt được ra đời.
Các cấp bộ Đảng đã cử cán bộ, đảng viên trung kiên trực tiếp phụ trách các tổ chức chuyên chính này. Những quần chúng tốt, những thanh niên của các đoàn thể cứu quốc xung phong đầu quân vào các tổ chức đầu tiên của lực lượng Công an Nhân dân.
Ngày 19/8 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam. Tuy các tổ chức đầu tiên của Công an ba miền lúc mới ra đời có tên gọi khác nhau nhưng đều có chung nhiệm vụ đấu tranh, trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng mới ra đời, bảo vệ nhân dân.
Đại tá TS. Nguyễn Thành Hữu - Nguyên cán bộ nghiên cứu lịch sử Bộ Tổng Tham mưu