TS Nguyễn Tùng Lâm: "Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn nguyên giá trị lịch sử

Google News

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" là bỏ mất một giá trị văn hóa mang tính lịch sử của dân tộc thời kỳ Nho giáo phát triển.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng về đề xuất bỏ khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".
TS Nguyen Tung Lam:
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng. (Ảnh: Nghĩa Đức). 
"Đức" và "Tài" luôn gắn bó chặt chẽ và không thay đổi thứ tự
Thưa TS Nguyễn Tùng Lâm, theo ông khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đã đóng vai trò thế nào trong lịch sử?
- "Tiên học lễ, hậu học văn" là giá trị văn hóa đã tồn tại trong quá trình phát triển lịch sử. Ông cha ta sử dụng câu nói đó để nhắc nhở việc đi học thì phải học "lễ" - cái đạo lý làm người trước, học "văn"- là kiến thức, là việc tiếp theo phải làm.
Trong thời đại hiện nay, chúng ta vẫn đang sử dụng và yêu cầu như vậy. Tức là mối quan hệ giữa đạo đức và kiến thức, cách nói đó dùng để chú ý về việc rèn luyện đạo đức cho học sinh. Bản thân mỗi bạn học sinh khi đến trường thì đều phải có ý thức.
Khẩu hiệu đó có vai trò lịch sử và tất cả chúng ta đều phải tôn trọng cái giá trị lịch sử được đúc kết từ đời xưa. Nếu bỏ đi khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" là sẽ mất đi một truyền thống tốt đẹp của lịch sử dân tộc.
Còn ngày nay, nếu nói sang thời đại mới khẩu hiệu đó hết vai trò lịch sử là cũng không đúng. Nhưng có nên dùng khẩu hiệu này một cách phổ biến hay không là vấn đề phải được xem xét kỹ lưỡng, vì nhiều chữ Hán, học sinh hiện nay không nắm được.
Một khẩu hiệu mà mất công giải thích thì có nên phổ biến hay không, đó là điều chúng ta phải suy ngẫm.
Vậy "đức" và "tài" có mối quan hệ như thế nào với nhau ra sao và trong thời đại mới chúng ta có nên hoán đổi vị trí cho phù hợp?
- Trong bối cảnh đổi mới giáo dục - đào tạo, GS Trần Ngọc Thêm muốn mối quan hệ giữa đức và tài phải đưa sự sáng tạo lên trước, đặt cái tài đứng trước cái đức.
Thật ra, mối quan hệ giữa tài và đức luôn luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Việc đó được thể hiện bằng hành vi, nhân cách của con người chứ không chỉ qua lời nói.
Nếu lễ nghĩa chào hỏi nhau nhưng tâm không sáng, lòng không trong thì cũng không có ý nghĩa gì. Nhưng nếu bạn nói được mà lại không làm được gì, không cống hiến cho xã hội, đất nước thì cũng chẳng có giá trị gì.
Bác Hồ đã từng nói: "Có tài mà không có đức thì là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó".
Tôi cho rằng điều gì do lịch sử để lại, thì ta phải tôn trọng cái tính lịch sử của nó. Chúng ta vẫn có thể sử dụng những giá trị cũ đó gắn với những quan niệm hiện đại, không việc gì phải bỏ đi cả. Trong cái giá trị văn hóa vốn đã tồn tại tính lịch sử, ta phải tôn trọng quá trình hình thành phát triển của nó để từ đó mà phát huy, xem xét, trưng cầu ý kiến mọi người. Nếu chưa có ta vẫn phải dùng biểu trưng cũ.
Những điều hay ý đẹp thì ta tiếp tục dùng, những điều khó hiểu thì ta phải dùng ít đi, hoặc phải giải thích khi dùng. Những lá cờ, những biểu chương ví dụ như của Đội Thiếu niên dùng hình ảnh búp măng. Những hình ảnh đó vốn đã mang tính biểu tượng từ xưa, nếu người trẻ ngày nay có sáng kiến dùng những hình ảnh khác thì có thể đưa ra để xem xét.
Nếu cứ tôn trọng cái gốc, bảo tồn giá trị lịch sử thì liệu có kìm hãm, không công nhận cái sáng tạo, cái mới?
- Quan điểm của tôi là không nên phủ nhận những giá trị lịch sử và vai trò của nó trong suốt hành trình phát triển của dân tộc. Nếu mà xuất hiện những ý tưởng mới có cùng quan điểm thì phải qua xem xét, qua quá trình sử dụng rồi mới đưa vào thực tiễn lâu dài được.
Không thể vì những quan điểm hiện đại chú trọng sáng tạo mà quên đi sự phát triển của quá khứ. Phải tôn trọng quá trình phát triển của lịch sử, phải tiếp thu và phát huy những giá trị đó. Nhưng cũng không nên bám chặt vào những quan điểm đã cũ mà phải kế thừa và thay đổi nó đi sao cho phù hợp với thời đại.
"Tiên học lễ, hậu học văn" vẫn nguyên giá trị
Nhiều trường học đã sử dụng khẩu hiệu khác nhau chứ không chỉ dùng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn". Hiện, trường Đinh Tiên Hoàng đang dùng khẩu hiệu gì, thưa TS?
- Mỗi khẩu hiệu có một ý nghĩa riêng, gắn liền với một triết lý giáo dục. Không phải ngẫu nhiên một khẩu hiệu có từ hàng nghìn năm trước vẫn được các trường học ngày nay sử dụng.
Chúng tôi đã nêu cao khẩu hiệu "Dạy tốt, Học tốt". Đối với trường Đinh Tiên Hoàng thì suốt 30 năm nay chúng tôi đã thay thế bằng khẩu hiệu: "Vì ngày mai lập nghiệp, kỷ luật tốt, học tập tốt, nói lời hay, làm việc tốt".
Có ý kiến cho rằng: Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đã hoàn thành sứ mệnh trong giai đoạn phát triển của đất nước, của ngành giáo dục. Và giờ, cần cân nhắc kỹ khi sử dụng trong các nhà trường, cần phải thay đổi. Quan điểm của ông ra sao?
- Tôi cho là mỗi trường nên tìm một khẩu hiệu phù hợp với ngôi trường của mình, miễn sao nó tôn vinh được những giá trị văn hóa giúp học sinh hình thành phẩm chất và năng lực mà mục tiêu mỗi cấp học đã nêu và cố gắng gắn với giá trị lịch sử của dân tộc, lấy đó làm gốc để phát triển và sáng tạo thì càng tốt.
Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" có thể sẽ khó hiểu, khi sử dụng phải giải thích rõ ràng gốc rễ thì học sinh mới có thể hiểu tường tận ý nghĩa. Chúng ta phải tôn trọng tính lịch sử và giá trị của quan niệm này, dù ở giai đoạn nào thì khẩu hiệu này vẫn luôn có giá trị.
Vậy muốn thúc đẩy tính phản biện, sáng tạo của học sinh thì có những giải pháp như thế nào thưa ông?
- Hiện nay chúng ta đang học thuộc lòng quá nhiều mà chưa vận dụng được kiến thức vào cuộc sống. Xã hội thời kỳ 4.0 đang đòi hỏi tính sáng tạo thì học sinh phải học đi đôi với hành, luôn luôn phải tìm khám phá những chân lý khoa học để áp dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn. Đó chính là điểm yếu của nhiều trường học hiện nay khi cho học sinh phải tập trung vào học thuộc những bài văn mẫu chẳng hạn.
Trường Đinh Tiên Hoàng đã có cách dạy và học cho học sinh phát huy tính sáng tạo thúc đẩy tư duy, sáng tạo cho học sinh như thế nào?
- Chúng tôi đã xây dựng cho học sinh "5 tự": Biết tự học sáng tạo; biết sống tự chủ, tự tin, tự trọng và tự chịu trách nhiệm trước mọi hành vi của mình.
TS Nguyen Tung Lam:
Lễ Tri ân và Trưởng thành của học sinh lớp 12 trường Đinh Tiên Hoàng.
Chúng tôi yêu cầu mỗi thầy cô sau mỗi học kỳ, một năm học giúp học sinh có những thay đổi, chuyển biến nhất định. Đó là điều quan trọng nhất, phải biến giáo dục của thầy cô và nhà trường thành sự tự giáo dục của chính mỗi học sinh. Trong giá trị đạo đức thì có rất nhiều thứ phải giáo dục cho học sinh nhưng mỗi nhà trường phải chọn cho mình một số giá trị cốt lõi, phù hợp với từng đối tượng học sinh và nhu cầu của xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Tùng Lâm!
Theo Văn HIền - Hà Chi/Dân Trí