Kiến thức không thể đi tắt, mua bằng tiền
“Mỗi năm hoa đào nở/Lại thấy ông đồ già/Bày mực Tàu giấy đỏ/Bên phố đông người qua”, hình ảnh xin chữ, cho chữ tưởng chỉ còn trong thơ Vũ Đình Liên thì giờ vẫn có thể bắt gặp ở nhiều nơi vào ngày đầu năm mới, đặc biệt là ở Văn Miếu, Quốc - Tử Giám. Ông lý giải thế nào về tập tục này, thưa TS Lê Trung Kiên, Đốc giáo Nhân Mỹ Học đường, Phó Trưởng ban Hội Chữ xuân Giáp Thìn 2024?
|
TS Lê Trung Kiên, Đốc giáo Nhân Mỹ Học đường, Phó Trưởng ban Hội Chữ xuân Giáp Thìn 2024. |
Những ngày đầu năm, người dân trên mọi miền Tổ quốc tới những thắng tích, di tích, nơi lưu giữ những dấu ấn của sự học, mà tiêu biểu là Văn Miếu Quốc Tử Giảm để xin chữ.
Từ học sinh, những người buôn bán, những người làm công ăn lương, thậm chí chỉ là người dân thường đều muốn xin một con chữ cho riêng mình mong muốn, thôi thúc riêng. Tuy nhiên, nó có một xuất phát điểm cao nhất, từ trong truyền thống dân tộc, đó là tinh thần hiếu học, sùng văn thượng học, coi trọng sự học của dân tộc Việt Nam.
Truyền thống, tinh thần hiếu học đó được thể hiện thế nào trong lịch sử dân tộc, thưa ông?
Dân tộc Việt Nam có truyền thống yêu chuộng sự học, tri thức. Sự phân biệt giai tầng trong xã hội, nếu có, nó là sự phân biệt của những người có tri thức. Một người, tối hôm trước vẫn còn là nông dân thì hôm sau vinh quy bái tổ trở thành một người có tri thức, được trọng dụng trong xã hội. Sự phân biệt, thay đổi đó hoàn toàn do vun bồi tri thức và nhân cách.
Hiện nay, xã hội coi trọng, tìm kiếm đến tri thức, nhưng phần lớn chưa đạt đến chân giá trị của tri thức mà đang chạy theo những bằng cấp, hình tướng của tri thức, bằng những tên gọi bóng bẩy bên ngoài như nhà nghiên cứu nọ, nhà khoa học kia. Trong khi, bản chất của tri thức không phải là những danh xưng, bằng cấp mà phải là quá trình tu học và rèn luyện.
Vun bồi trí tuệ và nhân cách – giá trị sâu sắc của xin chữ và cho chữ
Vậy nên hiểu ý nghĩa của việc xin chữ và cho chữ ngày nay thế nào cho đúng, thưa ông?
Có một số người xin chữ, sau đó đi đặt vào trong ban thờ của các vị tiên thánh, tiên hiền hoặc cầu khẩn, đưa vào đó những lời mong cầu, ý định trong tương lai hy vọng của một tha lực, thế giới siêu nhiên nào đó giúp mình đạt được thành tựu, mong ước đó.
|
Xin chữ, cho chữ tại Hội chữ xuân Giáp Thìn 2024. |
Nên hiểu rõ, con chữ, một tác phẩm thư pháp chuyển tải những ý nghĩa về tư tưởng, giá trị đạo đức, truyền thống văn hóa của dân tộc và nhiều tri thức khác.
Nhưng con chữ, tác phẩm thư pháp chỉ thuần túy chỉ là giá trị văn hóa để thôi thúc người học, như khẳng định một quyết tâm đạt được điều mình mong muốn trong tương lai, là một sự cổ vũ, củng cố về tinh thần. Chứ con chữ hoặc bất kỳ một lời mong cầu, thậm chí diễn ra trước cửa Khổng sân Trình, những nơi thờ cúng các bậc linh thiêng khó có thể đáp ứng nhu cầu của những người đến xin chữ nếu như chúng ta không có sự nỗ lực, rèn tâm quyết chí, không vun bồi hai thứ song hành, đó là trí tuệ và nhân cách của mình.
Đó mới là giá trị chân thực và sâu sắc nhất của việc xin chữ và cho chữ trong dịp Tết đến xuân về.
Chủ đề “Hiếu học” trong Hội chữ xuân năm 2024 nhằm chuyển tải điều gì, thưa ông?
Hội chữ xuân Giáp Thìn 2024 lựa chọn chủ đề “Hiếu học” muốn truyền tải một thông điệp tới nhân dân, công chúng rằng: Kiến thức là điều quan trọng, không thể đi tắt, mua bằng tiền, tìm cầu bằng bất kỳ hình thức nào khác ngoài con đường duy nhất là nỗ lực gia công, rèn luyện. Kiến thức chỉ có được qua sự vất vả, dùi mài của mỗi người.
Ngoài ra, còn một ý nữa, trong bối cảnh thế giới và xã hội hiện nay, một dân tộc không thể thịnh vượng, phát triển được nếu không có tri thức. Một dân tộc có tri thức thì sẽ không sợ các điều kiện khó khăn và ắt sẽ phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!
Trung tâm hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết Hội chữ Xuân Giáp Thìn 2024 có sự tham gia của 40 người viết thư pháp, cùng với hoạt động trưng bày với chủ đề “Hiếu học”, sẽ diễn ra từ ngày 24 tháng Chạp (3/2) đến mùng 9 Tháng Giêng (18/2).
Bên cạnh đó, triển lãm thư pháp với chủ đề “Hiếu học” trưng bày 50 tác phẩm thư pháp tại khu vực sân trước và 50 tác phẩm vòng quanh hồ Văn. Nội dung các tác phẩm thể hiện tinh thần và truyền thống “Hiếu học” ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Các tác giả đã khai thác những đoạn trích trên văn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, hay những câu ca dao, câu thơ, câu đối khuyến học, câu nói của các danh nhân… thể hiện tinh thầnn hiếu học, cũng như tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam.
Mời quý độc giả xem video chị Lưu Thị Hường, chủ vườn quất Điệp Hường (làng Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ về thú chơi quất Quảng Bá của người Hà Nội. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan