Chuyên ngành ngôn ngữ học khối liệu ra đời và được triển khai ứng dụng trên thế giới từ những năm thuộc thập niên 90 của thế kỉ XX. Trong khi ở Việt Nam thì ngôn ngữ khối liệu còn khá mới mẻ và chưa được quan tâm nghiên cứu cho đúng với vai trò và triển vọng.
TS. Đào Hồng Thu (nguyên Trưởng bộ môn Ngôn ngữ học- Khoa Ngoại ngữ, Đại học Bách Khoa Hà Nội) là người nặng lòng, tâm huyết với ngôn ngữ khối liệu từ khi bà còn làm việc và nghiên cứu ở Liên Xô cũ. Bà là người đầu tiên nghiên cứu một cách có hệ thống và thực hành khối liệu ngôn ngữ trên cơ sở tiếng Việt.
|
TS. Đào Hồng Thu cùng công trình nghiên cứu ngôn ngữ học khối liệu của mình. |
Nhiều năm nghiên cứu về khối liệu (Corpus) và ngôn ngữ khối liệu, bà có tham khảo các công trình đi trước của các nhà ngữ học nước ngoài, đặc biệt là các nhà ngữ học Nga. Năm 2009, bà đã cho công bố cuốn Ngôn ngữ học khối liệu và những vấn đề liên quan, quyển 1 (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội).
Sau 4 năm, bà đã hoàn thành tập bản thảo (quyển II) và tiếp tục cho xuất bản phục vụ bạn đọc. Khối liệu là tập hợp văn bản có tính sáng tạo, thể hiện ở sự tuyển chọn, tổ chức, sắp xếp mọi dữ liệu thu thập dưới dạng điện tử hoặc dạng khác phục vụ cho việc nghiên cứu và xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Ngôn ngữ học khối liệu nghiên cứu và khai thác dữ liệu một cách khoa học, hợp lý nhất.
Đầu xuân 2024, tại Trung tâm nghiên cứu Việt Nam Học đã diễn ra buổi ra mắt cuốn sách (có sự hỗ trợ của Trung tâm nghiên cứu Việt Nam học): Ngôn ngữ học khối liệu và những vấn đề liên quan (quyển II)- tác giả TS. Đào Hồng Thu.
|
PGS.TS Phạm Văn Tình phát biểu tại lễ ra mắt cuốn II ngôn ngữ học khối liệu của TS. Đào Hồng Thu
|
Tại buổi lễ ra mắt, PGS.TS. Phạm Văn Tình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam học nêu: “Ngôn ngữ học khối liệu - Corpus Linguistics - là khoa học chuyên ngành, kết hợp giữa ngôn ngữ học và công nghệ tin học. Khối liệu (Corpus) và ngôn ngữ khối liệu có vai trò quan trọng trong xu hướng phát triển của Ngôn ngữ học hiện đại".
Trong quyển I, TS. Đào Hồng Thu đã đề cập 5 vấn đề: Giới thuyết về ngôn ngữ học khối liệu; Dịch thuật và dịch tự động; Ngôn ngữ khoa học chuyên ngành; Công nghệ dạy học; Những vấn đề liên quan. Tiếp tục mạch nghiên cứu này, quyển II cũng bao gồm 5 vấn đề chính: Cơ sở lí luận ngôn ngữ học khối liệu; Khối liệu ngôn ngữ trong giảng dạy; Dịch máy và ngôn ngữ học khối liệu; Các công trình dịch thuật, khối liệu ngôn ngữ song song; Những vấn đề liên quan.
''Như vậy, nội dung quyển II đi sâu vào nội dung phục vụ việc giảng dạy, dịch máy... những vấn đề hết sức thiết thực, ứng dụng vào thực tiễn của Việt ngữ học hiện nay.”- PGS.TS. Phạm Văn Tình đánh giá về nội dung cuốn sách.
Không chỉ PGS.TS. Phạm Văn Tình mà nhiều PGS, TS cũng đánh giá cao công sức lao động và nghiên cứu TS. Đào Hồng Thu khi xuất bản 02 cuốn sách về ngôn ngữ khối liệu.
|
Nhiều PGS, TS cũng đánh giá cao công sức lao động và nghiên cứu TS. Đào Hồng Thu xuất bản 02 cuốn sách về ngôn ngữ khối liệu. |
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Nam: “Tôi đánh giá cao các bài: Khối liệu ngôn ngữ và công nghệ trong giảng dạy ngoại ngữ; Công nghệ khối liệu trong dạy và học tiếng Việt như một ngoại ngữ; Dịch máy và ngôn ngữ học khối liệu, Chương trình thiết kế thử nghiệm từ điển ảo song ngữ, Chương trình thiết kế từ điển giải thích ảo... Độc giả sẽ tìm thấy ở đây những vấn đề cốt lõi cho xu hướng ứng dụng ngôn ngữ học hiện đại”.
“TS. Đào Hồng Thu đã làm việc với Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam học trong quá trình nhờ các chuyên gia đọc thẩm định và biên tập bản thảo. Sau một thời gian làm việc nghiêm túc, khẩn trương, Hội đồng thẩm định thấy bản thảo đã hoàn thiện, đủ điều kiện để xuất bản. Hy vọng với 02 quyển sách của mình, TS. Đào Hồng Thu sẽ góp phần 'thổi một luồng sinh khí mới' cho việc nghiên cứu ngôn ngữ học khối liệu đầy triển vọng ở Việt Nam”-PGS.TS Phạm Văn Tình nhận định.
TS.Đào Hồng Thu sinh ngày (18/10/1954), học chuyên ngữ K1 Đại học Ngoại ngữ- ĐHQG Hà Nội.
Tốt nghiệp loại ưu ĐH Sư phạm Quốc gia Leningrad mang tên Herzen (năm 1977).
Giảng viên ĐH Bách Khoa Hà Nội (1977-2009).
Biên phiên dịch các khóa chính trị học tại Học viện IPK thuộc MGU, Liên Xô (1983-1985).
Tiến sĩ Ngữ văn (bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ tại ĐHQG Hà Nội năm 2003).
Postdoc tại ĐH Sư phạm Quốc gia S.Peterburg, LB Nga về Dịch máy và Ngôn ngữ học khối liệu (2004-2006).
Lương Liễu