Truyền thuyết Hùng Vương trong tâm người Việt

Google News

Truyền thuyết Hùng Vương không chỉ là câu chuyện khởi nguồn dân tộc, mà còn là biểu tượng bất diệt của tinh thần yêu nước, lòng tự hào và ý chí đoàn kết – những giá trị cốt lõi kết nối người Việt qua mọi thời đại.

Huyền thoại khởi nguồn và niềm tin dân tộc
Theo truyền thuyết, các vua Hùng là con của Lạc Long Quân và Âu Cơ – biểu tượng cho sự kết hợp hài hòa giữa biển và núi, giữa hai vùng địa lý quan trọng của đất nước. 100 người con sinh ra từ bọc trăm trứng không chỉ là huyền thoại thiêng liêng mà còn mang trong mình tư tưởng sâu sắc: Dù khác vùng miền, cội nguồn dân tộc vẫn là một.
Truyen thuyet Hung Vuong trong tam nguoi Viet
Người Việt vẫn luôn tự hào với truyền thuyết "Con Rồng cháu Tiên". Ảnh Story Trung.
Chia sẻ về giá trị biểu tượng của truyền thuyết Hùng Vương, PGS.TS Bùi Văn Liêm, cho biết:
“Truyền thuyết Hùng Vương không đơn thuần là câu chuyện truyền thuyết, mà là sự kết tinh của trí tuệ dân gian, là tuyên ngôn đầu tiên của người Việt về một quốc gia thống nhất và có chủ quyền. Đó là sợi dây tinh thần kết nối các thế hệ, khơi dậy lòng yêu nước từ trong tiềm thức.”
Biểu tượng đoàn kết trong hành trình dựng nước
Truyền thuyết về các đời Hùng Vương cho thấy hình ảnh của một quốc gia mới, biết trọng nghĩa, biết giữ lễ và tôn kính tổ tiên. Từ truyền thuyết Lang Liêu với bánh chưng bánh dày đến những câu chuyện về Sơn Tinh – Thủy Tinh, người xưa đã khéo léo lồng ghép các yếu tố địa lý, thiên nhiên và tín ngưỡng để khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam, cũng như truyền tải những bài học về hòa hợp, đoàn kết và chung tay bảo vệ quốc gia.
Truyen thuyet Hung Vuong trong tam nguoi Viet-Hinh-2
Câu nói bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công lao của các Vua Hùng và trách nhiệm của hậu thế.
PGS Bùi Văn Liêm nhấn mạnh thêm:
“Tinh thần đoàn kết không chỉ hiện diện trong cội nguồn ‘đồng bào’, mà còn thể hiện trong cách người Việt kể lại truyền thuyết qua bao đời. Mỗi lần nhắc đến Hùng Vương là mỗi lần người Việt tái khẳng định mình thuộc về một cộng đồng thống nhất, cùng chung huyết thống và lý tưởng.”
Từ truyền thuyết đến sức mạnh hiện thực
Ngày nay, Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành Quốc giỗ của dân tộc và là minh chứng sống động cho tinh thần cố kết cộng đồng. Người Việt ở khắp mọi miền đất nước, dù ở trong hay ngoài nước, đều hướng về Đền Hùng với lòng thành kính, tri ân và niềm tự hào.
Truyen thuyet Hung Vuong trong tam nguoi Viet-Hinh-3
Hàng triệu người dân hướng về đền Hùng trong ngày Quốc giỗ. 
Lễ hội Đền Hùng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – một minh chứng rõ nét cho sức sống lâu bền của truyền thuyết Hùng Vương trong lòng dân tộc.
Niềm tin tiếp nối và bài học thời đại
Truyền thuyết Hùng Vương không khép lại trong các trang sách cổ mà đang tiếp tục được "kể" bằng nhiều hình thức hiện đại như phim ảnh, sân khấu, sách tranh và giáo dục học đường. Điều này khẳng định: Dù thời đại có thay đổi, tinh thần yêu nước và đoàn kết dân tộc luôn cần được nuôi dưỡng từ gốc rễ truyền thống.
PGS.TS Bùi Văn Liêm khẳng định:
“Trong bối cảnh hiện nay, việc hiểu và gìn giữ các giá trị từ truyền thuyết Hùng Vương là cách tốt nhất để giáo dục thế hệ trẻ về lòng tự hào dân tộc, về trách nhiệm với cộng đồng và đất nước.”
Truyen thuyet Hung Vuong trong tam nguoi Viet-Hinh-4
Đền thờ các Vua Hùng ở Phú Thọ 
Truyền thuyết Hùng Vương không chỉ là di sản tinh thần của dân tộc, mà còn là ngọn lửa thắp sáng ý chí yêu nước, tinh thần đoàn kết và khát vọng trường tồn của người Việt. Dù trải qua bao biến thiên lịch sử, hình ảnh các vua Hùng vẫn là biểu tượng thiêng liêng để mỗi người Việt hướng về, như một lời thề bất diệt: “Dù ai đi ngược về xuôi – Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.”
Trần Liên