Lễ kí thỏa thuận hợp tác giữa Trường Nguyễn Siêu và Học viện TES có sự chứng kiến của Đại sứ quán Anh, Bộ GD&ĐT Việt Nam. Để trở thành điểm thực hành nghiệp vụ sư phạm quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, Trường Nguyễn Siêu đã vượt qua hàng loạt vòng thẩm định gắt gao về chất lượng.
Với thỏa thuận này, Trường Nguyễn Siêu sẽ cung cấp môi trường giảng dạy, thực hành, giáo viên hướng dẫn, cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng để các học viên tham gia có thể đạt được chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm quốc tế iPGCE được cấp bởi University of East London (UEL).
|
Hình ảnh tại lễ ký kết hợp tác giữa Trường Nguyễn Siêu và Học viện TES. Ảnh: Nguyễn Đức Anh. |
Tại lễ kí kết thỏa thuận và ghi nhớ hợp tác giữa hai trường, bà Joanne Coles, Giám đốc chương trình quốc tế, Học viện TES, phụ trách chương trình iPGCE - Chứng chỉ Sau đại học Quốc tế về Giáo dục và giám sát chương trình thạc sĩ tại TES cho biết: “Qua thẩm định, chúng tôi biết trường Nguyễn Siêu có những giáo viên với tư duy quốc tế, đã tốt nghiệp từ nhiều nơi khác nhau trên thế giới, đồng thời lại có mong muốn phát triển sự nghiệp giáo dục ở Việt Nam. Là một trường song ngữ, Nguyễn Siêu sẽ có thể tạo nhiều cơ hội để tập trung vào hội nhập quốc tế song song với việc giữ vững bản sắc Việt Nam.
Tại Vương quốc Anh có các tiêu chuẩn cho Mentor, vì vậy chúng tôi sẽ áp dụng các tiêu chuẩn đó vào đào tạo Mentor tại trường. Các giáo viên đạt tiêu chuẩn sẽ được trao chứng nhận Mentor của chương trình. Theo đó, giáo viên sẽ học các lý thuyết thường xuyên được cập nhật liên quan đến phương pháp giảng dạy, tâm lý học sinh, não bộ, cách ứng dụng vào bài giảng…”.
TS. Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Giáo dục Khối song ngữ, Trường THCS và THPT Nguyễn Siêu bày tỏ: “Nguyễn Siêu rất tự hào trở thành điểm thực hành nghiệp vụ sư phạm quốc tế đầu tiên của TES tại Việt Nam. Việc hợp tác với TES đem lại một cơ hội rất lớn cho giáo viên trường Nguyễn Siêu để có thể chuẩn hóa và chinh phục chứng chỉ giảng dạy quốc tế iPGCE. Đây là bước tiếp theo trong chiến lược chuẩn hóa và đào tạo thế hệ giáo viên Việt Nam đủ năng lực để giảng dạy các chương trình quốc tế của trường Nguyễn Siêu”.
Tham gia hợp tác với Học viện TES, năng lực của đội ngũ giáo viên Việt Nam tại Trường Nguyễn Siêu sẽ được cải thiện thông qua 3 phương diện: Triết lý giảng dạy, nghiệp vụ sư phạm, nâng cao chuẩn nghiệp vụ giảng dạy cho đội ngũ giáo viên của trường.
|
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Nguyễn Đức Anh. |
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Siêu cho hay, mục đích của Lễ Ký kết xuất phát từ chính sách của Nhà nước về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là giáo viên dạy bằng tiếng nước ngoài. Thực tế, giáo viên Việt Nam hoàn toàn có thể dạy các chương trình quốc tế và có rất nhiều ưu điểm so với giáo viên nước ngoài. Trong đó, phải kể đến sự tâm huyết, gắn bó, dành nhiều thời gian để hỗ trợ học sinh... Tuy nhiên, tâm lý của phụ huynh đôi khi vẫn muốn chọn giáo viên là người nước ngoài.
“Quan trọng là làm sao thuyết phục được người học. Khi người học đã chấp nhận giáo viên, không quan tâm đến quốc tịch, quốc gia thì đây chính là chìa khóa thành công. Tại Trường Nguyễn Siêu, ở một số môn tự chọn, các em thậm chí đã lựa chọn người dạy là giáo viên Việt Nam và rất yêu các thầy cô.
Thực tế, người Việt rất giỏi, có kiến thức sâu, đặc biệt đối với một số bộ môn Toán và khoa học,. Cùng với những kinh nghiệm quốc tế, họ hoàn toàn có thể trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho Trường Nguyễn Siêu cũng như cho TP Hà Nội và đất nước”, bà Thúy nói.
Được biết, Học viện TES được thành lập tại Anh năm 2014, đã góp công đào tạo và nâng cao nghiệp vụ sư phạm quốc tế cho hơn 13 triệu giáo viên, nhà nghiên cứu trên toàn thế giới.
Mời quý độc giả xem video: Nguyễn Siêu tự hào là điểm thực hành nghiệp vụ sư phạm quốc tế.
Mai Loan