Phổ Nghi được biết đến là vị Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh. Ngày 12/2/1912, ông bị ép thoái vị, kết thúc lịch sử vương triều phong kiến kéo dài hơn 2.000 năm ở quốc gia này.
Sinh năm 1906, lên ngôi Hoàng đế khi chỉ mới 3 tuổi, để rồi sau này lại bị vận vào tiếng gọi "Hoàng đế cuối cùng", chứng kiến gia tộc mình sụp đổ, ngồi tù, bệnh tật triền miên… Cởi bỏ chiếc Hoàng bào vương quyền trở thành công dân bình thường, có lẽ đối với Phổ Nghi, tháng ngày trôi qua thật sự không dễ dàng.
Năm 1959, Phổ Nghi chính thức quay trở về cuộc sống tự do, bước sang trang mới cuộc đời. Đương nhiên, giai đoạn đầu, ông không quen với cuộc sống đời thường của một công dân thời đại mới, trong lòng tràn đầy hiếu kỳ đối với mọi thứ xung quanh.
Trong cuốn tự truyện "Nửa đời trước của tôi" được viết ở những năm cuối đời, Phổ Nghi chia sẻ rằng sau khi được tự do, điều ông muốn làm đầu tiên là đi cắt tóc.
Vào tiệm, ngồi lên ghế chuẩn bị cắt tóc, Phổ Nghi nhìn thấy một vật lạ lẫm, ông không biết gọi tên. Hỏi người thợ thứ được đặt trên kệ là gì, anh ta nói: "Máy sấy tóc".
Phổ Nghi hỏi: "Vậy sấy tóc trước hay cắt tóc trước?".
Người thợ nghe mà lấy làm lạ: "Ông chưa đi cắt tóc bao giờ?". Người này nghĩ Phổ Nghi đang nói đùa nên không nói gì thêm.
Đến khi nghe lấy tiếng máy sấy hoạt động trên đầu, thổi tung những sợi tóc đen, Phổ Nghi vui vẻ trong lòng, cảm thấy mới lạ.
Thì ra Phổ Nghi chưa bao giờ nhìn thấy máy sấy hay đi cắt tóc ở tiệm. Cung cấm và những thay đổi của thời đại đã vô tình đóng khung thế giới của ông, để đến khi được tự do, ông mới có cơ hội khám phá.
Về sau, Phổ Nghi dần thích nghi với cuộc sống đời thường. Đương nhiên, ông cũng muốn có một công việc đàng hoàng để mưu sinh và hòa nhập vào thời đại mới. Hơn 10 năm bị quản thúc trước đó, ông đã học được rất nhiều kỹ năng, như may vá, làm đồ thủ công… Và rồi, chính quyền đã sắp xếp cho ông làm nhân viên chăm sóc cây cảnh ở vườn thực vật. Đây chính là công việc đầu tiên trong đời của Phổ Nghi.
Công việc này cũng khá đơn giản. Mỗi ngày Phổ Nghi chỉ cần cầm bình nước đi tưới hoa, làm xong thì lại viết sách. Tháng ngày trôi qua bình dị và an nhàn. Ông cũng thường đi chơi với đồng nghiệp, thậm chí tan làm còn giúp người ta thu hoạch ngô, cắt cỏ đồng, hoàn toàn không còn một chút dáng vẻ của vị Hoàng đế năm xưa.
Một tháng làm việc trôi qua, Phổ Nghi nhận được tiền lương 60 NDT (hơn 200.000 đồng). Cầm số tiền này trong tay, Phổ Nghi run run xúc động. Kể trong cuốn tự truyện, ông nói rằng khoảnh khắc nhận tiền lương đầu tiên ấy rất thần kỳ, là đồng tiền mà ông tự lao động kiếm được, mặc dù trước kia khi còn làm Hoàng đế, số tiền ấy chẳng đáng là bao.
Phổ Nghi hỏi đồng nghiệp bình thường nhận lương xong sẽ mua gì? Thế là các đồng nghiệp nhiệt tình dẫn ông đi "mua sắm".
Thứ đầu tiên Phổ Nghi để mắt tới chính là "đồ ngọt và kẹo". Có lẽ nhiều người sẽ cười vì cho rằng người có tuổi như ông lại thích ăn kẹo. Thế nhưng mọi thứ đều có lý do của nó. Trước đây khi còn làm Hoàng đế, việc ăn uống luôn được quy định rõ ràng, không phải muốn ăn gì thì ăn. Hơn nữa nhiều thứ kẹo sau này hội nhập mới có và phổ biến trong dân gian, chứ không được xuất hiện trong cung cấm.
Cuối cùng Phổ Nghi đã dùng tiền lương của mình mua bánh kẹo về làm quà cho gia đình (em gái). Về sau, mối quan hệ giữa ông và người nhà cũng được cải thiện, lại nhận công việc tốt hơn, cứ thế sống bình lặng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay.
Theo Phụ nữ số