Bộ sách do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (do Cao Xuân Dục chủ biên), ghi rõ: Cuối năm Gia Long thứ bảy (1808), Bộ Lễ tâu với vua rằng: "Lâu nay hễ qua đầu năm thì làm các lễ khai bửu, duyệt binh, đến cuối năm thời yết lăng, lạp tế, hợp bửu, đều phải lựa ngày tốt, nay xin định ngày nào cho rõ".
Nhiều nghi lễ
Các nghi lễ được Bộ Lễ đề cập gồm lạp tế - tế về tiết tháng Chạp, trước các triều đại phong kiến Trung Quốc tổ chức để tạ ơn trời đất, sau chuyển sang cúng tạ ơn tổ tiên. Hợp bửu là nghi lễ niêm phong ấn tín. Khai bửu là lễ mở ấn ra để sử dụng trở lại.
Vua Gia Long mới chuẩn định cứ cuối năm thì ngày 13 tháng Chạp yết lăng, ngày 24 lạp tế, ngày 25 hợp bửu. Đầu năm, ngày 7 tháng Giêng khai bửu, duyệt binh. Triều Nguyễn bắt đầu áp dụng từ Tết Nguyên đán năm Kỷ Tị (1809) về sau. Ngoài ra, các đời sau còn có thêm lễ thượng nêu, thường được tổ chức vào ngày 30 tháng Chạp.
|
Lễ dựng cây nêu ngày Tết thời Nguyễn. Ảnh tư liệu : Pháp Luật TP.HCM. |
Như vậy, từ ngày 25 tháng Chạp đến ngày 7 tháng Giêng, triều đình nhà Nguyễn nghỉ Tết. Từ lễ hợp bửu, các ấn tín của triều đình được lau rửa thật sạch sẽ rồi bọc vải lụa cất kỹ, để vào tủ khóa có niêm phong, đợi sang năm mới sẽ mở ra để sử dụng.
Điều này không có nghĩa mọi việc ở triều đình và các công sở đều ngừng lại hoàn toàn. Các cơ quan của triều đình vẫn giải quyết những việc khẩn cấp và bất thường, có điều quyết định phải chờ đến sang năm mới đóng dấu.
Về hoạt động trực ban của triều đình trong các ngày Tết, theo tài liệu châu bản triều Nguyễn được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, châu bản thời vua Minh Mạng có ghi lời phê: “Vâng truyền năm mới từ ngày phong ấn đến ngày khai ấn, quan đại thần được miễn trực đêm, và theo lệ các ngày 30 tháng 12 của năm trước và các ngày mùng 1, 2, 3 của năm mới tổng cộng 4 ngày quan đại thần được miễn vào trực, các nha sở cũng không phải tiến bài. Ngoài các việc thực sự khẩn yếu phải tiến tấu, các việc nhỏ đều bãi miễn”.
Mùng 7 khai xuân
Trong các ngày Tết, vua nhà Nguyễn thường chỉ tổ chức các hoạt động nghi lễ trong phạm vi cấm thành, như lễ chầu mừng của các quan và hoàng thân vào sáng mùng một, lễ ban yến cho các quan đại thần, lễ mừng Tết Thái hậu, các nghi lễ dâng hương cúng tổ tiên ở Thái miếu, Thế miếu, điện Phụng Tiên, đền thờ các công thần, mừng tuổi cho các thành viên hoàng gia và quan lại, binh lính…
Ngày mùng ba Tết, một số vua đi thăm thầy dạy của mình, đúng với câu “mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” của dân gian. Ngày mùng 5, vua đi du xuân, thăm viếng lăng tẩm, chùa đền bên ngoài kinh thành.
Đến ngày mùng 7, triều đình làm lễ khai hạ (hạ nêu) và khai bửu. Ngày này, các viên quan giữ ấn tín làm lễ, rồi thực hiện nghi thức mở niêm phong, mở hòm ấn tượng trưng năm làm việc mới bắt đầu. Đó cũng là ngày các cơ quan của triều đình chính thức trở lại làm việc.
Cũng theo Quốc triều chính biên toát yếu, ngày mùng 7 tháng Giêng, vua triều Nguyễn cũng tổ chức duyệt binh.
Sách Đại Nam thực lục ghi cụ thể hơn về việc duyệt binh đầu năm mới ở năm Minh Mạng thứ nhất (1820): “Sáng sớm ngày ấy biền binh các dinh thuộc quân Thị trung, Thị nội, Thần sách đều họp cả ở trước điện Càn Nguyên. Sai Thị thư viện 5 người và sáu bộ mỗi bộ 3 người, hiệp với bộ Binh xét điểm. Vua mặc nhung phục ngự ở điện Càn Nguyên xem duyệt. Lệ duyệt binh bắt đầu từ đấy”.
Để tỏ việc trọng thọ, từ năm Minh Mạng thứ tư (1823), nhà vua định lệ ban thưởng các thọ quan, thọ dân trong dịp Tết cổ truyền. Châu bản năm Minh Mạng thứ 11 ghi cụ thể các kỳ lão trên 100 tuổi được ban thưởng 3 lạng bạc, trên 90 tuổi thưởng 2 lạng bạc, trên 80 tuổi thưởng một lạng bạc.
Lễ cày ruộng tịch điền thường được các vua nhà Nguyễn tiến hành vào tháng hai (tháng trọng Xuân), bắt đầu từ đời vua Minh Mạng về sau.
Theo Lê Tiên Long/Zing