Trang phục thời kỳ đồ đá có gì đặc biệt?

Google News

Con người sống trong thời kỳ đồ đá đã sáng tạo ra những bộ trang phục làm từ da, lông thú để thích nghi với điều kiện khí hậu lạnh giá.

Một trong những giai đoạn định hình sự phát triển của con người thuở sơ khai là thời kỳ đồ đá. Giai đoạn này kéo dài khoảng 3,4 triệu năm và dần kết thúc từ năm 8500 trước Công nguyên đến năm 2000 trước Công nguyên khi kỹ thuật gia công kim loại của con người ngày càng trở nên phổ biến. Trang phục của con người sống trong thời kỳ đồ đá là những dạng quần áo và giày dép sớm nhất từng được tạo ra.

Trang phuc thoi ky do da co gi dac biet?

Trang phục của xác ướp Người băng Ötzi. Ảnh: Sciencenews.

Các công cụ đá dễ dàng tồn tại qua nhiều thế kỷ trong lòng đất, trong khi vật chất hữu cơ thì không thể – ngoại trừ một vài trường hợp. Tuy nhiên, chúng ta có thể hình dung ra quần áo thường mặc của con người sống trong thời kỳ đồ đá bằng cách xem xét môi trường sống của họ.

Khí hậu tại các vùng đất trên thế giới có sự khác biệt và con người ban đầu phải thích nghi với môi trường xung quanh. Trong hơn 3,4 triệu năm, con người đã trải qua ít nhất bảy kỷ băng hà. Một số người sống trong điều kiện thời tiết lạnh giá, trong khi những người khác sống ở vùng khí hậu ấm áp của thảo nguyên và sa mạc. Do đó, quần áo của họ cũng phải khác nhau.

Vào thời kỳ đồ đá, con người không có bất kỳ quan niệm tiêu cực nào về việc khỏa thân. Những người sống ở vùng khí hậu ấm áp gần như luôn khỏa thân trong thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, họ đã biết cách bôi lên cơ thể một số vật liệu như bùn, than, và đất son. Sau khi khô, các lớp phủ này sẽ bảo vệ họ tránh khỏi tác động của gió, các vết xước trên da, gai nhọn và ánh nắng Mặt trời.

Trang phuc thoi ky do da co gi dac biet?-Hinh-2

Khí hậu càng lạnh thì người tiền sử càng cần nhiều quần áo hơn. Ảnh: Adobe Stock.

Các khám phá khảo cổ học cho thấy người tiền sử đã chú trọng đến việc khai thác các mỏ đất son và vận chuyển nó ở những khoảng cách lớn. Hiện tại, loại “sơn” cơ thể này vẫn được sử dụng rộng rãi trong các bộ lạc xa xôi của châu Phi, những người có cuộc sống gần như không thay đổi kể từ thời kỳ đồ đá cũ.

Tuy nhiên ở những vùng có khí hậu lạnh giá, một số loại quần áo đầu tiên đã bắt đầu xuất hiện. Con người sử dụng da và lông động vật để tạo ra những chiếc áo choàng thô sơ. Người Neanderthal có khả năng chịu lạnh cao hơn người hiện đại Homo sapiens, do đó trang phục của họ cũng dùng ít da động vật hơn.

Ngược lại, người Homo sapiens đã phát triển các loại quần áo phức tạp để giữ ấm cơ thể. Họ chế tạo nhiều công cụ chuyên biệt dành riêng cho việc may trang phục. Ngoài da và lông thú, họ sử dụng thêm cả vật liệu rêu, sợi lanh, xơ, vỏ cây và cỏ. Họ cũng biết cách chế tạo giày đi trên lớp tuyết dày từ sợi thực vật và dây thừng.

Chúng ta có thể mường tượng trang phục của người tiền sử thông qua trang phục của các bộ lạc Inuit sống ở khu vực Bắc Cực ngày nay. Quy trình sản xuất quần áo truyền thống của họ là tàn tích từ thời kỳ đồ đá cũ. Họ sử dụng kim khâu làm từ xương và ngà voi để gắn kết các tấm da hải cẩu và lông động vật.

Lĩnh vực khảo cổ học luôn cho chúng ta những cái nhìn khách quan về cuộc sống của tổ tiên. Do chất hữu cơ không thể tồn tại theo thời gian, trong nhiều điều kiện môi trường nên việc phát hiện ra quần áo có niên đại từ thời kỳ đồ đá là rất hiếm gặp. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ đã có một khám phá quan trọng, giúp chúng ta có một cái nhìn sâu sắc về trang phục thời nguyên thủy. Đó là xác ướp đông lạnh của Người băng Ötzi có niên đại vào cuối thời kỳ đồ đá cũ.

Người băng Ötzi là xác ướp tự nhiên được phát hiện trên dãy núi Alps nằm giữa Italy và Áo vào năm 1991. Hai du khách người Đức đã tình cờ nhìn thấy xác ướp nhô ra từ sông băng tan chảy ở độ cao 3.210m. Mặc dù có niên đại từ năm 3.345 trước Công nguyên, nhưng xác ướp gần như vẫn còn nguyên vẹn trong lớp băng dày. Điều may mắn là tất cả đồ đạc mà Người băng Ötzi mang theo đều được bảo quản tốt. Nhờ đó, các nhà nghiên cứu có thể khôi phục lại trang phục của Người băng Ötzi với độ chính xác cao và tỉ mỉ đến từng chi tiết.

Vào thời điểm qua đời, Người băng Ötzi mặc một chiếc áo choàng làm từ cỏ dệt và một số mảnh quần áo làm từ các loại da khác nhau. Các phụ kiện trang phục đi kèm còn có xà cạp, thắt lưng, và một chiếc khố làm từ da dê. Trên đầu, Người băng Ötzi đội một chiếc mũ da gấu buộc bằng dây da. Phần độc đáo nhất trong trang phục của Người băng Ötzi là đôi giày. Nó có thiết kế khá phức tạp và đẹp đến mức một công ty giày dép hiện đại của Cộng hòa Séc muốn mua quyền tái sản xuất và bán chúng. Phần trên của giày được làm từ da hươu và đế giày làm từ da gấu. Bên trong giày nhồi đầy cỏ mềm.

Một số xã hội săn bắn hái lượm hiện đại vẫn còn giữ nguyên lối sống và trang phục của con người trong thời kỳ đồ đá. Ngày nay, một số thổ dân Úc, thổ dân Tasmania sống ở vùng khí hậu nóng và các bộ lạc sống trong rừng rậm ở Papua New Guinea vẫn khỏa thân hoặc đóng khố như người tiền sử cách đây hàng triệu năm.

Khí hậu đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của quần áo. Để sống sót trong môi trường lạnh giá, tổ tiên chúng ta đã phải tìm cách thích nghi và chế tạo quần áo là một trong những giải pháp được ưu tiên hàng đầu.

Một vai trò quan trọng khác của trang phục trong thời kỳ đồ đá liên quan đến địa vị xã hội. Các nhân vật quan trọng như thủ lĩnh hoặc pháp sư có thể đã sử dụng một số trang phục nghi lễ để nhấn mạnh địa vị xã hội của họ, và đây là loại trang phục họ chỉ dùng trong những dịp đặc biệt.

Ngày nay, cách ăn mặc của con người liên quan nhiều hơn đến bản sắc văn hóa của từng dân tộc và phần nào đó cũng thể hiện địa vị xã hội. Trang phục của chúng ta vẫn đang thay đổi liên tục, đồng hành với sự tiến hóa của xã hội loài người.

 

Theo Dân Việt