Trần Nguyên Hãn và hình ảnh chim bồ câu truyền tin
Trong chiến tranh, việc truyền tin tức giữ vai trò cực kỳ quan trọng, do đó các triều đình từ xa xưa đã tổ chức hệ thống thông tin với các dạng thức khác nhau như dùng cờ hiệu, đặt trạm dịch, dùng hỏa đài... và đặc biệt là dùng chim bồ câu để đưa tin. Không rõ việc sử dụng chim bồ câu đưa tin xuất hiện ở nước ta khi nào, nhưng đến giai đoạn kháng chiến chống quân Minh xâm lược, sử sách và giai thoại dân gian có nhắc đến hai nhân vật nổi tiếng là Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Chích. Đây là hai danh tướng của nghĩa quân Lam Sơn và sau này là khai quốc công thần của nhà Hậu Lê.
Trần Nguyên Hãn là con cháu nhà Trần, cháu ruột của Trần Nguyên Đán, dòng dõi thượng tướng Trần Quang Khải, anh em (con cô, con cậu) với Nguyễn Trãi. Ông quê ở xã Sơn Đông (nay thuộc huyện Lập Thạnh, tỉnh Vĩnh Phúc), lập nhiều công nên khi xét công lao ông được đứng hàng đầu với chức Tả tướng quốc. Trong thời gian kháng chiến, Trần Nguyên Hãn đã dùng những chú chim bồ câu mà ông nuôi dưỡng, huấn luyện để chuyển thư qua lại với chủ tướng Lê Lợi và các đầu mối quân sự khác. Có lần khi đang đóng quân trấn giữ thành Võ Ninh thì bị quân Minh kéo đến vây chặt, tình thế rất nguy khốn, Trần Nguyên Hãn đã viết thư cầu cứu rồi buộc vào chân chim. Nhờ thư do chim bồ câu mang đến, Bình Định vương Lê Lợi biết được tình hình liền cho quân tiếp viện đến Võ Ninh phá vỡ vòng vây giải cứu. Sau này, Trần Nguyên Hãn với hình ảnh chú chim bồ câu được suy tôn là bậc thầy truyền truyền thông tin trong chiến tranh.
Cùng về quy tụ dưới lá cờ nghĩa quân Lam Sơn còn có một vị tướng cũng có tài nuôi chim bồ câu, ông tên là Nguyễn Chích. Ông là người thôn Vạn Lộc, xã Đông Ninh, phủ Đông Sơn (nay là huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Trước khi tham gia lực lượng của Lê Lợi thì Nguyễn Chích đã dựng cờ khởi nghĩa ở núi Hoàng Sơn (nay thuộc huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) lấy thành Yên Mỗ làm căn cứ. Chính ông đã đề xuất kế hoạch vào Nghệ An, tạo nên cục diện mới cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Cha Nguyễn Chích là người thích nuôi chim thả để dự thi nên truyền nghề này cho con, vì thế từ nhỏ ông đã có biệt tài nuôi chim bồ câu. Bồ câu được dạy một cách khéo léo, để xem khả năng của mỗi con, người ta đặt một chậu nước giữa sân, rồi cho chim tung cánh lên trời. Những con chim nào bay khéo sẽ bay rất thẳng, đến nỗi, bay cao lên tít mây xanh mà bóng chim vẫn in trong chậu nước. Nguyễn Chích đã tập cho đàn chim của ông bay khéo như vậy và còn luyện cho chúng mang thư từ và đồ nhẹ đến nơi định sẵn và bay trở về.
Khi gia nhập cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Chích cùng vợ là Nguyễn Thị Bành đã mang cả đàn bồ câu đi theo, nhiều lần chim bồ câu đã giúp việc truyền tin cho nghĩa quân rất nhanh chóng. Một bận, căn cứ Lam Sơn bị đánh úp trong khi phần đông quân lính được chủ tướng Lê Lợi chia ra, sai các tướng tá dẫn đi các ngả rồi, ở doanh trại chỉ có Lê Lợi và Nguyễn Chích cùng mấy trăm quân túc vệ. Giặc Minh ở ngoài vây rất chặt, khó có thể phá được vòng vây hay cử người đi báo tin giải cứu.
Nguyễn Chích liền thả chim bồ câu đi đưa thư đã gọi được các cánh quân về cứu viện, trong đánh ra, ngoài đánh vào làm cho vòng vây của giặc tan vỡ, Bình Định Vương Lê Lợi rất khen ngợi, ban thưởng cho Nguyễn Chích và lấy thóc tẩm mật cho chim ăn để bồi dưỡng.
Ngoài một số loài vật quen thuộc được tổ tiên ta sử dụng trong kháng chiến chống lại quân thù, như voi, ngựa, chó, chim bồ câu... thì trong những tình huống, hoàn cảnh nhất định còn xuất hiện "đội quân" vịt, ngỗng có nhiệm vụ cảnh giới, mỗi khi có người sẽ kêu như một cách báo động. Hay như "đội quân" rắn độc của Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười đã dụ quân Pháp vào nơi có hang rắn độc lớn khiến không ít tên giặc bị thiệt mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, chiến sĩ du kích Nguyễn Văn Tư ở Bến Tre đã sáng tạo ra cách đánh địch bằng ong vò vẽ. Bên cạnh tổ ong, ông cho thiết kế trận địa gồm hầm chông, mìn và cắm cọc nhọn dày đặc dưới các mương gần đó. Khi quân địch đã lọt vào "ổ", từ xa ông Tư sẽ giật dây phá vỡ tổ khiến ong bay ra tấn công làm địch hoảng loạn. Kẻ thì rớt xuống hầm chông, kẻ rơi vào điểm có cài mìn, hoặc nếu nhảy xuống mương thì dính phải chông. Trận địa này đã tiêu diệt nhiều quân địch và khiến các cuộc càn quét của kẻ thù thất bại.
Trong lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã ghi nhận sự sáng tạo của các bậc tiền nhân trong việc xây dựng các đội quân đặc biệt phục vụ cho chiến tranh giữ nước. Khi cần thiết, các loài động vật cũng có thể trở thành "siêu chiến binh" trên chiến trường. Với người Việt Nam, trong gian khó sẽ ló cái khôn. Và đây cũng là một trong những nguyên nhân làm thất bại thảm hại của mọi kẻ thù khi đến xâm lược Việt Nam.
Theo N.V/Dân Việt