Chiến thắng Điện Biên Phủ không đơn thuần chỉ là thắng lợi của một trận “quyết chiến chiến lược” kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Theo Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, thắng lợi này còn vượt ra khỏi ranh giới quốc gia, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, tác động lớn đến tình hình thế giới, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.
|
PGS.TS. Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam. Ảnh: Mai Loan. |
Đến nay - sau 70 năm, ông cũng như nhiều nhà nghiên cứu càng nhận thấy đây là sự kiện “có một không hai trên thế giới”, bởi nhiều điều đặc biệt đã được quân và dân ta tạo nên.
"Trận địa hào", điểm đặc sắc chỉ có ở chiến dịch Điện Biên Phủ
Thứ đến là “trận địa hào”. Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, đây là điểm rất đặc sắc mà chỉ ở Điện Biên Phủ mới có. “Trận địa hào, chiến hào tiến công nghệ thuật là nét đặc sắc nhất trong nghệ thuật chiến dịch của chúng ta trong chỉ đạo cách đánh.
Chúng ta dùng trận địa tiến công bao vây này để thực hiện bao vây chia cắt quân địch theo hình xoáy trôn ốc từ rộng rồi cứ thít dần, cuối cùng là thu hẹp phạm vi chiếm đóng của quân Pháp vào khu trung tâm Mường Thanh…
Đến những ngày cuối cùng là mỗi chiều chỉ còn 500 mét. Hào giao thông của chúng ta có đường hào trục và đường hào cắt ngang, đường hào nhánh, đường hào xương cá. Đường hào trục có chiều rộng ở dưới là 1 mét, đưa cao lên 1,5 mét và đắp dày thêm lên thành 1,7 mét. Lúc đó, chiều cao của bộ đội chúng ta thường dưới 1,7 mét.
|
Để đánh chiếm các cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, quân đội ta đã áp dụng chiến thuật “vây, lấn, tấn, diệt” bằng việc đào giao thông hào để từng bước bao vây, siết chặt, Ảnh" TTXVN. |
Chúng ta hoàn toàn di chuyển ở dưới chiến hào cho nên hạn chế được thương vong rất lớn mà lại tiếp cận được rất gần các vị trí của quân Pháp. Có nơi, giữa ta và địch cách nhau 30 mét, tức là giữa chiến hào của ta với những cứ điểm của địch cách nhau 30 mét, thậm chí là chúng ta còn đào hào chui qua hệ thống các lớp dây thép gai của quân Pháp.
Khi hiệu lệnh nổi lên là chúng ta nhô lên giữa cứ điểm của địch. Đặc biệt, với cách đánh này còn phối hợp được với pháo cao xạ và pháo binh. Chúng ta triệt được tiếp tế đường không của quân Pháp.
Nghệ thuật tác chiến trong chiến dịch Điện Biên Phủ
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho hay, nhắc tới chiến thắng Điện Biên Phủ nhất định phải nói đến cách đánh. Cách đánh của quân và dân ta tại chiến dịch này đã ở tầm “nghệ thuật”. Đây là yếu tố quan trọng để chúng ta đi đến thắng lợi, làm thay đổi thế giới.
Về cách đánh, chúng ta thực hiện cách đánh bóc vỏ tập đoàn cứ điểm. Tập đoàn cứ điểm với 49 cứ điểm được chia thành 3 phân khu là phân khu Bắc, phân khu Trung tâm và phân khu Nam là phân khu Hồng Cúm. Phân khu trung tâm có hầm chỉ huy của tướng De Castries.
|
Bộ đội kéo pháo vào trận địa chuẩn bị tác chiến theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc". Ảnh tư liệu. |
Phân khu Bắc có 3 cụm cứ điểm là Him Lam, Độc Lập, Bản Kéo. Chúng ta đánh đầu tiên là bóc vỏ phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm, mở toang cánh cửa từ hướng Tây Bắc vào.
Cách đánh thứ hai là trong đợt 2, chúng ta tập trung đánh vào cụm cứ điểm phía Đông là cụm cứ điểm mạnh nhất của sở chỉ huy tướng De Castries. Nó gồm các điểm cao như đồi E, đồi D, đồi C, đồi A1… Đây là những nơi phòng ngự mạnh nhất của quân Pháp.
Sau khi tiêu diệt được cụm cứ điểm phía Đông, và trước đó là cụm cứ điểm phía Bắc, chúng ta bắt đầu thít chặt vòng vây khu trung tâm. Cách đánh này của chúng ta rất sáng tạo.
"Lần đầu tiên trong lịch sử quân đội, chúng ta đánh trận một công kiên. Chúng ta huy động lực lượng đến đấy, chuẩn bị đầy đủ mọi mặt rồi chúng ta mới đánh, chứ không như trước đây là thoắt ẩn thoắt hiện như kiểu đánh du kích nữa. Trận Điện Biên Phủ này gọi là trận địa chiến”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho biết.
Thắng lợi của "thế trận lòng dân"
Đặc biệt, theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ còn là thắng lợi của “thế trận lòng dân”. Cho đến nay, những gì mà quân và dân ta đã tạo nên vẫn còn nguyên giá trị đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Trận Điện Biên Phủ là kết tinh từ sự cố gắng của toàn quân, toàn dân ta với khẩu hiệu: tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng Điện Biên Phủ. Tất cả các tỉnh Bắc Bộ, ngay cả địa bàn Tây Bắc đều dồn sức cho Điện Biên Phủ…
|
Lực lượng dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu. |
"Dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác chúng ta đã có một đường lối đúng đắn, tập hợp được quần chúng, đoàn kết tạo nên sức mạnh. Tất cả có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ và họ nhận thấy là đóng góp của họ mang lại chiến thắng, giành lại được độc lập tự do…Tất cả đã tham gia với quyết tâm và hết sức mình cho trận Điện Biên Phủ”, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà đánh giá.
70 năm đã trôi qua nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 vẫn còn vang mãi. Rất nhiều điều đặc biệt để làm nên chiến thắng ấy cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà cho hay, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã huy động một lực lượng dân công thanh niên xung phong rất lớn để đảm bảo cho chiến dịch cả về mặt vật chất hậu cần, về vũ khí, trang bị. Chúng ta đã tập trung làm đường để kéo pháo vào Điện Biên Phủ. Chúng ta đã kéo được pháo vào là một kỳ công, sáng tạo của quân và dân ta. Kỳ công ở chỗ không chỉ kéo pháo vào mà khi thay đổi phương châm thì lại kéo pháo ra. Tất cả những điều này góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu.
Mời quý độc giả xem video Cựu chiến binh Hoàng Văn Lộc xúc động chia sẻ ký ức về Điện Biên Phủ. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
Mai Loan