Trận đánh ‘kinh điển’ của biệt động Sài Gòn

Google News

50 năm sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Đại tá Trần Minh Sơn vẫn còn nhớ như in trận đánh của biệt động Sài Gòn vào Đại sứ quán Mỹ gây chấn động dư luận bấy giờ.

Đại tá Trần Minh Sơn (92 tuổi, bí danh Bảy Sơn), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn, là người chỉ huy cuối cùng của lực lượng biệt động Sài Gòn hiện vẫn còn sống. Từng trực tiếp tham gia chỉ huy nhiều trận đánh oanh liệt nhưng trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 là trận đánh “kinh điển” mà ông Sơn luôn nhớ mãi.
Tối hậu thư của ông Sáu Dân
“Ngày 23 Tết Mậu Thân, tôi cùng anh Trần Hải Phụng (tức Hai Phụng), Tư lệnh Phân khu 6, đến báo cáo với anh Võ Văn Kiệt (tức anh Sáu Dân, lúc đó là Bí thư Khu ủy T.4 Sài Gòn-Gia Định) về kế hoạch của lực lượng biệt động Sài Gòn tấn công các mục tiêu trong chiến dịch Mậu Thân 1968... Năm đó tôi 42 tuổi” - ông Bảy Sơn hồi tưởng lại.
Trong báo cáo, ông Bảy Sơn đề ra kế hoạch tập trung phá nát các mục tiêu ở nội thành Sài Gòn là dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh hải quân, đài phát thanh, biệt khu thủ đô, tổng nha cảnh sát, khám Chí Hòa...
“Nghe xong, anh Sáu Dân khen chuẩn bị như vậy là tốt nhưng ngừng một chút, anh hỏi chúng tôi rằng tại sao không đánh vào Đại sứ quán Mỹ, có phải vì chúng tôi sợ. Câu hỏi của anh Sáu khiến chúng tôi do dự” - ông Bảy Sơn kể.
Thấy thái độ do dự của ban tham mưu, ông Võ Văn Kiệt khi đó đã tuyên bố thẳng: “Không đánh vào Đại sứ quán Mỹ thì coi như biệt động Sài Gòn không tham gia vào chiến dịch Mậu Thân!”.
Đại tá Trần Minh Sơn, tức Bảy Sơn, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, kiêm Tham mưu trưởng biệt động Sài Gòn. Ảnh: THANH TUYỀN 
“Một tối hậu thư mà đồng chí bí thư đưa ra. Bằng mọi giá biệt động phải đánh vào đại sứ quán nhưng không được điều chỉnh quân số bày bố ở các điểm mục tiêu trước đó” - ông Bảy Sơn kể.
Sở dĩ, lực lượng biệt động Sài Gòn vẫn do dự trước đề nghị của ông Võ Văn Kiệt là vì toàn bộ quân đã được bày bố cho việc đánh phá các mục tiêu đã được đề ra. “Nếu đánh đại sứ quán thì mọi thứ bắt đầu hoàn toàn từ con số không, mà chỉ còn năm ngày nữa là phải tổng tiến công. Không có quân, không có vũ khí, không có người chỉ huy, không có cơ sở nào trong nội thành. Cán bộ còn ai đâu? Súng trong thành phố đã giao hết. Lực lượng cũng đã phân bổ xong! Một bài toán quá khó nhưng buộc phải có đáp số” - ông Bảy Sơn nhớ lại.
Năm ngày đêm chuẩn bị
Suy nghĩ kỹ, ông Bảy Sơn đã đề nghị với ông Hai còn một người có thể đảm đương nhiệm vụ này là ông Ba Đen (chiến sĩ biệt động Ngô Thanh Vân), người đang giữ chìa khóa của 14 hầm vũ khí trong nội thành!
Một câu hỏi được tổ chức đặt ra ngay lúc đó: Nếu không may Ba Đen bị địch bắt thì liệu có khai ra 14 kho súng đạn đang quản lý và phụ trách hay không? Cuối cùng, tổ chức vẫn quyết định, ông Hai Phụng đã giao nhiệm vụ cho ông Ba Đen.
“Ba Đen rất quyết tâm và đề nghị tôi cùng tham gia làm công tác chuẩn bị. Anh nhờ tôi kiếm cho anh 200.000 USD, tôi chuyển lời cho bí thư thì được chấp nhận. Ba Đen bảo rằng sẽ “mua” đứt đám chỉ huy các đồn bót từ Củ Chi đến Sài Gòn.
Ba Đen cần thêm một phó chỉ huy, một số anh em và các loại vũ khí. Riêng vũ khí thì không quá lo lắng bởi đã có hầm chứa vũ khí bí mật của chiến sĩ biệt động Trần Văn Lai (tức Mai Hồng Quế) tại nội đô. “Vấn đề còn lại là lấy đâu ra người? Ban tham mưu tôi còn hơn 10 anh em chuyên lo giấy tờ chứ chưa đánh trận mạc bao giờ. Nhưng Ba Đen bảo chớ có lo, để anh em tập bắn loại súng của ta và của địch mấy ngày là được...” - ông Bảy Sơn nhớ lại.
Sau năm ngày đêm ráo riết chuẩn bị, đến ngày 28 Tết, mọi thứ đã sẵn sàng để đánh vào mục tiêu quan trọng: Đại sứ quán Mỹ!
Khúc ca bi tráng...
Đêm 28 Tết, ông Bảy Sơn vào nội thành Sài Gòn, đón những ngày cuối năm cùng anh em ở góc đường Minh Phụng (bùng binh Cây Gõ). Ông và các anh em đã có một đêm tâm tình với nhau trước khi bắt đầu chiến dịch.
“Tôi hỏi các anh em có tự tin đánh trận này không, đã sẵn sàng hết chưa? Rằng chắc chắn sẽ phải hy sinh trong trận chiến rất cam go này, các đồng chí có muốn đánh không...” - ông Bảy Sơn hồi tưởng. Ông kể lúc đó có một người nhỏ tuổi nhất tên là Vinh đã đứng lên, dõng dạc trả lời: “Nuôi quân ba năm, sử dụng một giờ, chú Bảy đừng lo, chúng tôi sẵn sàng hy sinh, sống mái với quân thù trong trận chiến đấu này!”.
“Anh em đã sẵn sàng hết rồi, đồng loạt hô lớn: Quyết tâm đánh! Tôi thấy xúc động vô cùng” - người lính biệt động già kể lại.
Ngay trong chiều mùng 2 Tết, Sở Chỉ huy ở số 7 Yên Đỗ - Phở Bình (nay là đường Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3) bị địch tấn công, nhiều chiến sĩ bị bắt giữ. Chiều mùng 2 Tết, tôi nhận tin có đội 17 người thì 16 người đã hy sinh, người còn lại bị địch bắt.
Đại tá TRẦN MINH SƠN (Bảy Sơn)
1 giờ 45 sáng 31-1-1968 (mùng 2 Tết nguyên đán), đội trưởng của các đội biệt động đồng loạt phát lệnh tấn công. Nội thành Sài Gòn rung chuyển dữ dội bởi tiếng B40, tiếng bộc phá và các loại súng đồng loạt khai hỏa.
Lực lượng biệt động đã lần lượt chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn, Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn, dinh Độc lập, Bộ Tư lệnh Hải quân...
Thời điểm đó, đội biệt động số 11 do ông Ba Đen chỉ huy cũng nhanh chóng áp sát và chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ. Còn các mục tiêu khác như Biệt khu Thủ đô, tổng nha cảnh sát và khám Chí Hòa thì không thể tiếp cận được vì bị địch chận lại, chỉ còn cách kết hợp đánh tại chỗ cùng quân địa phương rồi rút lui theo kế hoạch.
Cuộc đối đầu đã diễn ra ác liệt giữa lực lượng biệt động với đối phương đông gấp trăm lần. “Lúc đầu, nhiệm vụ của mỗi đội là đánh chiếm và cố giữ mục tiêu trong vòng hai giờ đồng hồ, sau đó sẽ có đại quân đến tiếp nhận. Nhưng các anh em chờ mãi mà lực lượng của địch phản công rất quyết liệt. Các anh em người thì hy sinh, người thì bị thương, bị bắt…” - ông Bảy Sơn kể.
Trong số những người hy sinh, ông Bảy Sơn kể có người chỉ mới 17 tuổi. “Thằng Vinh nhỏ tuổi nhất đó, mà nó hy sinh rồi... Vinh dự định sẽ cưới vợ sau khi trận đánh kết thúc... Có anh em từng là lính do tôi quản lý cũng lần lượt hy sinh...” - ông ngậm ngùi.
Món nợ suốt đời không thể trả!
“Người ta nói chiến sĩ biệt động thì có ý chí sắt đá lắm. Nhưng không...” - ông Bảy Sơn, tức Đại tá Trần Minh Sơn, bỏ lửng câu nói, im lặng một lúc lâu.
Dù 50 năm đã trôi qua nhưng mỗi khi nhắc đến những người anh em từng vào sinh ra tử với mình, ông Bảy Sơn vẫn không ngừng rơi nước mắt.
“Điều đau lòng nhất là mình không biết anh em sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai. Anh em biệt động chúng tôi chỉ lấy cái tên là thằng Năm, thằng Bảy, thằng Tám, thằng Mười... mà gọi nhau chứ không ai biết tên thật, gốc gác của nhau cả. 19 anh em đánh vào Đại sứ quán Mỹ, có 16 người là lính của tôi mà tôi cũng không biết là con của ai... Hy sinh nhiều lắm nhưng không tìm được tung tích” - ông Bảy Sơn không kiềm được sự xúc động.
Ông Bảy Sơn kể có người đã bảo vệ ông từ chén cơm manh áo, đeo balô phụ ông khi hành quân vì sợ quá nặng. Khi ông ốm đau thì anh em chăm sóc nhưng khi họ hy sinh, ông cũng thể tìm được họ ở đâu... Sau chiến dịch, ông đã tích cực tìm kiếm đồng đội từ nhiều phía nhưng vẫn không thể tìm thấy.
“Cha mẹ của những em nhỏ tuổi đến ôm chầm lấy tôi rồi khóc, hỏi con tôi đâu chú Bảy ơi, tôi vẫn không trả lời được cho họ...” - ông Bảy Sơn nói trong cơn xúc động - “Nợ tiền nợ bạc thì còn có thể trả được chứ món nợ này, là máu của anh em, tôi không thể trả. Tôi mắc cái nợ đó đến suốt đời!”.
Với ông, tình động đội, tình quân dân mãi mãi thiêng liêng. “Tôi hoạt động ở nội thành nhiều, hiểu rõ được lòng dân. Mối quan hệ giữa bộ đội với dân, với biệt động khó mà nói hết thành lời...”.
Người lính biệt động ngày nào nay đã 92 tuổi. Cuối đời mình, ông Bảy Sơn vẫn chỉ đau đáu một điều: “Tình quân dân nó sâu nặng lắm. Tôi tự thấy còn nợ người dân thành phố này nhiều...”.
Theo THANH TUYỀN/PLO