Thủ đô Moscow (Nga) từng là nơi tập trung cao độ các gián điệp đến từ khắp nơi trên thế giới. Trò chơi “nghiệp vụ” tàn khốc đã và vẫn đang diễn ra ở đây.
Chuyên trang đối ngoại Nga RBTH giới thiệu những địa điểm hàng đầu tại Moscow mà KGB (Ủy ban An ninh Quốc gia của Liên Xô) chiến đấu với CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ):
Khách sạn Pekin
Khu phức hợp nổi tiếng ấn tượng này hội tụ cả nhà hàng và khách sạn. Tổ hợp này được xây vào thời kỳ Stalin. Không nghi ngờ gì nữa, nơi đây được đặt dưới sự theo dõi chặt chẽ của KGB. Hầu hết các phục vụ bàn và bồi bàn trưởng đều là nhân viên của KGB. Rệp nghe lén được cài trong mọi phòng khách sạn và nhà hàng tại đây. KGB cũng sử dụng Pekin làm khách sạn của riêng mình, nơi các đặc vụ đến từ các thành phố khác của Liên Xô lưu trú trong thời gian thăm Moscow.
|
Khách sạn Pekin. Ảnh: RIA. |
Trong các năm 1961-1962, tại khách sạn Pekin, điệp viên Anh Greville Maynard Wynne đã thực hiện các cuộc gặp với đại tá Oleg Penkovsky thuộc tình báo quân sự Liên Xô (GRU). Oleg Penkovsky khi ấy là một điệp viên CIA và được biết với cái tên “Đại tá của 3 cơ quan tình báo”, gồm Liên Xô, Mỹ và Anh. Penkovsky được thăng lên hàm Đại tá ở Mỹ và Anh và được hứa hẹn một vị trí trong bất kỳ đơn vị tình báo nào ông lựa chọn tại đây.
Tại Pekin, Oleg Penkovsky thường gửi cho điệp viên Wynne các bức ảnh chụp các tài liệu mật liên quan đến hệ thống vũ khí của Liên Xô. Tổng cộng Penkovsky đã gửi đi khoảng 5.000 bức ảnh. Ở chiều ngược lại, ông ta được nhận tiền, quà lưu niệm ngoại quốc, và cả các nhiệm vụ mới.
Phố Kosmodamianskaya, số 36
Đại tá GRU kiêm điệp viên CIA Penkovsky sống trong một căn hộ tại phố Kosmodamianskaya, số 36 (khi đó là phố Maxim Gorky). Năm 1963, các nhân viên KGB đã gài thiết bị theo dõi ông ta.
|
Phố Kosmodamianskaya, số 36. Ảnh: Google Maps. |
Trên ban công của tầng phía trên căn hộ mà Penkovsky ở, nhân viên KGB đã giấu một chiếc camera nhỏ bên trong một bình hoa. Chiếc camera này chứng minh Penkovsky đã chụp các tài liệu mật bên cửa sổ bằng chiếc máy ảnh Minox nhỏ gọn.
Penkovsky bị bắt vào năm 1963 và bị kết án tử hình vào năm đó.
Cầu Krasnoluzhsky
Cây cầu Krasnoluzhsky nằm ở Tây Nam Moscow là nơi gặp gỡ giữa các điệp viên CIA và nhân viên Alexander Ogorodnik thuộc Bộ Ngoại giao Liên Xô. Ông này được tình báo Mỹ tuyển dụng trong thời gian ông công tác ở Campuchia vào năm 1974.
|
Cầu Krasnoluzhsky. Ảnh: TASS. |
Thông tin mật trao đổi giữa Ogorodnik và CIA được chuyển qua các hộp được ngụy trang như là hòn đá hoặc thanh gỗ. Các hộp này được giấu ở trụ cầu.
Ogorodnik bị bắt vào ngày 22/6/1977 nhưng đã tự sát sau đó. KGB nỗ lực đảm bảo rằng CIA không hay biết về cái chết của ông ta. Và trò chơi nghiệp vụ bắt đầu.
Vào ngày 15/7/1977, nhân viên Đại sứ quán Mỹ đồng thời là điệp viên CIA Martha Peterson khi đang cố gắng giấu một bình chứa thông tin cho Ogorodnik tại cây cầu Krasnoluzhsky thì bị các đặc vụ KGB bắt giữ. Ngày hôm sau, cô ta bị trục xuất khỏi Liên Xô.
Cây cầu Krasnoluzhsky giờ đã được thay thế bằng cây cầu mới Luzhnetsky vào đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên các trụ cầu cũ vẫn còn đó, bao gồm các cột chống từng giấu các hộp chứa thông tin bí mật trong vụ án gián điệp Ogorodnik.
Sân ga tàu “Severyanin”
Năm 1985, KGB theo dõi gián điệp CIA Paul Zalaki, người đã giấu một hộp thông tin mật ngụy trang như hòn đá cách không xa sân ga tàu “Severyanin” trên tuyến Moscow-Yaroslavl.
Vài tuần lễ sau đó, các nhân viên tình báo Xô viết bắt giữ Leonid Poleshuk, một nhân viên KGB làm điệp viên cho CIA, người đã tới để lấy hộp thông tin mật nói trên. Poleshuk tham gia gửi cho Mỹ các thông tin về điệp viên Liên Xô ở Nepal và Nigeria.
Hộp bí mật nói trên chứa đầy tiền, tới 25.000 rouble (với giá tiền lúc đó, số tiền này đủ để mua 4 chiếc ô tô). Đây là thù la mà CIA gửi cho Poleshuk.
Nhà thờ Lớn Saint Basil
Nhà thờ này nằm ở Quảng trường Đỏ, ngay trung tâm của nước Nga. Thoạt nhìn, nó khó có thể là nơi hoàn hảo dành cho các gián điệp CIA. Nhưng trên thực tế, đó lại là một nơi như vậy.
Một đoạn cầu thang xoắn từ tầng 1 lên tầng 2 của tòa nhà này là nơi lý tưởng để bí mật truyền giấy mật.
Hơn nữa, nếu các nhà ngoại giao nước ngoài mà rời trung tâm Moscow ra ngoại ô thì có thể dễ dàng gây nghi ngờ cho phản gián Liên Xô.
Năm 1985, Đại tá KGB kiêm điệp viên tình báo Anh Oleg Gordievsky chuẩn bị đào tẩu khỏi Liên Xô. Theo kế hoạch, ông ta sẽ gặp điệp viên nước ngoài tại Nhà thờ Basil để nhận chỉ dẫn nhưng lần đó nhà thờ này lại đóng cửa.
Ấy thế nhưng Gordievsky vẫn xoay sở để cắt được sự đeo bám của nhân viên KGB và trốn thành công sang Anh. Ông ta sau đó bị Liên Xô kết án tử hình vắng mặt vì tội phản quốc. Cho đến ngày nay, Gordievsky vẫn nằm trong số ít trường hợp đào tẩu thành công khỏi lưới truy bắt của phản gián Liên Xô.
Theo Trung Hiếu /VOV News