Các cuộc tranh luận gần đây giữa Tổng thống Obama và Tổng thống đắc cử Donald Trump về chính sách của Mỹ đối với Israel và Nga vô hình chung gợi cho chúng ta một lời nhắc nhở về việc những Tổng thống kế nhiệm sẽ làm gì với di sản mà người tiền nhiệm để lại.
Người phụ trách cũ của báo mạng điện tử Tin tức Dallas Buổi sáng (The Dallas Morning News), nhà báo Carl P.Leubsdorf có bài bình luận về những "di sản Obama" sẽ ra sao dưới thời người kế nhiệm Donald Trump đăng trên tờ Dallas News.
Rõ ràng, Tổng thống Obama nắm giữ một vị trí đặc biệt trong lịch sử nước Mỹ khi ông là người da màu đầu tiên giữ chức vụ Ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, cùng với điều đó, nhiều người nghi ngại về những di sản của ông Obama như Đạo luật Chăm sóc y tế Hợp túi tiền và chính sách cải cách thị trường tài chính trong nước cũng như các sáng kiến mang tính tích cực với Cuba và Iran trong chính sách ngoại giao sẽ ra sao dưới thời ông Donald Trump, người sẽ chính thức lên nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 tới.
|
Tổng thống Obama cùng vợ con và Phó Tổng thống Joe Biden vẫy tay chào mọi người trên sân khấu buổi phát biểu chia tay ở Chicago ngày 10/1/2016. Ảnh Chicago Tribune
|
Xoay quanh việc này, cựu Thượng nghị sỹ bang Texas Phil Gramm viết trên tờ The Wall Street Journal rằng, ông Obama là “một trong ba Tổng thống thay đổi nhất trong thế kỷ qua” cùng với hai cựu Tổng thống Franklin Roosevelt và Ronald Reagan. Ông Phil Gramm còn dự đoán rằng, nhiều thành tựu trong suốt 8 năm tại nhiệm của Tổng thống Barack Obama sẽ chẳng “tồn tại” được dưới thời tỷ phú Donald Trump.
Đặc biệt, đạo luật chăm sóc y tế gây tranh cãi Obamacare và đạo luật Dodd-Frank (nhằm cải cách thị trường tài chính Mỹ sâu rộng nhất kể từ thời Đại suy thoái) đều sẽ nằm trong tầm ngắm của ông Trump một khi ông này lên nắm quyền.
Theo bài bình luận trên tờ Dallas News, việc thay thế hai đạo luật trên có thể là một trong những mục tiêu hàng đầu của Tổng thống sắp nhậm chức Donald Trump. Tuy nhiên, khả năng bãi bỏ và thay thế bằng một đạo luật khác sẽ là khó, nhưng hai đạo luật này có thể tiếp tục tồn tại sau khi được sửa đổi.
Thêm nữa, bài bình luận trên Dallas News còn cho rằng, ông Trump có thể dễ dàng lật ngược các di sản của ông Obama như việc tăng cường các quy định về môi trường nhằm giảm tác động của biến đổi khí hậu hay chính sách bảo vệ hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp.
Dẫu rằng vậy, tác giả bài bình luận trên tờ Dallas News cũng nêu hai bước tiến ngoại giao nổi bật trong thời gian 8 năm cầm quyền của ông Obama.
Cụ thể, Mỹ cùng 5 cường quốc khác, trong đó có cả Nga, đã đạt được thỏa thuận lịch sử với Iran nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của nước này đổi lại Mỹ, EU và Liên Hiệp Quốc sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Ngoài ra, chính quyền Mỹ trong năm qua đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Cuba sau 54 năm cắt đứt hoàn toàn, mặc dù cho tới nay, lệnh trừng phạt kinh tế do phía Mỹ áp đặt với nước này vẫn còn hiệu lực.
Trong khi đó, một bài viết khác đăng tải trên tờ Người Bảo vệ (The Guardian) hôm 8/1 nêu một loạt các ý kiến về các di sản mà Tổng thống Obama để lại. Điển hình, cựu Giám đốc phụ trách truyền thông trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 2008 của ông Barack Obama, Neil Sroka cho biết: "Nhìn chung, di sản của Tổng thống Obama sẽ là việc hàng triệu người Mỹ sẽ nhớ về một vị Tổng thống trông ra sao hay trò chuyện thế nào”.
Thêm vào đó, Sroka, người hiện là Giám đốc truyền thông của nhóm đầu tranh vì dân chủ mang tên Dân chủ vì người Mỹ, tỏ ra thận trọng hơn nhưng cũng tin rằng, ít nhất một số di sản của ông Obama vẫn sẽ tồn tại dưới thời Tổng thống kế nhiệm Donald Trump.
Còn cựu Bộ trưởng Hải quân Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton, ông Richard Danzig lại cho rằng: “Những di sản lớn nhất của Tổng thống Obama là sự hợp lý có chừng mực trong việc đưa ra các quyết sách và tính toàn diện trong chính trị”.
|
Tổng thống Obama chào mọi người khi ông rời sân khấu buổi lễ phát biểu chia tay ở Chicago ngày 10/1. Ảnh: Chicago Tribune.
|
Chiến lược gia chính trị và từng là Giám đốc truyền thông Nhà Trắng dưới thời ông Obama, Anita Dunn chia sẻ: “Tôi không nghĩ bạn có thể ngăn một quá trình tiến hóa liên tục ở đất nước này. Tôi nghĩ, quan điểm về thách thức của nước Mỹ luôn được nhìn nhận rất khác từ (những người) bên trong Nhà Trắng so với bên ngoài trong suốt một quá trình chuyển giao quyền lực hoặc chiến dịch tranh cử. Nhìn chung, sắp có một vài cuộc đấu tranh để cố gắng bảo tồn một số chính sách tiến bộ mà Tổng thống đã đưa vào thi hành (và có hiệu lực). Tôi cho rằng, những thay đổi rộng lớn hơn ở Mỹ không phải là những điều mà bạn có thể lật lại. Bạn không thể xoay chuyển thái độ của mọi người về hôn nhân hay về điều cần thiết để giải quyết biến đổi khí hậu ngay cả khi bạn có thể không nhất trí với cách làm thế nào để làm điều đó hiệu quả nhất”.
Viết trên tờ The Atlantic, nhà báo Ta-Nehisi Coates nhận xét: “Nhìn chung, Tổng thống Obama trở thành biểu tượng hàng ngày của tầng lớp da màu (sinh sống ở Mỹ)”.
Ông Iwan Morgan, Giáo sư chuyên nghiên cứu chính trị Mỹ tại Đại học London chia sẻ quan điểm của mình về hai di sản không thể xóa bỏ của Tổng thống Obama dưới thời ông Donald Trump: công lao vực dậy nền kinh tế Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính và chính sách “không can thiệp quân sự vào Syria”.
“Ông ấy (tức Tổng thống Obama) nhậm chức có lẽ vào thời điểm khó khăn nhất của bất kì một Tổng thống nào kể từ thời Tổng thống Franklin D. Roosevelt. Nước Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế kể từ cuộc Đại suy thoái và tham gia vào hai cuộc chiến tranh ở nước ngoài. Đó là một sự kế thừa rất khó khăn”, Giáo sư Iwan Morgan nói.
Thanh Nga