Tô Đát Kỷ: Những bí mật của mỹ nhân bị gán mác hồ ly tinh

Google News

Tô Đát Kỷ là mỹ nhân gây nên sự sụp đổ của nhà Thương trong lịch sử Trung Quốc và còn bị coi là hồ ly tinh. Sự thật có phải như vậy, nàng là nhân vật ghê gớm cỡ nào?

1. Tiểu sử Đát Kỷ
Xuất hiện trong các tác phẩm văn học cũng như bộ phim của Trung Quốc, hình ảnh Đát Kỷ vốn luôn được biết đến với hình tượng xinh đẹp mỹ miều.
1.1. Đát Kỷ là ai?
Đát Kỷ hay còn gọi là Tô Đát Kỷ, nghĩa là người con gái họ Kỷ của nước Tô. Vì nàng rất đẹp nên người xưa dùng tên từ Đát để diễn tả vẻ đẹp của nàng. Nếu nói đúng ra thì tên của nàng phải là Tô Kỷ Đát nhưng do thói quen nên lâu dần mọi người đều gọi nàng là Đát Kỷ. Nhiều phiên bản gọi nàng là Đắc Kỷ.
Đát Kỷ được biết đến như một vị vương hậu của Trụ Vương, tức là Đế Tân. Ông chính là vị quân chủ cuối cùng của nhà Thương. Mỹ nhân Đát Kỷ cùng với Bao Tự của nhà Chu, Ly Cơ của nhà Tấn, Muội Hỉ của nhà Hạ được coi là Tứ đại yêu cơ, là "hồng nhan họa thủy". Họ đều là những mỹ nhân khiến cho nhiều triều đại sụp đổ và nhiều quân vương vì thế mà nước mất nhà tan.
1.2. Vẻ quốc sắc thiên hương của nàng Đát Kỷ
Theo các ghi chép trong sử sách, ở nước Tô có một vị tên là Ký Châu hầu Tô Hộ có con gái tên là Tô Đát Kỷ. Đát Kỷ nổi tiếng với vẻ đẹp quốc sắc thiên hương, diễm lệ khó ai sánh bằng. Mắt của nàng được ví như những giọt sương mai, da mịn màng như tơ lụa, mũi cao thẳng tắp, miệng chúm chím như hoa đào, môi đỏ, giọng nói thánh thót, dáng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển.
To Dat Ky: Nhung bi mat cua my nhan bi gan mac ho ly tinh
 
Nàng không chỉ tinh thông cầm kỳ thi họa mà còn rất giỏi việc pha trà cũng như may vá. Ai đã từng gặp nàng, dù là nam hay nữ đều bị vẻ đẹp của nàng mê hoặc. Vẻ đẹp của nàng nổi tiếng đến nỗi, kinh thành xa xôi cũng biết tới tiếng tăm. Vì thế, một người nổi tiếng háo sắc như Trụ Vương khi nghe tới cũng tìm đủ cách để chiếm được nàng.
2. Đát Kỷ thực tế không phải là hồ ly tinh
Trong các truyền thuyết dân gian, thậm chí là trong các bộ phim đều nhận định rằng Đát Kỷ thực chất là do một con hồ ly tinh biến hình. Tuy nhiên, mới đây, nhà nghiên cứu Hoàng Minh Sùng của Viện Nghiên cứu Lịch sử và Ngôn ngữ đã bác bỏ luận điểm này. Theo ông, Đát Kỷ không chỉ là phi tần của Trụ Vương mà còn là một người phụ nữ cùng phu quân ra chiến trường.
Căn cứ vào các tư liệu và di chỉ văn hóa khảo cổ thuộc thời nhà Thương, các nhà nghiên cứu đã thấy rằng địa vị của người phụ nữ thời bấy giờ đều rất cao quý, đặc biệt là với những người thuộc nhà quyền quý.
Có thể lấy hoàng hậu Phụ Hảo của Thương vương Vũ Đinh ra làm ví dụ. Nàng không chỉ được tham gia vào việc chính sự, tế lễ mà còn cùng chồng và tướng sĩ ra trận. Cụ thể, khi Thương vương Vũ Đinh đích thân cầm quân thì Phụ Hảo sẽ là người thực hiện chiến thuật bao vây quân giặc. Thực tế, các hoàng hậu của nhà Thương đều cùng chồng ra sa trường.
Nếu căn cứ theo lịch sử thì Đát Kỷ cũng sẽ có vai trò tương tự như những người phụ nữ khác của triều Thương. Hơn nữa, trong trận Mục Dã là trận chiến khiến nhà Thương sụp đổ và nhà Chu thay thế, Trụ Vương và Đát Kỷ thua trận đã tự thiêu tại Lộc Đài. Từ cái chết của Đát Kỷ có thể thấy nàng thực tế không phải là hồ ly tinh như những lời đồn đại. Theo các nhà nghiên cứu thì những nhà Nho thời xưa chỉ vì muốn tô đẹp hình tượng của Chu vương nên đã cố tình gán tiếng xấu cho Đát Kỷ và Trụ vương.
3. Đát Kỷ và 3 bí ẩn ít người biết
Đát Kỷ vốn là một nhân vật có thật ngoài đời nhưng do bị thêu dệt nên xung quanh nàng có thêm nhiều câu chuyện huyền bí ma mị.
3.1. Độc phụ ác độc nhất trong "Tứ đại yêu cơ"
Tương truyền, Đát Kỷ và Trụ Vương là những ác nhân vô cùng man rợ. Trong một lần đi chơi, họ vô tình bắt gặp một cụ già dắt theo một em bé đội mưa tuyết mà đi. Đứa bé cứ vừa đi vừa run rẩy vì rét còn ông lão thì vẫn bình thường. Thấy vậy, Đát Kỷ nói rằng do ông lão sinh ra khi cha mẹ ông còn trẻ nên ống chân có tủy và không thấy lạnh. Còn đứa nhỏ do được sinh ra khi cha mẹ đã già nên chân lạnh do không có ống tủy.
Nào ngờ Trụ vương nói không tin, Đát Kỷ liền ra lệnh người chặt chân của ông lão và em bé ra xem thực hư có phải vậy không rồi còn cười lớn. Rồi có lần, cả 2 vì muốn biết đứa bé bên trong bụng một sản phụ là trai hay gái mà đã lạnh lùng ra lệnh mổ bụng xem.
Trụ vương cũng là người có hành động độc ác không kém Đát Kỷ. Họ thường xuyên dùng roi da đánh lên người các con vật đến nỗi bật máu và hằn những vết đỏ sau đó nướng lên và cùng thưởng thức. Họ còn treo thịt đầy trong cung và treo thành rừng gọi là nhục lâm. Sau đó, đổ rượu vào hồ, gọi là tửu trì rồi cùng các mỹ nhân xuống tắm.
Có lần Đát Kỷ bắt một vị quan thân tín của Trụ vương là Tỷ Can phải moi tim ra. Chỉ vì bất hòa với Đát Kỷ mà Tỷ Can bị bắt trói vào cột nung đỏ đến cháy hết cả lưng. Sau đó, Đát Kỷ còn phát minh ra một thứ gọi là "bào lạc". Đây là một cái ống đồng được nhét đầy than đỏ, rồi đặt trên một hố lửa và bắt phạm nhân tự lột quần áo giày dép rồi đi từ đầu này sang đầu bên kia. Nhiều quan trong triều đã bị họ tàn sát.
Vì sự tàn ác của mình khiến dân chúng nước Thương căm phẫn vô cùng nên Đát Kỷ dù rất xinh đẹp nhưng không được xếp vào hàng "Tứ đại mỹ nhân" mà bị xem là hồ ly tinh. Hơn nữa, vì Đát Kỷ mà nhà Thương diệt vong nên nàng đã được coi là "hồng nhan họa thủy" và là một trong "tứ đại yêu cơ" của Trung Quốc.
3.2. Muốn diệt Đát Kỷ phải dùng một thanh kiếm gỗ
Trong "Phong thần diễn nghĩa" từng ghi lại, Vân Trung Tử coi Đát Kỷ là hồ ly tinh, muốn diệt trừ bà nên đã dâng một thanh kiếm gỗ cho Trụ Vương. Tuy nhiên sau đó Trụ Vương đã đốt thanh kiếm này. Thế nhưng vì sao Vân Trung Tử lại dùng chất liệu này để làm kiếm?
Để lý giải cho việc này, cuốn sách "Chu Triều bí sử" đã ghi lại rằng: Vốn ở núi Trung Nam có Vân Trung Tử, là một người luyện khí công. Thấy Tế Châu có yêu khí ngút trời, Vân Trung Tử liền dùng gương chiếu yêu soi nhưng yêu quái đã kịp trốn tới Thương Đô. Vân Trung Tử cho rằng nếu không diệt trừ yêu ma quỷ quái thì nước sẽ mất, nhà sẽ tan.
Ông lệnh cho Đạo Đồng tìm một cây gỗ bách để làm kiếm sau đó đi đến cung điện nhà Thương. Đạo Đồng cảm thấy tò mò liền hỏi ông thanh kiếm gỗ này có thể dùng sao. Vân Trung Tử cho hay, vì đây là hồ ly tinh nghìn năm nên phải dùng loại gỗ kho ngàn năm mới có thể đánh tới hình thần của yêu nghiệt. Kiếm làm xong, ông liền cải trang thành một đạo sĩ đi tìm Trụ vương.
Thế nhưng khi hay tin này, Đát Kỷ đã giả ngất xỉu vì sợ và yêu cầu Trụ vương vứt bỏ thanh kiếm đó đi. Trụ vương cho rằng đạo sĩ tặng thanh kiếm chỉ để xua đuổi tà mà cớ sao phải vứt. Đát Kỷ lại cho rằng đây chỉ là tà thuật mà đạo sĩ dùng để mê hoặc Trụ vương, chớ dùng mà nên đốt nó đi. Nghe lời của Đát Kỷ, Trụ Vương đã ra lệnh đốt thanh kiếm.
3.3. Đát Kỷ là người đã phát minh ra đôi đũa
Ít ai biết được rằng Đát Kỷ, người bị coi là "yêu hồ" lại gắn với sự ra đời của một loại dụng cụ ăn uống gắn liền với người châu Á là đôi đũa.
Truyền thuyết này đến từ Giang Tô, dân gian kể rằng Trụ vương thường hay buồn vui thất thường và rất dễ nổi nóng. Đặc biệt là khi ăn, Trụ vương thường chê này chê nọ, khi thì chê đồ ăn quá nguội hay quá nóng, đồ quá mặn hay nhạt, thức ăn không tươi… Thậm chí, nhiều người phục vụ trong Ngự thiện phòng còn mất mạng vì tâm trạng của Trụ vương.
Để lấy lòng Trụ vương, Đát Kỷ đề nghị được thử trước đồ ăn để tránh làm ngài không vui. Tuy nhiên, trong một lần dùng yến tiệc, Đát Kỷ gặp trúng món đồ quá nóng liền rút cây trâm đang cài trên đầu để kẹp thức ăn rồi vừa thổi vừa bón cho Trụ vương.
Nào ngờ Trụ vương thấy hành động này rất thích thú và yêu cầu Đát Kỷ từ giờ hãy bón thức ăn như vậy cho mình. Sau đó, Đát Kỷ yêu cầu các nghệ nhân làm cho mình một đôi trâm làm bằng ngọc để dùng gắp đồ ăn cho Trụ vương. Đây chính là hình mẫu đầu tiên của đôi đũa mà chúng ta vẫn sử dụng hàng ngày. Vật dụng này lưu truyền tới nhân gian và được thay đổi thành nguyên liệu khác là đũa gỗ, tre, trúc…
Nếu như trước đây Đát Kỷ thường gắn với hình ảnh của một con yêu nghiệt độc ác nhưng qua bài viết này có thể thấy nàng thực chất không phải như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng Đát Kỷ chính là nguyên nhân dẫn tới sự hủy diệt của một triều đại, một quốc gia.
Theo Pháp luật và Bạn đọc