Ngày 6/10, nhóm thăm dò dấu vết lăng mộ vua Quang Trung bắt đầu mở hố thám sát đầu tiên tại khu vực gò Dương Xuân (phường Trường An, TP Huế, Thừa Thiên - Huế).
|
Các nhà khảo cổ khảo sát tìm kiếm các di chỉ khảo cổ. Ảnh. Điền Quang. |
Cuộc thăm dò do Viện Khảo cổ học và Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế thực hiện dưới sự chủ trì của PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học.
Địa điểm thăm dò là khu vực gò Dương Xuân gần chùa Thuyền Lâm và chùa Vạn Phước. Đây là địa điểm mà nhà nghiên cứu văn hóa Huế ông Nguyễn Đắc Xuân đã xác định là nơi tọa lạc cung điện Đan Dương của vua Quang Trung và là nơi chôn cất thi hài của vua sau khi băng hà.
Theo ông Nguyễn Đắc Xuân, khu vực gò Dương Xuân hiện nay là một phần của phủ Dương Xuân của vua Quang Trung. Khi Quang Trung lên ngôi nơi này trở thành cung điện Đan Dương, đến khi vua băng hà được chôn cất ngay tại đây.
Khi vua Gia Long (triều Nguyễn) lên ngôi đã quật điện Đan Dương chôn xuống đất.
|
Một số di vật được lấy lên từ các hố đào thăm dò. Ảnh. Điền Quang. |
Từ nhiều nguồn tài liệu trong và ngoài nước, kết hợp với những phát hiện thực địa, ông Xuân cho rằng cung điện Đan Dương vốn được hình thành từ cung điện mùa đông của chúa Nguyễn Phúc Khoát (thuộc phủ Dương Xuân, nằm trên gò Dương Xuân).
Phủ này bị vua Gia Long phá hủy vào năm 1802. Vì vậy, trong sách Đại Nam Nhất Thống Chí có viết phủ Dương Xuân từ đó mất tích.
"Tất cả những di tích được tìm thấy ở đây là kiến trúc của phủ Dương Xuân (tiền thân của cung điện Đan Dương). Trong đó có lăng vua Quang Trung. Ở cuộc khảo cổ thăm dò này, chúng tôi chỉ muốn chứng mình rằng phủ Dương Xuân là cung điện Đan Dương chứ chưa nói đến lăng vua Quang Trung", ông Xuân cho hay.
Cuộc khảo cổ thăm dò tại địa điểm gò Dương Xuân được thực hiện theo giấy phép của Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch có thời gian 15 ngày và cho phép đào 5 hố thăm dò với diện tích 22 m2.
Dự kiến khoảng 3 tháng sau khi tiếng hành thăm dò, đoàn khảo cổ sẽ báo cáo sơ bộ Văn hóa và 1 năm sau sẽ nộp báo cáo chính thức về dấu tích cung điện Đan Dương (lăng vua Quang Trung) lên các cơ quan chuyên môn.
|
Đoàn khảo cổ thăm dò một ví trí nằm trong khuôn viên nhà dân. Ảnh. Điền Quang. |
PGS.TS Bùi Văn Liêm, Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học cho biết công việc khảo cổ thăm dò phụ thuộc vào số lượng di vật phát hiện công việc dưới lòng đất.
"Tại cuộc thăm dò này, chúng tôi tiến hành khảo sát thăm dò toàn bộ gò Dương Xuân trong đó có 2 địa điểm là chùa Vạn Phước và chùa Thuyền Lâm. Công việc khảo sát thăm dò đúng vào mùa mưa ở Huế nên ảnh hưởng không nhỏ đến công tác khai quật khảo cổ tại đây", ông Liêm cho hay.
Theo Điền Quang/Zing