Những con người thất bại
Kyung-man là một người thua cuộc ở chốn đô hội phồn hoa Seoul. Dù đã chăm chỉ tích lũy kinh nghiệm bán hàng trong 40 năm, nhưng trong bốn năm qua ông không một lần được lọt vào danh sách xét tăng lương của công ty ông đang làm việc và trở thành mục tiêu để lãnh đạo cùng các bậc đàn em ra sức chế giễu, đùa cợt.
Nhưng không phải cứ ra khỏi công ty là ông được “đăng xuất” khỏi chốn địa ngục. Khoản lương ít ỏi mang về nhà khiến ông không được vợ con tôn trọng lắm. Vợ ông vừa làm thêm, vừa làm nội trợ nên cũng không có thời gian để quan tâm đến chồng. Đã từ lâu, gia đình không còn là nơi cho ông sự ấm áp thân thuộc nữa, vì ông không cảm nhận được sự cảm thông hay thấu hiểu từ bất kỳ ai.
|
“Cửa hàng tiện lợi bất tiện” đã bán được hơn 700.000 bản tại Hàn Quốc, trở thành tiểu thuyết ăn khách hàng đầu. |
Tan giờ làm, nếu không phải tham gia các bữa tiệc liên hoan, nhậu nhẹt cùng đối tác, Kyung-man luôn tìm đến cửa hàng tiện lợi Always ở khu phố nhỏ Cheongpa-dong bình dân để mua một chai rượu Soju, một hộp mì tôm cùng kimbap cá ngừ, rồi ra trước cái bàn kê ngoài cửa hàng để tận hưởng thời gian tự do thoải mái duy nhất trong ngày.
Mỗi buổi tối như vâỵ tiêu tốn năm nghìn won. Đây là mức giá rẻ nhất và cũng là mức giá duy nhất mà người đàn ông nghèo có thể chi trả mỗi ngày.
Bà Oh, nhân viên làm buổi sáng ở cửa hàng tiện lợi Always có chồng đột nhiên bỏ việc, rồi bỏ đi biệt tích. Cậu con trai tốt nghiệp đại học, xin được vào một công ty lớn khiến bà ngập tràn hy vọng.
Nhưng chỉ sau một năm hai tháng, anh ta đã xin nghỉ ở công ty đó. Sau khi nướng hết số tiền vào cổ phiếu, anh thường xuyên tụ tập với đám bạn vô công rồi nghề, huyễn hoặc với mơ ước trở thành một đạo diễn vĩ đại, rồi rơi vào trầm cảm, phải nhập viện; cuối cùng thì tối ngày đâm đầu vào các trò game bắn giết vô bổ. Đáng nói nhất con trai bà Oh thậm chí còn không muốn giao tiếp với mẹ mình.
Minsik có thân phận đặc biệt hơn cả, là con trai của bà chủ cửa hàng tiện lợi, nhưng anh ta cũng là một kẻ thua cuộc điển hình. Bị ép buộc đi theo con đường học hành, trong khi sở thích và năng khiếu là môn bóng chày; thế giới quan của Minsik bị thay đổi nghiêm trọng.
Sau khi lấy được bằng tốt nghiệp đại học, Minsik quyết định phải làm tất cả để kiếm được ra tiền. Minsik coi tiền là giá trị duy nhất để anh được gia đình công nhận, và giúp anh được là chính mình. Để kiếm được tiền, nhiều khi anh dám vượt qua ranh giới mong manh giữa hợp pháp và bất hợp pháp.
Chưa tròn 30 tuổi anh đã có được một căn hộ chung cư, một chiếc xe nhập khẩu hạng sang; những người trong gia đình cũng nhìn anh bằng cách khác. Minsik đặt mục tiêu phải kiếm được nhiều tiền hơn nữa, để khiến gia đình phải quỵ lụy với mình. Sự vội vàng trong việc phát triển kinh doanh khiến anh phải trả giá đắt.
Sau đó cuộc ly hôn với cô vợ “đểu” khiến anh mất đi tiếp căn nhà. Sai lầm trong kinh doanh Bitcoin là thất bại cuối cùng khiến anh hoàn toàn trắng tay, phải quay về ở với mẹ, và luôn nhăm nhe tìm cách khuyên bà bán đi cửa hàng tiện lợi để cho anh vốn khởi nghiệp lại từ đầu.
Ông Kwak trước đây từng là cảnh sát, nhưng ông đã bị đuổi khỏi ngành sau một lần nhận hối lộ để có tiền mua nhạc cụ và trang trải học phí cho con trai. Khi thành lập văn phòng điều tra tư nhân, thực hiện những công việc nằm trong lằn ranh mong manh của sự hợp pháp và bất hợp pháp, vợ và các con dần trở nên xa lạ, giữ khoảng cách, cuối cùng hoàn toàn xa lánh ông. Ông Kwak được Minsik thuê để điều tra một nhân viên mới của cửa hàng.
Rồi In Kyung, một diễn viên hết thời chuyển sang nghề biên kịch, nhưng những kịch bản cô viết cũng không nhận được phản hồi tích cực. Và cô ý định gác bút nếu sau khi chuyển đến căn hộ gần cửa hàng Always để tập trung viết lách mà không viết được cái gì đó ra hồn.
Người một mình cô độc kết nối
Nhân vật đặc biệt nhất liên quan đến cửa hàng Always là Dok-go, từng là một người vô gia cư mất trí nhớ, mắc tật nói nhát gừng và nghiện rượu. Anh được bà chủ cửa hàng nhận vào vị trí người bán hàng ban đêm do tình cờ giúp bà lấy lại được chiếc ví cầm tay trong đó có hơn 40 ngàn won cùng tất cả giấy tờ quan trọng của bà với điều kiện anh phải bỏ uống rượu.
Ngày qua ngày, một cách kì diệu, người đàn ông trung tuổi mất trí nhớ có cái tên có nghĩa “một mình cô độc” ấy lại là người kết nối và hướng dẫn tất cả những người thua cuộc kể trên nhận ra được vấn đề của bản thân, thay đổi cách sống, cách đối đãi với người thân, thay đổi cuộc sống của mình. Sự kết nối ấy cũng giúp anh dần lấy lại được trí nhớ, biết mình là ai, tại sao lại lâm vào cảnh vô gia cư bần cùng như thế.
Dok-go hóa ra từng là một bác sĩ thẩm mỹ lành nghề. Nhưng lòng tham tiền bạc, hy vinh khiến anh bất chấp tất cả để làm việc cho một gã viện trưởng độc ác, không từ thủ đoạn để kiếm tiền. Khi góp phần gây ra cái chết của một cô gái trẻ, anh đã buộc phải nghỉ việc một thời gian. Sự việc này cộng với thái độ tự cao tự đại, giấu giếm, khiến vợ con không còn tin tưởng và quyết định rời xa anh. Vị bác sĩ sau đó đã lao vào rượu chè để giải tỏa, cuối cùng rượu đã khiến anh mất trí nhớ, trở thành người vô gia cư lang thang ở ga Seoul với cái tên Dok-go một mình cô độc.
“Cửa hàng tiện lợi bất tiện” vì vậy gửi đến độc giả nhiều thông điệp. Thứ nhất, khi tiền bạc, sự giàu có trở thành thước đo thành công của con người trong xã hội, rất nhiều người đã bất chấp tất cả để kiếm được thật nhiều tiền.
Có nhiều người thành công trong quá trình này, nhưng cũng có rất nhiều người trở thành những kẻ thua cuộc, thất bại; thậm chí đánh mất hay đứng bên bờ vực đánh mất tình thân, gia đình. Kể lại những câu chuyện như thế, cuốn tiểu thuyết mang đến hồi chuông cảnh tỉnh cho độc giả ở các quốc gia mà nhiều người dân có suy nghĩ tương đồng như ở Việt Nam.
Thứ hai, với các câu chuyện diễn ra trong thời điểm ngay trước khi dịch bệnh Covid - 19 lan ra toàn cầu và gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và mối quan hệ của mọi người trong xã hội,
“Cửa hàng tiện lợi bất tiện” một lần nữa nhấn mạnh vai trò của kết nối, hàn gắn trong quan hệ xã hội của mỗi con người. Đây chính là điều kiện tiên quyết mang lại sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.
Đậm chất điện ảnh với những tình huống đầy bất ngờ, “Cửa hàng tiện lợi bất tiện” là tiểu thuyết ăn khách của Hàn Quốc, hiện đã bán được hơn 700,000 bản tại quốc gia này; đồng thời đã được nhiều nước trên thế giới mua bản quyền phát hành trong đó có Việt Nam.
Mai Loan