|
Thợ trẻ Ngô Thu Huyền trình bày cách làm giấy dó thủ công. |
Trước nguy cơ giấy dó truyền thống bị công nghiệp lấn át và rơi vào quên lãng, người trẻ không chỉ đánh thức niềm kiêu hãnh xưa cũ mà còn đem nét đẹp ấy lan toả giữa đời sống hiện đại.
Bỏ phố về quê níu sợi dây sắp đứt
Ở Việt Nam, từng có hai làng nổi tiếng với nghề làm giấy dó, ấy là Kẻ Bưởi (Hà Nội) và Đống Cao (Bắc Ninh). Từ hai làng này, những giấy in sách, chép gia phả, sắc phong, kinh Phật, giấy lệnh triều đình… tạo nên ngồn ngộn những di sản lưu trữ cho hậu thế. Và rồi, theo thời thế đến cái tinh hoa của trăm năm cũng dần mai một rồi mất đi. Nếu thế hệ kế tiếp không mảy may thương tiếc thì sự tiếp nối có lẽ từ đây đứt đoạn.
Nhưng may mắn thay! Giữa thời khắc của một đoạn dây sắp đứt, cô gái trẻ thế hệ 9X của làng giấy dó truyền thống Đống Cao đã bỏ phố về làng tiếp nối nghề cha ông hòng mong giữ những vật báu thủ công mấy trăm năm mà làm thành huyền thoại giấy dó.
Ngô Thu Huyền sinh năm 1991, từng theo học ngành Ngôn ngữ Anh tại Trường Đại học Phương Đông (Hà Nội). Tốt nghiệp đại học, Huyền ở lại thành phố và theo việc công sở. Thế nhưng khi việc làm đã ổn định, thu nhập cũng ổn để giúp cô sống nhàn hạ ở thành phố lại là lúc cô nhớ quê hương. Nhân khi thấy làng Đống Cao quê mình chuyển sang sản xuất giấy công nghiệp, Huyền xót xa vì thấy cái nguy cơ truyền thống như sợi dây sắp đứt.
“Ông bà nội tôi đều là những người làm giấy dó, và tôi may mắn được sống với nghề từ khi lọt lòng. Trong một lần dọn tủ, tôi đã thấy rất nhiều mẫu giấy cổ được lưu lại, và tôi bỗng lo bởi bố mẹ mình đã không làm giấy dó mà làng cũng không còn mấy nhà làm. Rất có thể ông tôi sẽ là người cuối cùng làm những mẫu giấy này”, Huyền chia sẻ.
Thế nhưng việc tiếp nối truyền thống, tiếp nghề ông cha đâu phải là dễ. Đầu tiên, khi quyết định nối nghề, Huyền bị gia đình phản đối vì mấy lý do: Thu nhập bấp bênh, lao động vất vả. Và lý do chính đáng nhất, đó là khi xã hội chạy theo xu hướng công nghiệp, nghề truyền thống không “có cửa” để so đọ với sản phẩm hiện đại. Điều này không khỏi làm cô gái trẻ lung lay, dao động.
Nhưng điều gì Huyền đã quyết thì phải làm cho bằng được. Huyền bắt đầu trên hành trình gian khó mà chính mình đã chọn. May mắn là sinh ra ở làng nghề, mỗi công đoạn, cách làm đã như ăn vào máu thịt nên quy trình làm giấy, từ những bước đầu tiên cho tới khi hoàn thiện sản phẩm cuối cùng đều được Huyền tích luỹ, ra sức thử nghiệm.
Hàng loạt các công đoạn làm giấy dó được thực hiện liên tục, nối tiếp nhau như: Ngâm vỏ dó, ủ vôi tảng, hấp cách thủy, phân loại sợi dó, giã nhuyễn, đãi bột, xeo giấy, ép giấy, phơi, sấy. Trong đó, giã vỏ dó được xem là công đoạn nặng nhọc nhất đúng như câu ca “Giã nay rồi lại giã mai, đôi chân tê mỏi dó ơi vì mày”.
Giấy công nghiệp làm theo dây chuyền, được sản xuất với số lượng lớn. Giấy dó thủ công lại không dùng hóa chất, đáp ứng yêu cầu đặc biệt trong sáng tác nghệ thuật, lưu trữ, phục chế tài liệu cổ. Nhưng Huyền cũng nhận ra, loại giấy dó tốt nhất không phải là loại giấy có chất lượng cao nhất, mà là loại giấy phù hợp với mục đích sử dụng nhất nên cô phải điều chỉnh từng bước.
Với định lượng rất mỏng, giấy dùng bồi lên tài liệu cũ, nhưng vẫn phải đọc được chữ. Nhiều khi Huyền phải làm đi làm lại mấy tháng, do kỹ thuật tráng chưa đều tay khiến chỗ dày chỗ mỏng, song chính từ những khó khăn ấy đã giúp cô thợ trẻ tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và sở hữu các kỹ thuật làm giấy khác nhau.
“Sản xuất giấy thủ công phụ thuộc rất nhiều bởi thời tiết nên tôi phải điều chỉnh trong từng công đoạn ở từng mùa. Khó khăn là thế mới có được tờ giấy dó xốp nhẹ, bền dai và lưu trữ được tới vài thế kỷ nên những bức tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống hay thư pháp bao năm vẫn vẹn nguyên màu sắc, đường nét chính là những báu vật vô giá. Càng làm thành công nhiều sản phẩm, tôi càng thán phục trí tuệ và đôi bàn tay khéo léo của cha ông xưa”, Ngô Thu Huyền bày tỏ.
|
Mỗi tờ giấy dó mỏng manh nhưng mất rất nhiều thời gian, công sức và kỹ năng của người thợ. |
Lan tỏa văn hóa Việt trên giấy dó
Những cố gắng phát xuất từ tình yêu văn hóa truyền thống đã giúp Huyền góp phần làm nên thương hiệu giấy dó Ngô Đức nức tiếng ở Đống Cao. Cô thợ trẻ nói rằng, khi tờ giấy ra khỏi xưởng là nó đã bắt đầu một cuộc đời mới. Cô không biết khách hàng sẽ sử dụng những tờ giấy đó ra sao?
Có chắt chiu những tinh hoa tươi đẹp, có gửi gắm trong đó thông điệp gì cho mai sau? Nhưng chắc chắn một điều, những tờ giấy ấy không chỉ mang cả hồn quê, mà còn ẩn chứa tất cả những tinh hoa từ đôi tay và sự sáng tạo rất khó nhọc từ biết bao thế hệ nghệ nhân.
Nếu như Huyền có công bảo tồn, nối tiếp truyền thống để cho sợi dây trăm năm không bị đứt quãng thì cô gái trẻ cũng ở thế hệ 9X là Đoàn Thái Cúc Hươngở Đông Tác (Hà Nội) lại có công lan toả nét đẹp, phát triển giấy dó truyền thống thông qua các sản phẩm sáng tạo ứng dụng.
Từ những chiếc chao đèn, chiếc quạt, đèn Trung thu, lịch… bởi chất liệu giấy dó, Cúc Hương đã “thổi hồn” vào mỗi sản phẩm, làm cho tờ giấy dó phát huy tác dụng thẩm mỹ đến đỉnh điểm khi hoà sắc với những chi tiết, đường nét thấm đẫm nét văn hóa dân gian Việt Nam.
Là một giáo viên dạy tiếng Anh trong một gia đình làm nghề chạm gỗ mỹ nghệ, Cúc Hương luôn khao khát tìm đến cái đẹp thật hoàn mỹ. Trong một lần, khi tham gia một workshop làm hoa khô, Hương tình cờ được cầm một tờ giấy dó. Cô đã phải kinh ngạc trước vẻ đẹp của một loại giấy lạ mắt, ram ráp với những đường vân cuốn hút.
|
Cúc Hương tỉ mỉ vẽ từng chi tiết mang tính văn hóa lên các sản phẩm ứng dụng từ giấy dó. |
Cúc Hương đã cầm tờ giấy ấy đi tìm hiểu và biết được lịch sử của giấy dó, và cũng biết loại giấy này có thể ứng dụng vào nhiều sản phẩm. Nếu làm tốt, làm tinh xảo thì không chỉ chẳng phụ lòng người làm ra giấy, mà còn khiến nhiều người biết tới giấy dó truyền thống.
|
Bộ lịch Giáp Thìn do Cúc Hương sáng tạo bằng chất liệu giấy dó. |
|
Rồng thời Lê sơ được Cúc Hương khắc họa trên chao đèn bằng chất liệu giấy dó. |
Cúc Hương nói rằng: “Mỗi sản phẩm tôi thực hiện đều có những câu chuyện riêng gắn với văn hóa của từng vùng miền hoặc văn hóa của từng thời kỳ. Qua đó, vừa phục dựng lại văn hóa dân tộc vừa sáng tạo thêm cho phù hợp với cuộc sống đương đại và làm lan toả nét đẹp của truyền thống”.
Bắt đầu với chao đèn, Cúc Hương đã mở ra một tiệm tạp hóa với các sản phẩm truyền thống mang nhiều ký ức tuổi thơ từ giấy dó, như sổ ghi chép, chiếc đèn cù, quạt mo, quạt gấp, quyển số khâu bìa từ vải rèm treo đầu giường của bà con dân tộc Thái, cuốn sổ mua lương thực thời bao cấp, hay phiếu bé ngoan…
Dịp Trung thu 2023, Cúc Hương cũng đem đến bất ngờ với những chiếc đèn kéo quân. Bên trong đèn, có các “quân” (nhân vật) được thiết kế tỉ mỉ để khi đốt nến, hơi nóng khiến cánh quạt quay, kéo theo các nhân vật quay vòng tròn, in hình lên nền giấy bao quanh đèn. Cúc Hương chọn chủ đề tranh dân gian như: Vinh quy bái tổ, thầy đồ cóc... gắn với câu chuyện về học hành thi cử, hoặc chủ đề “đám cưới chuột” đầy tính gợi mở về xã hội.
Đưa văn hóa và hoa văn đậm chất dân tộc lên mỗi sản phẩm không chỉ là trăn trở mà còn là hướng đi trong ứng dụng giấy dó mà Cúc Hương thực hiện. Bởi vậy mà mỗi nét vẽ, mỗi sắc màu đều được cô tỉ mẩn tỉa tót sao cho thật nhất, gần nhất của tâm hồn Việt.
Như bộ lịch Tết Giáp Thìn 2024, hình tượng rồng thời Lý với thành Thăng Long được Cúc Hương tự tay thiết kế đến độ tinh xảo trong từng chi tiết hoà quyện với màu đất tự nhiên, làm cho sản phẩm trở nên mực thước trong màu giấy điệp.
Thợ trẻ Ngô Thu Huyền nói rằng, cô hi vọng giấy dó cần được ứng dụng nhiều hơn nữa trong đời sống, như làm thiệp, làm lịch, làm sổ, giấy viết thư… đặc biệt trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Còn Cúc Hương, cô cho biết sẽ cho ra mắt bộ sản phẩm chao đèn gắn với hình tượng rồng của 5 triều đại: Lý – Trần – Lê sơ – Lê trung hưng và thời Nguyễn. Ngoài ứng dụng vẽ rồng trên chao đèn, cô cũng tiếp tục hình tượng rồng cho năm Giáp Thìn trên các sản phẩm khác nhằm lan toả nét văn hóa đẹp đẽ của dân tộc tới nhiều người hơn.
Theo Trần Hòa/Giáo dục thời đại