Hơn 12 năm ở nước ngoài, đi qua hơn 20 quốc gia, tham gia nhiều dự án và báo cáo khoa học tại các hội nghị quốc tế, chàng tiến sĩ người Việt quyết định từ bỏ cơ hội nghiên cứu tại Mỹ, Canada,... để về Singapore với vị trí chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Thiết kế Quốc tế SUTD-MIT - Trung tâm được thành lập với sự hợp tác của ĐH Thiết kế và Công nghệ Singapore và Viện Công nghệ Massachusetts MIT (Mỹ).
|
TS. Trương Văn Tiến từ bỏ nhiều cơ hội làm việc tại Mỹ, Canada... |
Tại đây, TS. Trương Văn Tiến cùng cộng sự của mình đã nghiên cứu ra phương pháp chế tạo robot mềm bằng in 3D và đã xuất sắc thắng giải thưởng sáng tạo do hội đồng Purmundus - giải thưởng lớn nhất thế giới về công nghệ thiết kế in 3D và 4D ở Đức trao tặng.
Công nghệ in 3D là công nghệ sản xuất bồi đắp, là một trong những ngành công nghệ 4.0, mũi nhọn trong sản xuất. Đặc tính vật liệu và cấu trúc tổng hợp đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hiệu suất của các thiết bị chức năng in 3D cũng như sản phẩm.
Nhóm của TS. Tiến đã tạo ra một hệ thống hóa cho phép chế tạo trực tiếp vật liệu composite mềm hoàn toàn mới. Phương pháp thiết kế, tính toán cho phép tối ưu hóa sự phân bố các đặc tính vật liệu để mang lại những ứng dụng mong muốn ở độ phức tạp cao. Robot mềm ngày càng được ứng dụng rộng rãi như trong y học, sản xuất thực phẩm, quân sự, là một trong những công nghệ mũi nhọn của tương lai.
"Nhóm đã nghiên cứu đặc tính từng loại vật liệu khác nhau để sử dụng thuật toán tính toán việc phân bổ, tỷ lệ của nhiều vật liệu trên một sản phẩm nhằm tạo ra hiệu quả sử dụng tốt nhất", TS. Tiến chia sẻ.
Nghiên cứu của TS. Tiến cùng cộng sự được đăng trên tạp chí hàng đầu về vật liệu tiên tiến "Advanced Material Technologies" số tháng 8 năm 2021.
Bài báo về nghiên cứu của anh được chọn làm trang bìa, là công trình tiêu biểu nhất của số xuất bản trong tháng. Kết quả bài báo được các hãng trang công nghệ hàng đầu thế giới đưa tin như Techxplore, Eureka, Azorobotics vì tính đột phá trong công nghệ sản xuất. Đặc biệt, được trang tin EurekAlerk của hiệp hội khoa hoc Mỹ (AAAS) đăng tải.
Cuối năm 2021 khi sự nghiệp đang ở giai đoạn chín muồi, TS. Tiến quyết định trở về Việt Nam. Theo tiến sĩ Tiến, anh trở về sau một cuộc nói chuyện với một người anh có tâm huyết đồng thời là chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sản xuất Optics của Việt Nam.
|
TS. Tiến quyết định về nước dù sự nghiệp đang chín muồi |
“Người anh này nói với tôi rằng, chỉ cần tâm huyết thì mọi thứ trí tuệ Việt đều làm được. Chính câu nói này thôi thúc tôi về Việt Nam sớm hơn”- anh Tiến kể. Anh muốn mau chóng về Việt Nam để cống hiến tài năng, trí tuệ cho quê hương đất nước.
Lê Trang (TH)