Thủy điện Hòa Bình trở thành một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Công trình do Liên Xô giúp đỡ xây dựng năm 1979 và khánh thành ngày 20/12/1994. Để xây dựng đập, các công nhân phải tiến hành hai lần ngăn sông. Trong đó, đợt 1 vào ngày 12/1/1983 và đợt 2 vào ngày 9/1/1986.
Đập dâng nước của Thủy điện Hòa Bình được áp dụng phương pháp màn chống thấm (đập đất đá lõi sét) chiều dài 734m, chiều cao 128m, chịu cột nước chênh lệch thượng, hạ lưu 102 m. Trong khi đó, đập xả tràn có 12 cửa xả đáy và 6 cửa xả mặt với năng lực xả tối đa 35.400 m3/s. Hồ chứa nước có dung tích 9,8 tỷ m3 nước. Tại cửa xả lũ được xây những trụ bê tông hình kim tự tháp để giảm vận tốc của nước khi xả.
Nhà máy đặt ngầm trong lòng một quả đồi là nơi lắp đặt toàn bộ thiết bị chính và các công trình phụ trợ. Tám tổ máy tổng công suất 1.920 MW và mỗi tổ có công suất 240 MW. Vào ngày 24/12/1988, tổ máy đầu tiên của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình phát điện lên hệ thống. Đến ngày 4/4/1994, tổ máy cuối cùng - tổ máy thứ 8 phát điện lên lưới.
|
Thủy điện Hòa Bình. Ảnh:VGP/Báo Chính phủ. |
Trong hơn 30 năm qua, Thủy điện Hòa Bình đã phát huy vai trò là công trình thủy điện chiến lược đa mục tiêu, hồ chứa công trình đã tham gia điều tiết cắt lũ, giảm lũ hiệu quả cho hạ du.
Trước năm 2010, khi chưa có các thủy điện bậc thang trên (Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Bản Chát), Thủy điện Hòa Bình là nguồn điện có công suất lắp đặt lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á. Sản lượng điện trung bình hàng năm của Thủy điện Hòa Bình đạt xấp xỉ mức thiết kế (8,16 tỷ kWh).
Bên cạnh các nhiệm vụ chính là cắt lũ, giảm lũ và phát điện, Thủy điện Hòa Bình còn đóng vai trò quan trọng trong việc cấp nước chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, cải thiện giao thông thủy trên sông Đà, sông Hồng và tăng cường nguồn nước phục vụ nhu cầu dân sinh và các hoạt động sản xuất khác.
Trên Dân trí, TS Nguyễn Doanh Oanh, Viện Năng lượng cho hay, theo quy định, các công trình thuỷ điện đều phải thiết kế với những tính toán về khả năng chịu đựng cao khi động đất xảy ra. Thêm nữa, các công trình thuỷ điện lớn trên toàn quốc, đặc biệt là ở phía Bắc đều được tính toán, thiết kế ở những khu vực khá yên tĩnh về địa chất. Tùy theo quy mô của các công trình thuỷ điện sẽ được thiết kế để có thể đạt đến khả năng chịu đựng động đất cao nhất. Theo đó, các công trình thủy điện lớn như Thủy điện Hòa Bình có thể chịu đựng được động đất khoảng 7 - 8 độ richter.
Với lợi thế Nhà máy ngầm trong núi, đập và hồ chứa lớn, có nhiều quần thể kiến trúc và cảnh quan đẹp, Công ty Thủy điện Hòa Bình đã phối hợp cùng ngành du lịch tỉnh Hòa Bình tiến hành khai thác các loại hình dịch vụ du lịch phù hợp, giúp phát triển kinh tế cũng như tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương.
Tâm Anh