LTS: Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quân đội ta anh dũng trong kháng chiến mà cũng anh dũng trong hòa bình”. Dù thời đại nào, những người lính Cụ Hồ cũng luôn sẵn sàng hy sinh để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ Tổ quốc. Kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023), Tri thức và Cuộc sống xin giới thiệu bài viết về một chiến sĩ nơi đảo xa để tri ân người lính từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân phục vụ!
Thượng úy, bác sĩ Đinh Văn Trường (SN 1995), Bệnh xá trưởng của Bệnh xá đảo Sinh Tồn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) chia sẻ, điều kiện cuộc sống ở trên đảo rất khó khăn. Chính vì thế, anh lại càng nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ và tự hào khi được là một “chiến sĩ áo trắng” của Trường Sa.
“Chiến sĩ áo trắng”
Trò chuyện với Tri thức và Cuộc sống, Thượng úy, bác sĩ Đinh Văn Trường cho hay, anh là cựu học sinh chuyên Sinh của Trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa. Anh cũng không biết đã yêu ngành Y từ khi nào.
|
Bác sĩ Đinh Văn Trường (đeo kính) cùng kíp cấp cứu ngư dân gặp tai nạn trên biển. Ảnh: NVCC.
|
“Chỉ biết việc lựa chọn ngành Y, với mong muốn được chữa bệnh cứu người tựa lẽ tự nhiên, như đã ở sẵn trong máu mình rồi. Và với ngành Y, nếu không có tình yêu với nghề, cũng không thể gắn bó dài lâu được, vì rất vất vả”, bác sĩ Đinh Văn Trường tâm sự.
Tốt nghiệp Học viện Quân y, bác sĩ Đinh Văn Trường về công tác tại Viện Y học Hải quân (Hải Phòng). Từ tháng 8/2023, anh nhận nhiệm vụ, trở thành “chiến sĩ áo trắng” nơi đảo Sinh Tồn.
“Ở bệnh viện của tôi, thường xuyên có các kíp bác sĩ được huấn luyện nhận nhiệm vụ nơi đảo xa. Tôi viết đơn xung phong tình nguyện xin đi làm nhiệm vụ này, vì muốn cống hiến, đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, bác sĩ Đinh Văn Trường chia sẻ.
Kỷ niệm không quên
Thượng úy, bác sĩ Đinh Văn Trường cho biết, điều kiện làm việc ở ngoài đảo khác trong đất liền. Khác biệt lớn nhất là ở bệnh viện đất liền có sự hỗ trợ rất lớn của đồng nghiệp, phòng, khoa, còn ngoài đảo cần tính độc lập rất cao. Mỗi kíp ở trạm phải đảm đương tất cả khâu, từ khám, xét nghiệm, cấp thuốc, điều trị…, rất vất vả.
Bác sĩ Đinh Văn Trường kể, khi xung phong nhận nhiệm vụ ngoài đảo, anh xác định trước những khó khăn. Tuy nhiên, có những tình huống ngoài dự liệu.
|
Ba bệnh nhân bị hội chứng giảm áp được chuyển cấp cứu về Bệnh viện Quân y 175 an toàn. Ảnh: BVCC.
|
Chẳng hạn, về máy móc, ngoài đảo được trang bị tương đối đầy đủ nhưng trong quá trình vận hành có những hỏng hóc, trong khi các bác sĩ lại không phải là người am hiểu về kỹ thuật. Nếu ở đất liền, gặp những tình huống như vậy, có thể gọi ngay kỹ thuật hoặc nhân viên IT đến sửa rất đơn giản, còn ở ngoài đảo lại không thể.
Những lúc cấp bách cần điều trị cho bệnh nhân, mà máy móc lại hỏng, không sửa ngay được. Đó là một trong những trở ngại mà bác sĩ nơi đây phải tìm giải pháp khắc phục. Trong quá trình làm, với những ca khó, các bác sĩ gọi về bệnh viện ở quê nhà để được tư vấn, hỗ trợ. Cũng có khi phải chuyển bệnh nhân.
“Có một lần máy tính hỏng phần mềm, không cài lại được. Mất một phương tiện hỗ trợ chẩn đoán bệnh, chúng tôi phải dựa vào lâm sàng là chính, nhưng phải rất thận trọng đưa ra những kết luận. Với những trường hợp cảm thấy vượt quá khả năng thì xin chuyển bệnh nhân về bờ hoặc các đảo xung quanh có máy móc hỗ trợ”, bác sĩ Trường nhớ lại.
Đặc biệt, kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào tháng 9 vừa qua, trạm đã cấp cứu cùng một lúc 3 bệnh nhân là ngư dân lặn biển bị hội chứng giảm áp. Những ngư dân này đã lặn sâu khoảng 10-20m để khai thác thủy sản, sau đó triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, đau mỏi, tê bì tứ chi, khó thở. Kíp quân y tại đảo Sinh Tồn nhanh chóng kiểm soát bước đầu tình trạng các dấu hiệu sinh tồn của 3 bệnh nhân và hội chẩn với Viện Y học Hải quân và Bệnh viện Quân y 175.
Qua hội chẩn xác định, một bệnh nhân có tiến triển nặng bệnh giảm áp giờ thứ 22 do lặn sâu, đã có biến chứng suy hô hấp, có nguy cơ tổn thương tủy, thần kinh trung ương, đe dọa tính mạng, vượt quá khả năng điều trị của quân y đảo Sinh Tồn. Sau đó, cả 3 bệnh nhân đã được trực thăng đưa về Bệnh viện Quân y 175 điều trị.
Bác sĩ Trường nói, khi người thợ lặn xuống quá sâu, cơ thể phải chịu áp lực cao, sau đó khi ngoi lên mặt nước quá nhanh có thể dẫn đến sự sụt giảm đột ngột của áp suất xung quanh. Lúc này, cơ thể sẽ bị tổn thương gây ra do các bọt khí hình thành trong mạch máu và dịch trong cơ thể. Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ đối diện với nguy cơ tử vong hay tàn phế suốt đời.
“Bình thường, cấp cứu 1 bệnh nhân bị hội chứng giảm áp đã rất khó khăn, hôm đó, lại cùng lúc cả 3 bệnh nhân. Đó là một kỷ niệm khó quên. May mắn, được cấp cứu kịp thời, các nạn nhân đã được cứu sống và bình phục”, bác sĩ Trường xúc động.
Tự hào góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Bác sĩ Trường cho hay, khi ra đảo Sinh Tồn nhận nhiệm vụ, anh được chứng kiến hết nỗi vất vả, khó khăn của các chiến sĩ cũng như người dân nơi đây. Đặc biệt, lúc ốm đau, đến bệnh xá, họ chỉ có y bác sĩ điều trị. Chính vì vậy, anh càng nỗ lực hết mình để cứu chữa, giữ sức khỏe cho những chiến sĩ để họ yên tâm canh giữ biển trời và đảm bảo cuộc sống yên bình cho người dân.
|
Bệnh xá đảo Sinh Tồn mổ cấp cứu cho bệnh nhân viêm ruột thừa cấp. Ảnh: NVCC. |
Mỗi khi điều trị thành công một ca bệnh, với anh, đó là niềm hạnh phúc. Và tình cảm của người dân nơi đây cũng làm anh xúc động.
“Một điều để lại ấn tượng đặc biệt sâu sắc trong tôi, đó là các ngư dân ở đây rất thật thà, chất phác, rất tình cảm. Khi điều trị, các bệnh nhân cũng ăn, ngủ luôn ở bệnh xá nên giữa bệnh nhân và các nhân viên y tế cũng có tình cảm gắn bó, thân tình. Những món quà mà bệnh nhân mang ra góp cùng là con cá, mớ ốc… giản dị, mộc mạc, nhưng lại làm kíp xúc động”, bác sĩ Trường chia sẻ.
Khi hỏi về nỗi nhớ nhà, bác sĩ Trường tâm sự, như bất kỳ người con đi xa nhà nào, đều có nỗi nhớ da diết trong tim. Bác sĩ Trường chưa lập gia đình, trên anh là chị gái đã lấy chồng. Biết bố mẹ nhớ con trai, anh thường động viên ông bà, bởi anh hiểu, người đi xa nhớ một thì ở nhà còn nhớ tới mười. Công việc bận rộn, cuộc sống vất vả hơn ngoài đất liền, nhưng anh cảm thấy thật hạnh phúc khi làm nhiệm vụ.
“Tôi tự hào khi được góp sức mình trong việc giữ gìn, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, Thượng úy, bác sĩ Đinh Văn Trường nói.
Bác sĩ Đinh Văn Trường cho hay, tâm thế khi cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân ở đảo khác với đất liền. Ở đất liền, có tâm lý sau lưng mình có nhiều người hỗ trợ, hoặc thay thế, nhưng ở ngoài đảo lại khác. Cho nên, khả năng làm việc độc lập có lẽ sẽ là kinh nghiệm lớn nhất mà anh có được sau thời gian làm nhiệm vụ tại đảo Sinh Tồn.
Tết này, sẽ là Tết đầu tiên anh xa nhà trọn vẹn cả một Tết. Hiện các chiến sĩ cũng đã bắt đầu có những chuẩn bị để đón mùa xuân mới. “Ở đảo, cùng cảnh xa gia đình, nên tình cảm dành cho nhau rất nồng ấm, chân thành. Và điều quan trọng nhất, là vì tất cả cùng có chung một tình yêu với Tổ quốc”, bác sĩ Đinh Văn Trường chia sẻ.
Mời quý độc giả xem video" "Ngắm những bức ảnh chú bộ đội đẹp và ý nghĩa nhất".
Mai Loan