Trong tiết mục “Khiêu chiến với danh nhân văn hóa” của Đài Truyền hình Giang Tây, giáo sư sử học Kỷ Liên Hải, người được xem là “danh nhân văn hóa đương đại Trung Quốc”, đã khiến nhiều người chấn động khi đưa ra số tuổi của Võ Tòng lớn hơn “ca ca” Võ Đại Lang tới... 250!
Nghĩa sĩ đời Tống
Theo GS Kỷ Liên Hải, trong lịch sử, ở Khổng Tống Trang, huyện Thanh Hà, phủ Đông Bình, tỉnh Sơn Đông (nay thuộc Hà Bắc) cũng có người tên Võ Tòng nhưng sống vào đời Tống, không phải hảo hán Lương Sơn, cũng không phải là Võ Nhị Lang, em của Võ Đại Lang. Đại khái Võ Tòng qua đời vào năm 1125 hoặc 1126, trong khi Võ Đại Lang sống vào đầu đời Minh, cách nhau hơn 250 năm.
Trong “Thủy hử”,̀ về sau Võ Tòng theo Tống Giang quy thuận triều đình, đi đánh dẹp Phương Lạp. Trong trận đánh tại Mục Châu, Võ Tòng bị Bao Đạo Ất chém mất một cánh tay, được Lỗ Trí Thâm cứu thoát. Sau khi thắng trận, Võ Tòng không trở về Biện Kinh nhận chức mà xuất gia tại tháp Lục Hòa, Hàng Châu, được phong Tĩnh Trung thiền sư và thọ 80 tuổi. Trong khi đó, “Kim Bình Mai” lại mô tả Võ Tòng báo thù Tây Môn Khánh nhưng giết lầm người, bị đày đi Mạnh Châu. Sau khi quay về thì Tây Môn Khánh đã bệnh chết, Võ Tòng bèn giết chị dâu Phan Kim Liên rồi lên Nhị Long Sơn.
Khu mộ Võ Tòng đã được trùng tu
Khu mộ Võ Tòng đã được trùng tu.
Tống sử không thấy chép về Võ Tòng nhưng trong các sử tịch như “Lâm An huyện chi”́, “Tây Hồ đại quan”, “Hàng Châu phủ chi”́, “Triết Giang thông chi”́... đều có ghi rõ nhân vật này là quan đề hạt ở phủ Hàng Châu, người hiệp nghĩa, vì dân trừ hại. Theo đó, Võ Tòng vốn là người mãi võ, luân lạc giang hồ, “tướng mạo kỳ vĩ, thường biểu diễn võ nghệ trước Dũng Kim môn”. Quan tri phủ Hàng Châu là Cao Quyền thấy Võ Tòng võ nghệ cao cường, tài năng xuất chúng mới mời vào phủ, cho nhận chức đô đầu (phụ trách về tội phạm hình sự của huyện nha). Không lâu sau, nhờ có công, Võ Tòng được thăng làm đề hạt (phụ trách toàn bộ về trật tự trị an), trở thành tâm phúc của tri phủ. Về sau, Cao Quyền đắc tội với cấp trên, bị kẻ gian vu hãm phải bãi quan. Võ Tòng cũng do đó mà bị liên lụy, ra khỏi nha môn.
Quan tri phủ mới Sái Quân - con trai quan thái sư Sái Kinh - là một gian thần, ỷ thế cha lộng quyền, hống hách, ngang ngược, dân chúng Hàng Châu oán hận gọi y là “Sái Hổ”. Võ Tòng quyết tâm vì dân trừ hại. Chàng ta một mình giấu đao, nấp trước Sái phủ, khi Sái Hổ cùng quân lính tiền hô hậu ủng vừa đến thì liền dũng mãnh lao vào truy sát. Sái Hổ bị đâm chết nhưng quân lính bao vây quá đông, Võ Tòng không thể địch lại nên bị bắt. Võ Tòng bị cực hình chết trong ngục. Dân chúng Hàng Châu cảm ân đức nên táng ở bên cầu Tây Linh, Hàng Châu, lập bia đề “Tống nghĩa sĩ Võ Tòng chi mộ”.
Long đong phần mộ
Mộ Võ Tòng nhiều phen bị khai quật, dời đổi. Nhà mỹ thuật nổi tiếng Khương Đan Thư từng viết về tình trạng quan quách Võ Tòng vào năm 1891: “Ngô Kiếm Phi một hôm đi qua Dũng Kim môn, Hàng Châu, trông thấy một bộ quan tài được những người thợ sửa tường thành đưa ra. Mặt trên quan tài có đề “Võ Tòng chi cữu” (linh cữu của Võ Tòng), thể chữ đời Tống, mỗi chữ vuông vắn 6 tấc được khắc nổi, thếp vàng, sắc vàng chưa đổi. Quan tài đã mục, to lớn hơn bình thường, màu sơn đen ánh sắc hồng. Lúc đầu, ai cũng cho rằng mộ Võ Tòng chỉ là mộ trống hoặc y quan trũng (mộ chôn mũ áo tượng trưng) nhưng khi quật lên thì có quan, quách khá lớn. Nhìn qua khe hở quan tài có thể thấy bộ hài cốt to lớn”.
Trương Đan Thư cho biết khi chuyển mộ Võ Tòng sang Tây Hồ vào năm 1924, trùm bến Thượng Hải bấy giờ là 3 đại lão hanh (bố già) Hoàng Kim Vinh, Trương Tiêu Lâm và Đỗ Nguyệt Sênh cùng tài trợ tiền của, làm bia lập mộ. Việc này có chép trong tự truyện “Đỗ Nguyệt Sênh trong mắt một vị Trung y Thượng Hải”.
Vào tháng 9/1964, Mao Trạch Đông có chỉ thị về việc thu gom tất cả mộ danh nhân nằm rải rác ở Tây Hồ, Hàng Châu, “quét sạch ảnh hưởng tư tưởng phản động hủ bại”. Vì thế, hàng loạt mộ phần từ danh nhân - như: Nhạc Phi, Vu Khiêm, Võ Tòng, Tô Tiểu Tiểu, Lâm Hòa Tĩnh, Phùng Tiểu Thanh... - đến chí sĩ - như: Thu Cần, Từ Tích Lân, Bùi Thiệu, Đào Thành Chương, Tô Mạn Thù, Lâm Khải, Tuệ Hưng... - đều bị khai quật chuyển đến chôn tập thể trong 10 ngôi công mộ tại Mã Pha, Kê Lung Sơn, ngoại ô Hàng Châu để “sinh hoạt cộng đồng”. Đến tháng 3/1965, có 654 ngôi mộ đã bị gom đi. Bên cạnh đó, vô số tượng, bia cổ quý giá ở tháp Lục Hòa, chùa Vân Tê, miếu Nhạc Phi... cũng bị phá hủy.
Sau khi Cách mạng văn hóa kết thúc, phần mộ của các danh nhân mới lần lượt được đưa về chốn cũ. Mộ Võ Tòng được trùng tu vào năm 2004. Trên cổng khu mộ có 4 chữ “Khâm kỳ khôi vĩ” và đôi liễn do nhà thư pháp trứ danh Phùng Ký Tài viết “Thất ý thả ngũ hào khách, Đắc thời đệ nhất anh công” (lúc không được như ý thì cũng là trang hào khách, lúc gặp thời là bậc anh minh).
Trong cuốn “Tống Giang tam thập lục nhân tán” (Ca ngợi nhóm 36 người của Tống Giang), họa sĩ Cung Khai đời Nam Tống có vẽ hình Hành giả Võ Tòng với lời tán: “Nhữ ưu bà tắc, Ngũ giới tại thân, Tửu sắc tài khí, Cánh yếu sát nhân” - đại ý rằng Võ Tòng là người đã xuất gia thọ giới nhưng không quan tâm tuân thủ giới luật; tửu sắc, tiền bạc, cho đến giết người, Võ Tòng cũng chẳng kiêng.
Nguyên mẫu của Biện Nguyên Hanh?
Theo một số nhà nghiên cứu, Võ Tòng là nguyên mẫu của võ tướng Biện Nguyên Hanh, bạn thân Thi Nại Am. Biện Nguyên Hanh võ nghệ cao cường, sức mạnh hơn người. Lúc ấy, ở một dải Biện Thương có một con hổ dữ, người dân không dám đi riêng lẻ. Biện Nguyên Hanh một mình đến đây, tay không đánh chết mãnh hổ.
Là một mưu sĩ của Trương Sĩ Thành, Thi Nại Am biết nhiều chuyện trong nội bộ tập đoàn thống trị này. Về sau, thấy họ Trương đam mê tửu sắc, bỏ bê chính sự, không nghe can gián, Thi Nại Am về ẩn cư và viết “Thủy hử truyện”. Ông đưa vào truyện nhiều nhân vật mà mình quen biết dưới trướng Trương Sĩ Thành, như anh em bán muối lậu Đồng Uy - Đồng Mãnh hay Nụy cước hổ Vương Anh là người đánh xe ở Lưỡng Hoài...
Theo Thiên Tường/Người Lao Động