Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, tác giả La Quán Trung coi nhà Hán là chính thống nên ủng hộ lực lượng do Lưu Bị, một tôn thất nhà Hán, đứng đầu.
Quan Vũ nhờ đó được mô tả là nhân vật chính diện, vũ dũng hào hiệp, có khí phách anh hùng. Tình huynh đệ giữa ông với Lưu Bị và Trương Phi được La Quán Trung ca ngợi hết mực.
Tam quốc diễn nghĩa mô tả Quan Vũ cao hơn 2 mét, mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, oai phong lẫm liệt. Những miêu tả này của La Quán Trung về sau được sử dụng trong các bộ phim truyền hình về Tam quốc, nhưng chưa bao giờ được các sử gia xác nhận trên thực tế.
Năng lực chiến đấu của Quan Vũ cũng có những khác biệt so với những gì mô tả trong Tam quốc diễn nghĩa.
Quan Vũ trong Tam quốc diễn nghĩa
|
Quan Vũ trong bộ phim Quan Vân Trường (The Lost Bladesman) năm 2011. |
Dưới trướng của Lưu Bị, Quan Vũ đã lập nên vô số công lao mà điển hình là những màn đấu võ, trảm tướng đầy khí phách. Đặc biệt nhất phải kể đến tích vượt 5 ải trảm 6 tướng của Tào Tháo khi đưa 2 người vợ của Lưu Bị trở về.
Những nhà nghiên cứu Tam Quốc diễn nghĩa tóm lược rằng, Quan Công lập nhiều công trạng, trước sau chém được 17 viên tướng ngoài mặt trận. Một trong những sự tích nổi bật nhất là màn đột kích chém chết Nhan Lương.
Tam quốc diễn nghĩa hồi 25 có đoạn tả: “Quan Công nhảy lên ngựa, cầm Thanh Long Đao phi xuống núi, xông thẳng vào thế trận của địch”.
“Quan Công xông thẳng vào Nhan Lương. Nhan Lương thấy Quan Công lao tới, đang định cất tiếng hỏi thì ngựa Xích Thố đã tới trước mắt”.
“Nhan Lương không kịp trở tay, bị Vân Trường vung đao đâm ngã xuống ngựa, cắt lấy thủ cấp treo lên cương ngựa. Quan Công thu đao rút về, như vào chỗ không người”.
Trong hồi 27 của tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, tác giả La Quán Trung mô tả sự tích Quan Vũ sau khi treo ấn từ quan, cáo biệt Tào Tháo, mang hai phu nhân đi về Hà Bắc để gặp Lưu Bị.
Quan Vũ được mô tả là lần lượt phải trải qua đủ 5 ải. Vì không xin Tào Tháo nên Quan Vũ qua mỗi ải đều bị ngăn cản, bất đắc dĩ phải chém 6 tướng của Tào Tháo, bao gồm Khổng Tú, Mạnh Thản, Hàn Phúc, Biện Hỉ, Vương Thực và Tần Kỳ.
Chiến tích này được ghi nhớ như bằng chứng về sức mạnh vô song trong cuộc đời đầy thăng trầm của Quan Vũ.
Sức mạnh thực sự của Quan Vũ
Sau thời Tam quốc không lâu, Trần Thọ - một vị quan nhà Tây Tấn, đã dựa vào các sử liệu thu thập được, để phác họa lại lịch sử Trung Quốc thời Tam quốc, soạn nên cuốn sách gọi là Tam quốc chí.
Trong cuốn sách này, Trần Thọ có ghi lại sự kiện Quan Vũ chém Nhan Lương. “Quan Vũ thấy Nhan Lương, bèn thúc ngựa đâm Lương giữa vạn quân, chém đầu Lương. Tào Công (Tào Tháo) lập tức phong Quan Vũ làm Hán Thọ Đình Hầu”.
Điều đáng nói là nhân vật Nhan Lương khi đó không phải là một tướng giỏi đánh trận, mà chỉ là tướng chỉ huy, bày binh bố trận.
Dựa trên ghi chép của Trần Thọ trong Tam quốc chí có thể thấy, Quan Vũ tìm ra Nhan Lương trong cuộc hỗn chiến và quyết định xông thẳng đến chém tướng địch, dù việc này không hề dễ dàng.
Tác giả Trần Thọ không nêu rõ trận đánh thành Bạch Mã, nhưng việc Quan Vũ tìm đến tận nơi Nhan Lương chỉ huy quân, đã thể hiện phần nào khí phách và sức mạnh hơn người của Quan Vân Trường.
Điểm vượt trội của Quan Vũ là chỉ dựa vào năng lực chiến đấu bản thân, không cần người trợ giúp cũng có thể tìm đến nơi Nhan Lương ẩn náu mà chém chết tướng địch.
Việc Quan Vũ đơn thương độc mã đột phá vòng vây chém Nhan Lương có thể coi là kỳ tích, gần như không có khả năng tái hiện trong lịch sử
Về việc Quan Vũ “vượt 5 ải, chém 6 tướng”, các sử gia Trung Quốc sau này chỉ ra rằng đây chỉ là sự tích mang tính ước lệ, thể hiện tiết khí trung nghĩa khẳng khái quả cảm không ngại đi ngàn dặm tìm về với Lưu Bị.
Trên thực tế, 5 ải này ở cách nhau rất xa và cũng không liên quan đến việc Quan Vũ tìm đường về với người anh kết nghĩa Lưu Bị. Sau khi bỏ Tào Tháo, Quan Vũ cưỡi ngựa từ Hứa Xương về Nhữ Nam tìm Lưu Bị khá thuận lợi, chỉ mất khoảng 3-4 ngày đường.
Ngày nay, hình tượng Quan Vũ đã được thần thánh hóa trở thành Võ Thánh, được không ít người đời sau ở khắp châu Á thờ phụng.
Sự tích Quan Vũ “vượt 5 ải, chém 6 tướng” nhờ đó luôn được lấy làm ví dụ về sức mạnh hơn người, khó ai bì kịp của Quan Vũ, dù rằng nó không có thật.
“Quan Vũ là một người đàn ông mạnh mẽ, can đảm và năng lực chiến đấu tuyệt vời. Một lần nọ, Quan Vũ để thầy thuốc rạch vết mổ ở cánh tay phải mà vẫn có thể bình tĩnh chơi cờ, uống rượu”, Rafe de Crespigny, giáo sư tại Đại học Quốc gia Úc, viết trong cuốn sách “Cẩm nang lịch sử Trung Quốc từ thời nhà Đông Hán đến thời Tam quốc (năm 23-220)”.
Theo Đăng Nguyễn/Dân Việt